Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 18/10 - 24/10
Khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động dự án LNG Quảng Ninh. |
Ngày 24/10/2021, tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc, với công suất dự kiến là 1.500 MW.
Với mục tiêu “LNG Quảng Ninh - Hợp tác - Tiên phong”, cuối năm 2020, PV Power, Colavi, Tokyo Gas và Marubeni đã cùng ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án điện khí, trong đó có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
Dự án được xây dựng tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả với tổng mức đầu tư dự án dự kiến 47.480 tỷ đồng. Dự kiến khi hoàn thành và đưa vào hoạt động thương mại vào quý 3/2027, dự án sẽ bổ sung lượng điện lớn lên đến 9 tỷ kWh/năm cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Thêm 23 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật về tình hình công nhận vận hành thương mại (COD) đối với các nhà máy điện gió đến ngày 22/10/2021. Theo đó, từ ngày 1/10 đến ngày 22/10/2021 đã có thêm một số nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể đã được công nhận vận hành thương mại (COD) như sau:
Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5655,5 MW đăng ký thử nghiệm COD thì đến 22/10/2021, có 28 nhà máy điện gió với tổng công suất 1247,4 MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD). EVN sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.
Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió Kon Plông
Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió Kon Plông (ảnh minh họa) |
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án Nhà máy điện gió Kon Plông tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo đó, 3 nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án bao gồm: LRVN Wind Pte.ltd (Singapore), Công ty TNHH Quốc tế NOVA, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát.
Dự án có công suất thiết kế là 103,5 MW, được đấu nối vào lưới điện quốc gia với sản lượng điện ròng 260.182 MWh điện/năm. Quy mô kiến trúc xây dựng là 36,04ha, gồm các hạng mục như móng turbine, khu vực thi công turbine, đường, móng cho đường dây 33kV, móng cho đường dây 220kV, trạm biến áp 033/220kV, nhà điều hành, trạm cắt 220kV.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.500 tỷ đồng (tương đương 152,86 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 525 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD); vốn huy động là 2.975 tỷ đồng (tương đương 130 triệu USD), chiếm 85% tổng mức đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2023.
Hoàn thành dự án điện gió Kosy Bạc Liêu
Đóng điện thành công trạm biến áp 220kV, các xuất tuyến 24kV cùng toàn bộ thiết bị điện tại các turbine thuộc Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu. |
Ngày 21/10, chủ đầu tư, tổng thầu và các đơn vị liên quan đóng điện thành công, an toàn trạm biến áp 220kV, các xuất tuyến 24kV cùng toàn bộ thiết bị điện tại các turbine thuộc Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu.
Nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu có công suất 40MW, được xây dựng trên địa bàn các xã Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Hiện Nhà máy đã sẵn sàng bước vào quá trình chạy thử nghiệm trước khi được công nhận vận hành thương mại (COD), đảm bảo tiến độ phát điện toàn nhà máy trước trước thời điểm ngày 31/10/2021.
Khi được đưa vào vận hành thương mại, nhà máy sẽ cung cấp lượng điện trung bình khoảng 116,7 GWh/năm, bổ sung thêm lượng lớn công suất nguồn năng lượng sạch cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Bạc Liêu nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Ký hợp đồng tín dụng cho dự án điện gió Tân Thuận (Cà Mau)
Lễ ký hợp đồng tín dụng cho dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận diễn ra dưới hình thức trực tuyến. |
Ngày 18/10, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (Cà Mau) - Công ty CP Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) và Ngân hàng Landesbank Baden-Wuerttemberg (LBBW - một ngân hàng của Đức) đã tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận 75MW.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận với quy mô công suất 75 MW được đặt tại xã Tân Thuận, huyện đầm dơi, tỉnh Cà Mau. Dự án sử dụng công nghệ hiện đại, gồm 18 trụ turbine gió. Được khởi công vào tháng 1/2020, dự án hiện đã cơ bản hoàn thành phần lớn các khối lượng công việc và đang chuẩn bị hoàn thành theo mục tiêu đề ra.
Dự kiến, khi đi vào vận hành, Nhà máy điện gió Tân Thuận sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia sản lượng khoảng 220 triệu kWh/năm. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung, tạo công ăn việc làm và nguồn thu ổn định cho ngân sách trong những năm tiếp theo.
