Bài học đắt giá cho sự thiếu hiểu biết
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ, việc tung tin đồn thất thiệt, có nội dung sai sự thật trong đời thực cũng như trên mạng xã hội đều là hành vi vi phạm pháp luật. Và trên thực tế, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần ra quyết định hành chính xử phạt các đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội nhằm tăng tính răn đe đối với những vi phạm trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận giới trẻ còn hạn chế nên hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội thời gian gần đây không những không suy giảm mà còn có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Và điều đáng tiếc là chỉ đến khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, người tung tin đồn thất thiệt mới nhận thức được hành vi của mình là vi phạm.
Sáng 10/4, trên facebook cá nhân của một người tên là Phạm Anh T. xuất hiện một status với nội dung “Rạng sáng nay 9/4, sau KTX Đại học Công nghiệp Hà Nội các bạn sinh viên phát hiện em P.T.A. sinh viên năm thứ nhất Khoa DL-sư phạm bị hiếp dâm chết lõa thể cách đó khoảng 6/7 ngày”. Và để tăng thêm tính “xác thực” của thông tin, Phạm Anh T. còn đăng cả hình nữ sinh viên bị hãm hại nằm tại một khu đất trống và các chiến sỹ Công an đang khám nghiệm tại hiện trường gây rúng động trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, sau khi xác minh, Công an quận Bắc Từ Liêm đã khẳng định đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Và đơn vị này đã báo cáo với Công an Hà Nội, phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương truy tìm chủ tài khoản tung tin đồn thất thiệt trên để xử lý.
Cách đây khoảng 1 tháng, vào giữa tháng 3/2015, hàng loạt người nổi tiếng như ca sỹ Sơn Tùng, Phan Đình Tùng, diễn viên Chí Trung và nhà báo Lại Văn Sâm đều bị một số đối tượng chưa rõ danh tính trên các mạng xã hội tung tin đồn là đã qua đời kèm theo những hình ảnh ngụy tạo đang nằm trên giường bệnh. Trước tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng của mạng xã hội, các “nạn nhân” của trò đùa ác ý trên phải lên facebook cá nhân để đính chính rằng mình vẫn khỏe.
Trước đó, vào tháng 8/2014, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền thông tin thất thiệt về việc Việt Nam đã có bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai. Ngay sau đó, Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đã phải họp báo chính thức để cung cấp thông tin về dịch Ebola.
Tại cơ quan Công an, hai vợ chồng Đỗ Thùy Linh và Vũ Quốc Huy ở Nam Đồng, Đống Đa (Hà Nội), chủ nhân tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội facebook đã khai nhận việc tung tin đồn chỉ với mục đích gây sự chú ý đối với bạn bè và cộng đồng mạng xã hội. Sau khi xét thấy mục đích tung tin đồn của 2 đối tượng trên chỉ là để cảnh báo cộng đồng và chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên Công an Hà Nội đã xử phạt hành chính 20 triệu đồng.
Vào giữa tháng 11/2014, ngay trong thời điểm các tỉnh miền Trung đang xuất hiện hiện tượng rắn lục đuôi đỏ cắn người khiến người dân hoang mang, lo lắng thì vào ngày 17 và 18/11, Võ Quốc Anh (20 tuổi, ở thị trấn Ô Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) chủ nhân của facebook Yamaha xóm chùa đã đăng tải hình ảnh kèm theo dòng tin bắt được người mang theo 30kg rắn lục đuôi đỏ đi thả tại huyện Trà Mi, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau khi thông tin được đăng tải, đã có hàng ngàn lượt chia sẻ thông tin này.
Võ Quốc Anh - “tác giả” của tin đồn thất thiệt về rắn lục đuôi đỏ cắn người ở Quảng Ngãi viết tường trình tại cơ quan Công an.
Tuy nhiên, cho đến khi bị cơ quan Công an “sờ gáy” vì hành vi tung tin đồn thất thiệt, Võ Quốc Anh vẫn chưa ý thức được việc làm sai trái của mình. Nam thanh niên này đã ngây thơ cho rằng, việc phao tin nhảm như trên chỉ là để “cho vui” chứ không lường hết được hậu quả nghiêm trọng. Với hành vi trên, Võ Quốc Anh đã bị Công an Quảng Ngãi phạt 20 triệu đồng.
Một vụ tung tin đồn thất thiệt từng “chấn động” dư luận là việc tung tin đồn ông Nguyễn Bắc Hà, Chủ tịch BIDV bị bắt vào tháng 2/2013. Theo nhận định của Ủy ban Chứng khoán quốc gia, ngay sau khi tin đồn được lan truyền đã khiến cho chỉ số VN-Index giảm biên độ lớn nhất (mất 18 điểm), mạnh nhất trong nửa năm và chỉ kém 2 điểm so với phiên giảm 20 điểm lịch sử.
Sau 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II, Bộ Công an đã xác định 3 người liên quan: một làm việc tại Hà Nội và hai người khác làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Với người tung tin đồn ở Hà Nội, Bộ TT&TT đã xử phạt 15 triệu đồng. Người này khai, "khi nghe thông tin truyền miệng nói về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt đã ngay lập tức đưa thông tin lên mạng xã hội" chỉ để chứng tỏ mình là người hiểu biết. Tương tự, 2 người còn lại ở TP Hồ Chí Minh ngay sau đó cũng đã được Sở TT&TT Hồ Chí Minh xử phạt hành chính, mỗi người 10 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công an nhân dân về hiện tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội thời gian gần đây, TS. Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho rằng, mặc dù việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội như đã nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật, song điều đáng báo động là hầu hết các đối tượng vi phạm đều không biết rằng mình vi phạm. Điều này chứng tỏ trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ còn rất non kém và hạn chế.
Cùng băn khoăn này, một cán bộ công tác tại Cục An ninh truyền thông, Bộ Công an trong một lần trò chuyện với PV Báo Công an nhân dân cũng đã chia sẻ: Trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72 nhằm quản lý dịch vụ và cung cấp nội dung thông tin trên mạng Internet. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với người dân, với các đối tượng vi phạm, hầu hết đều được nghe câu trả lời là không biết gì về Nghị định này.
Thực tế từ các vụ tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử phạt gần đây đều cho thấy, các đối tượng đều tung tin đồn chủ yếu để gây sự chú ý, để câu “like”, để chứng tỏ mình là người hiểu biết, thậm chí chỉ là để “cho vui” như trường hợp tung tin về rắn lục đuôi đỏ cắn người ở Quảng Ngãi. Cho đến khi bị cơ quan Công an triệu tập, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính thì mới vỡ ra hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
“Từ thực tế này đòi hỏi, bên cạnh việc xử phạt các đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng để tăng tính răn đe của pháp luật thì cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là cư dân mạng những kiến thức pháp luật tối thiểu trong lĩnh vực này”- đại diện Cục An ninh truyền thông đề xuất.
Theo Công an nhân dân
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam