Bài 4: Bẫy đa cấp tiền ảo và những con "thiêu thân"
Bài 2: Người lên đỉnh cao, người về vực sâu |
Bài 3: Những “nông dân cày coin” thời 4.0 |
Một buổi hội thảo đầu tư tiền ảo có rất đông người tham gia. |
Mở mắt là... có tiền!?
Có thể nói, "ăn theo" sự phát triển chóng mặt của đồng tiền điện tử bitcoin, nhiều đối tượng lừa đảo đã rủ rê các nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp đổ tiền vào các đồng tiền "mới" của bọn chúng để nhằm kiếm lợi nhuận. Và đã có không ít người dân tin lời chúng.
Anh Nguyễn Thanh H. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) kể lại cú đầu tư đắng chát mà anh vừa học được. Vốn chỉ là viên chứng bình thường, anh được bố mẹ cho một mảnh đất gần 100m2. Đầu năm 2020 đại dịch COVID-19 bùng phát, giá đất cũng có chiều hướng tăng nên anh H. đã bán đi để lấy vốn kinh doanh. Nghe tin anh bán đất, người bạn tên Thắng đã đến rủ rê anh tham gia đầu tư vào sàn Cointrade...
Thắng khoe rằng gã đã đầu tư được một thời gian, thấy rất có triển vọng. Mỗi tháng, nhà đầu tư được trả lãi từ 5-10% (tùy theo số tiền đầu tư). Hoặc nếu như không đầu tư trực tiếp thì có thể ủy thác cho người khác đầu tư giúp, lợi nhuận cũng tương đương. Cụ thể với 1000 USD đầu tư thì sẽ nhận được 1000 coin trong tài khoản. Mỗi tháng nhà đầu tư nhận được 50-100 coin, nếu đầu tư tiếp sẽ nhận được thêm 5-10% nữa. Chỉ cần làm phép tính đơn giản sau khoảng 6 tháng thì số tiền lãi đã gần bằng với số tiền lúc đầu bỏ ra. "Nói chung là chỉ cần nạp tiền vào tài khoản rồi mỗi ngày tài khoản sẽ nhảy thêm %. Tóm lại cứ "mở mắt ra là có tiền" - Thắng ba hoa. Gã cũng mở tài khoản ra cho anh H. xem, và đúng là thấy số tiền có tăng thêm so với ban đầu thật. Anh H. có hỏi đã rút được tiền chưa thì Thắng bảo đợi nó thành một cục sẽ rút một thể!
Vậy là anh H. liền lập lệnh chuyển hàng tỷ đồng vào tài khoản để đổi ra coin. Số tiền chảy vào tài khoản của anh H. đều đặn hàng ngày. Tuy nhiên, gần đến ngày rút được gốc và lãi thì đột nhiên tài khoản không thể truy cập được nữa. Hỏi Thắng thì anh ta lúc đầu thì bảo không biết. Sau thì không thể liên lạc được nữa!
Tương tự anh H., chị Thu tham gia Dự án S... Chị này kể lại, năm 2023 chị được người quen vồn vã giới thiệu tham gia Dự án S..., được quảng cáo là sàn ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain với 6 hệ sinh thái gồm đầu tư, bảo hiểm, game online… Theo đó Dự án cho lợi nhuận 18-28%/tháng, riêng gói đầu tư tiền ảo sẽ cho lợi nhuận 8%/ngày (tối đa 200%/tháng), nếu giới thiệu người tham gia, thì được hưởng hoa hồng thêm 8% nữa. Dự án sẽ trả tiền lãi bằng token do sàn tự tạo ra. Khi hoa hồng hoặc tiền lời đủ 30 USD thì tiền sẽ tự động chuyển về ví và nhà đầu tư có thể rút ra được.
“Tin lời người bạn thân tôi đã đầu tư hàng chục ngàn USD, nhưng mới chỉ rút ra được khoảng 5 triệu đồng thì sàn bị đánh sập, liên tục báo lỗi không thể truy cập tài khoản, đồng nghĩa với việc mất sạch tiền. Khi tôi liên hệ thì người quen quay ngoắt 180 độ, chối bỏ trách nhiệm, cho rằng đầu tư là phải chịu rủi ro” - chị Thu nói mà mắt đỏ hoe.
Cũng phải ngậm trái đắng vì tham gia kinh doanh mạng, chị Hoàng Thị K. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) nghe theo lời giới thiệu của người quen chị đã đầu tư gần 70 triệu đồng cho một chân rết của công ty Modern Tech - là công ty chuyên đầu tư kinh doanh tiền ảo. Chị K. đã đầu tư 3 gói Ifan, Devor và Pincoin với hy vọng nằm trong chăn ấm bấm điện thoại chờ tiền chảy về. Nhưng chưa đầy 1 tháng số tiền đã biến mất, chị chỉ nhận lại được 7 triệu đồng. Người quen của chị cũng đã khóa luôn các kênh liên lạc với nhà đầu tư.
