Bài 2: Giáp mặt “ông trùm" nấu cao hổ cốt
Bài 1: “Thần dược” cao hổ cốt? |
Đám trọc phú thường bị con buôn tráo cao hổ cốt rởm bán với giá cắt cổ. |
Chuẩn cao mẹ nấu!?
Với một số trọc phú nhiều tiền song ít học, sau khi được nghe về khả năng chữa “bách bệnh” của thứ “thần dược" là cao hổ cốt, hay sừng tê giác… đặc biệt là còn có thể nâng cao sức “chiến đấu" (dạng như viagra) thì đều quyết tâm phải mua bằng được món thần dược này. Cao hổ sẽ được họ ngâm rượu, còn sừng tê giác thì được mài cùng nước nóng hay tán thành bột để uống. Cũng có thể dùng để làm quà biếu xén quan chức. Tuy nhiên, do còn “non và xanh" nên đa phần thường bị con buôn “tráo hàng", cho xơi hàng lởm, hàng pha phách…
Theo P. - một trong những đại gia nổi tiếng sành sỏi về các đồ ăn thức uống liên quan đến động vật hoang dã ở Hà Nội thì dù bị pháp luật nghiêm cấm - song thị trường buôn bán vận chuyển các chế phẩm của động vật hoang dã như cao hổ, sừng tê, ngà voi… vẫn hoạt động hết sức "sôi động". Dĩ nhiên những đường dây này đều hoạt động ngầm, cực kỳ bí mật.
Những người “ngoại đạo" dù có tiền, song không đi đúng “kênh" thì khó mà tiếp cận được “hàng xịn", hoặc rất dễ sẽ xơi phải hàng “fake 1”, “fake 2”... Do là hàng quốc cấm, hơn nữa cao nào cũng có màu vàng xỉn, và được đóng bánh hình chữ nhật (dạng như bánh xà phòng), được giao dịch một cách lén lút nên khó thể nào chỉ bằng mắt thường mà phân biệt được hàng xịn với hàng rởm.
“Giống như ma túy - ngay cả những người sành sỏi - cũng phải nếm, nhai thử thậm chí mang đi giám định thì mới có thể phân biệt được thật/giả. Còn muốn chắc chắn 100% thì phải đem nấu với cháo, hoặc ngâm rượu… Dùng xong mới biết được đấy có phải đúng là cao hổ cốt không. Trên thị trường hiện có những đầu nậu chuyên bán loại cao được nấu từ 8-9 phần là xương chó, trâu bò, may ra 1-2 phần là xương hổ…” - P. cười khà khà, nói.
“Thế làm sao để có thể mua được hàng thật trăm phần trăm?” - tôi hỏi.
“Phải có một đầu mối cực kỳ tin cẩn, và có sự ràng buộc về trách nhiệm. Song dù có tin nhau đến mấy thì cũng không thể chắc được hoàn toàn. Muốn chuẩn 100% là cao hổ thì phải “khênh" được một ông ba mươi (thường là hổ đông lạnh) về "kho" rồi thuê thợ nấu, canh 24/24h. Như vậy mới là “CCMNL! (chuẩn cao mẹ nấu luôn)” - P. trả lời với giọng có phần hể hả vì nghệ thuật chơi chữ của gã.
Cũng chính vì nguy cơ bị dính phải hàng giả rất cao, nên một số đối tượng (đại gia, trọc phú) - sau khi ăn phải hàng fake - thì được đầu nậu chào mời gom tiền mua hẳn một con hổ “xịn" đông lạnh từ bên kia biên giới. Sau đó sẽ tuồn về Việt Nam rồi “tập kết" tại một số tỉnh miền Trung. Con hổ sau đó sẽ được rã đông, xẻ thịt để lấy xương. Nanh, vuốt cũng được lọc riêng ra để bán lẻ.
Sau rất nhiều lần “thọ giáo" đại gia P. về món cao hổ; đồng thời tỏ ra là người “biết điều" khi nhiều lần mời ăn nhậu, hát hò… P. mới “vẽ đường" cho tôi mối mua “cao xịn". P. lấy ra một mảnh giấy, ghi lại một số điện thoại kèm chữ H. kế bên, bảo tôi đọc lại và hỏi tôi nhớ chưa? Rồi ông ta lấy bật lửa, đốt tờ giấy thành than và đổ nước vào. “Việc còn lại là tuỳ duyên, nhé?” - P. chốt hạ.
