Ai đang trả giá cho tội ác phá rừng?
Việc cho thôi việc đối với cán bộ trong doanh nghiệp là điều hết sức bình thường, tuy nhiên, câu chuyện này lại rất đáng quan tâm bởi hiệu quả làm việc của những cán bộ nói trên liên quan đến tài nguyên rừng.
Cụ thể, theo báo Dân trí, ba cá nhân nói trên gồm ông P.V.T (Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Măng La) và 2 cán bộ cấp dưới là ông T.M.H và Đ.V.T (nhân viên quản lý bảo vệ rừng) bị kỷ luật với hình thức buộc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn do “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng kiểm tra, không phát hiện kịp thời, không báo cáo lãnh đạo công ty, không báo cáo các đoàn công tác xuống địa bàn”.
Trước đó, Đoàn liên ngành đi kiểm tra tại tiểu khu 495 thuộc địa bàn xã Hiếu (huyện Kon Plong, Kon Tum) và phát hiện 33 gốc cây bị chặt hạ, đường kính mặt gốc khoảng 30 - 105cm, chủng loại gỗ Xoan, Chò Chỉ, nằm trong danh mục từ nhóm 4 đến nhóm 6.
Tại hiện trường còn sót lại hơn 2m3 gỗ, cùng ván bìa, cành ngọn. Theo tính toán sơ bộ, có ít nhất gần một trăm khối gỗ đã bị vận chuyển ra khỏi rừng nhưng lực lượng chức năng huyện Kon Plông không hề hay biết.
Hiện, hồ sơ đã được hoàn thiện chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, do đó, người viết sẽ không bình luận thêm về vấn đề kỷ luật, xử phạt những cá nhân này.
Có điều, chúng ta cần nhìn lại những việc như “buông lỏng” để lâm tặc phá rừng mà cán bộ không hề hay biết liệu có diễn ra thường xuyên và phổ biến hay không? Bao nhiêu đại thụ trên đất nước này đã bị đốn hạ làm gỗ, bao nhiêu cán bộ đã bị xử lý và ai đang phải trả giá vì nạn phá rừng?
Có phải sự trả giá chính là việc những cán bộ để xảy ra tình trạng “buông lỏng quản lý” đó bị thôi việc? Không hẳn! Sự trả giá của một vài cá nhân đó thấm vào đâu so với số tài nguyên rừng bị hao hụt, thấm vào đâu khi lũ lụt, sạt lở đất xảy ra?
Khoảnh rừng này vài chục gốc cây, vạt rừng kia dăm chục gốc… Chỉ mất rất ít thời gian để đốn hạ, nhưng mất hàng chục đến cả trăm năm cho một cây giống phát triển thành đại thụ. Một lúc “lơ đãng” thôi của những cán bộ quản lý đó thực chất phải trả giá bằng cả thời gian hàng thế hệ để trồng và “nuôi” lại cây rừng.
Rừng là “lá chắn” bảo vệ con người khỏi thiên tai lũ lụt, sạt lở, giúp hạn chế những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Nhưng cũng chính con người chúng ta đang từng ngày đục khoét vào tấm lá chắn ấy. Một khi lá chắn hư hại, sự trả giá không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn là tính mạng đồng bào.
Lần theo những bài viết liên quan tới thông tin nói trên, mới thấy, trước đó, ở Gia Lai vào cuối năm 2019 đã từng khởi tố bị can với trưởng ban quản lý rừng phòng hộ vì để mất rừng; hàng loạt cán bộ, lãnh đạo xã bị kiểm điểm; hay ở Đắk Lắk, giám đốc công ty lâm nghiệp bị xem xét kỷ luật vì liên tục để mất rừng… Rất nhiều thông tin “kỷ luật”, “kiểm điểm”, nhưng vì sao vẫn xảy ra nhiều tình trạng “mất rừng” đến vậy.
Nhìn bà con miền Trung mùa lũ lụt vừa qua, vất vả bao nhiêu, thương đau đến thế nào… dẫu có nhiều nguyên nhân từ con người hay ngoại cảnh, nhưng vẫn khó tránh một phần nguyên nhân lớn trong đó là do phá rừng, để mất rừng phòng hộ.
Vậy nên, việc quản lý, bảo vệ rừng không đơn thuần chỉ là một “công ăn việc làm” đơn thuần, mà còn gắn với sứ mệnh rất lớn lao và cao cả. Để mất rừng là sai sót lớn; cố ý phá rừng, cố ý để mất rừng lại là tội ác. Tội ác thì phải bị trừng trị.
Nếu biết rằng “tội ác” phá rừng không chỉ là hàng trăm gốc cây bị đốn hạ, là “chảy máu” tài nguyên, mà chính là hàng trăm gia đình mất nhà cửa, mất người thân, là chia lìa, là nước mắt… thì những kẻ phá rừng, “bán rừng” ấy có chùn tay?
Theo Dân trí
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"