Theo thống kê Công ty Modern Tech được cho đã lừa đảo khoảng 32.000 người, với số tiền huy động lên tới 15.000 tỷ đồng, thông qua hình thức đa cấp tiền ảo. Hàng nghìn nhà đầu tư đã viết đơn kiện, đi đến tận công ty để đòi lại tiền của mình, tuy nhiên công ty này đã ngưng hoạt động, đội ngũ nhân viên đã biến mất.
Nhiều nhà đầu tư căng băng rôn tố cáo dự án đầu tư tiền ảo iFan lừa đảo. |
Những thủ đoạn tinh vi
Có thể nói, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường tiền điện tử, tiền ảo với những công nghệ mới, đánh vào lòng tham khi trả lãi rất cao nhiều đường dây lừa đảo đã hình thành và tung hoành khắp nơi.
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây kêu gọi đầu tư tiền ảo thường là hứa hẹn về những khoản đầu tư siêu lợi nhuận: chỉ cần bỏ ra 1 đồng sẽ thu về đến 5 đồng.
Còn nhớ trong "workshop" giới thiệu về một phương thức đầu tư hoàn toàn mới, của tương lai tại một quán cà phê sang chảnh trên phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) diễn giả tên Trần Thanh lên bục, cầm micro rồi chém gió bằng những ngôn ngữ, từ cái miệng dẻo quẹo của hắn: "Hãy mở to mắt mà nhìn đồng Bitcoin. Khi mới ra đời giá trị của nó rất nhỏ. Nhưng hãy nhìn xem, chỉ sau vài năm nó đã vọt lên đến 20 ngàn lần. Có nghĩa các nhà đầu tư bỏ ra 1 đô la, thì sau chục năm đã có trong tay 20 ngàn USD. Thêm vào đó, cũng từ mốc 20 ngàn USD vào cuối năm 2020 thì đầu năm 2021 đã tăng vọt lên đến gần 50 ngàn USD - nghĩa là đầu tư 1 ăn lãi gấp 50 lần. Trong năm 2024, bitcoin có thể chạm mốc 100 ngàn USD/BTC…”.
Thêm vào đó các đối tượng cũng mang những thuật ngữ mới, nghe choang choang như "tiền ảo chính là tương lai của tiền tệ thế giới, nào là công nghệ blockchain, sử dụng trí tuệ nhân tạo..." Và họ đưa ra kết luận: “Tiền ảo là cơ hội để những người “đi tiên phong” kiếm lợi nhuận. Sự phát triển của đồng tiền chính là nguồn sinh lợi, không cần làm gì, tiền cũng sẽ “đổ về ầm ầm, đếm mỏi tay"...
Những "ông trùm" tiền ảo cũng thường tự "đánh bóng" hình ảnh của mình với vẻ hệt như các doanh nhân trẻ thành đạt. Những bộ cánh bóng bẩy, phụ kiện chất ngời, xe cộ điện thoại thuộc hàng luxury... Trên mạng xã hội cũng toàn là hình ảnh checkin sang chảnh của cá nhân, tràn ngập những status quảng cáo về hình thức đầu tư tiền ảo siêu lợi nhuận, những lời có cánh và lợi nhuận mê hoặc lòng người...
Một chiêu độc không kém là trước kia các đối tượng thường nhắm vào các "đại gia" trọc phú có tiền để rủ rê lôi kéo đầu tư vào các sàn tiền ảo, thì nay chúng đang chuyển sang nhắm vào tầng lớp trung lưu, các công chức viên chức nhà nước - đặc biệt là những người có uy tín, đang nắm các vị trí lãnh đạo. Khi có một người có uy tín tham gia là lập tức các đối tượng có thể kéo theo hàng chục hàng trăm người khác. Khi có thêm người tham gia vào "nhánh" của mình, hoặc "thuyền" của mình thì sẽ được chia thêm %. Do đó cũng vì lòng tham mà người trước rủ người sau, người sau rủ người sau nữa tham gia vào đường dây đầu tư tiền ảo để "chỉ nằm trong chăn ấm bấm điện thoại cũng có tiền". Cuối cùng khi đường dây vỡ thì kẻ bỏ trốn do sợ bị quy trách nhiệm, người thì mất trắng.
Thực sự các đường dây lừa đảo đa cấp núp bóng tiền ảo thời gian qua đã khuynh đảo từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi lên miền ngược. Cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo song vẫn còn rất nhiều con thiêu thân...
(Còn nữa)
Minh Khang