Hoàn thành lắp đặt các trụ turbine dự án điện gió Đông Hải 1 (Trà Vinh)
Dự án nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại tỉnh Trà Vinh vừa hoàn thành lắp đặt trụ gió cuối cùng trong tổng số 25 trụ gió của nhà máy. |
Dự án nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại tỉnh Trà Vinh vừa hoàn thành lắp đặt trụ gió cuối cùng trong tổng số 25 trụ gió của nhà máy. Khi vận hành dự án điện gió Đông Hải 1 sẽ bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh hàng năm.
Đây là dự án nhà máy điện gió biển đầu tiên của Tập đoàn Trungnam Group, được đầu tư với tổng mức gần 5.000 tỷ đồng, tại vị trí biển V1-7, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án đạt tổng công suất 100 MW, quy mô 25 trụ gió, mỗi trụ gió có công suất 4 MW. Khi vận hành nhà máy điện gió Đông Hải 1 sẽ kết nối lưới điện quốc gia, giúp đa dạng nguồn phát và tiến dần đến khả năng cân đối nguồn với năng lượng hóa thạch, nhất là trong bối cảnh định hướng quốc tế cho tương lai "không phát thải carbon".
TP HCM nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản công nghệ cao
Hệ thống nuôi trồng thủy sản công nghệ cao |
Ngày 19/10, Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) hoàn thành và đóng điện đưa vào vận hành dự án “Nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Cần Giờ”.
Dự án bao gồm việc cải tạo và trồng mới trụ điện, cải tạo 14 nhánh rẽ dài hơn 17km đường dây được thay mới với tiết điện lớn hơn, cải tạo các tuyến dây từ 1 pha lên 3 pha nhằm nâng công suất truyền tải điện. Bên cạnh đó, dự án cũng thay mới và nâng công suất 25 trạm điện với tổng công suất gần 4000kVA. Dự án có tổng giá trị đầu tư hơn 22,6 tỷ đồng.
Sau khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải cục bộ, đảm bảo liên kết lưới các trạm hạ thế, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Cần Giờ. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện, chống quá tải và đáp ứng việc phát triển kinh tế khu vực huyện.
Đào tạo "Người quản lý năng lượng" và "Kiểm toán viên năng lượng"
Một khóa đào tạo “Người quản lý năng lượng” do ENERTEAM tổ chức. |
Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng - ENERTEAM, tổ chức các khóa đào tạo “Người quản lý năng lượng” và “Kiểm toán viên năng lượng” theo hình thức đào tạo onlline.
Khóa đào tạo “Người quản lý năng lượng” và “Kiểm toán viên năng lượng” nhằm mục đích cung cấp kiến thức về quản lý năng lượng, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các đơn vị, cá nhân thực hiện các hoạt động tư vấn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chương trình đào tạo nằm trong hoạt động thường niên của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Dự kiến, đến năm 2030, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành đào tạo và và cấp chứng chỉ cho 5.000 chuyên gia quản lý năng lượng/ kiểm toán năng lượng.
Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà cao tầng
Toàn cảnh hội nghị. |
Ngày 22/10/2021, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng (MOC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội nghị Chia sẻ kết quả dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng" (EECB) và thảo luận về việc tiếp tục phát triển các công trình nhà xanh và công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.
Dự án EECB nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành xây dựng ở Việt Nam, bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dự án bắt đầu triển khai vào năm 2016 và kết thúc vào năm 2021.
Dự án đã cung cấp các nghiên cứu và kiến nghị về chính sách và kỹ thuật để đưa quy định về công trình xanh và công trình sử dụng hiệu quả năng lượng vào Luật sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Luật Xây dựng (tháng 6/2020) và Nghị định hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 15/2011/NĐ-CP)... Dự án cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 23 tòa nhà mới và cải tạo với tổng số 75 giải pháp được áp dụng, giúp tiết kiệm 12.000 MWh (giảm 10.000 tấn CO2tđ), tương ứng với tiết kiệm 35 tỷ đồng. Điều này cũng chứng tỏ tính khả thi về kinh tế - kỹ thuật của việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng với chi phí gia tăng bình quân dưới 3% và thời gian hoàn vốn trung bình là 3,5 năm.
Lâm Anh (tổng hợp)
-
[PetroTimesTV] Xe điện đi cả năm... "không cần sạc"?!
-
[PetroTimesTV] Cỗ máy làm từ rác thải nhựa khai thác năng lượng thủy triều
-
EVNHANOI cảnh báo khách hàng cảnh giác với cuộc gọi mạo danh để lừa đảo
-
Mở rộng Kho than G9 đáp ứng than cho các nhà máy nhiệt điện
-
[PetroTimesTV] Từ tuabin gió 20 năm tuổi đến ngôi nhà tí hon hiện đại