Đã có nhiều giao dịch chế phẩm động vật hoang dã từ ngôi nhà của đối tượng ở một tỉnh miền Trung. |
Giáp mặt “ông trùm”
Có được số điện thoại của một trong những đầu nậu cao hổ cốt “uy tín" nhất ở Hà Nội, tôi lập tức gọi vào số máy đó. Song nhiều lần đều không thấy ai nghe. Tôi đành phải nhắn tin, nói là do “đại ca" P. giới thiệu. Vài giờ sau thì H. gọi lại. Nghe tôi bảo đang tìm mua cao hổ cốt, H. lắc đầu trả lời, cố không nhắc đến từ “cao": “Độ này hàng họ khan hiếm lắm, giá bét cũng phải tầm 35-40 triệu đồng/lạng. Cân nhắc kỹ khi nào thực sự cần thì liên hệ".
Khi tôi nhắn rằng muốn lấy 1-2kg làm quà biếu Tết cho các “sếp", H. trả lời: một vài lạng thì có ngay, chứ nhiều thì phải đợi gã nấu một mẻ mới. “Nấu ở đâu hả anh?" - tôi hỏi. “MiềnTrung. Chú đặt cọc cho anh một ít, khi nào nhận hàng thanh toán nốt phần còn lại" - H nói. Sau khi đã chuyển mấy chục triệu đồng cho gã, tôi ướm: “Khi nào nấu anh cho em theo xem nhé?”. H. chỉ ừ hữ, nói nước đôi: “Để tao xem đã".
Tôi kể lại quá trình giao dịch với H., đại gia P. khuyên tôi nên bám chặt anh ta. Vì “gần Tết rồi anh nghe bảo nhóm đấy chuẩn bị nổi lửa rồi đấy”. “Thôi anh cứ cho em biết khu vực cũng được, em sẽ tự tìm" - tôi nằn nì. Đại gia P. nghĩ một lúc, rồi lại như hôm trước, ông ta viết vào một mảnh giấy: “Khu phố L., thị trấn H.” đủ để tôi đọc xong là nhanh tay bật lửa đốt ra tro.
Dù thời điểm đó các tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế…) đang trong đợt mưa lụt dữ dội, song máu nghề nổi lên chúng tôi vẫn thu xếp hành lý lên đường. Sớm có mặt tại thị trấn H., chúng tôi chia nhau làm ba nhóm cắm chốt tại điểm đầu, giữa và cuối khu phố L., “trực chiến” từ sáng sớm đến tối mịt.
Sau nhiều ngày ăn chực nằm chờ, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy H. xuất hiện. Không rõ anh ta đi bằng phương tiện gì, song chúng tôi xác định được chính xác H. đi tọt vào một quán cà phê khá to giữa phố. Hoá trang là những người đi hành hương, chúng tôi vào quán này thám thính.
Qua một số nguồn thông tin, chúng tôi nắm được chủ quán cà phê này là vợ chồng ông M. bà T. Trước kia, ông M. là một trong những trùm buôn gỗ lậu từ các tỉnh miền Trung ra miền Bắc. “Khoảng 20-30 năm về trước gỗ lậu từ bên Lào về Việt Nam qua thị trấn này rất nhiều. Để có thể bán ra các vùng Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… cho các xưởng chế tác, nguồn gỗ này sẽ phải được “rửa sạch" - nghĩa là phải “chạy" được giấy tờ hợp pháp từ kiểm lâm hoặc các công ty được phép khai thác, chế biến lâm sản” - người dẫn đường cho chúng tôi tại tỉnh Q.B (tên K.) kể lại.
Sau nhiều ngày "ngồi thiền" tại quán cà phê, chúng tôi đã được diện kiến trùm cao hổ. |
Tuy nhiên thời điểm hiện tại nguồn gỗ từ Lào gần như đã cạn, chỉ còn rất ít. Và việc “rửa" gỗ lậu thành gỗ sạch cũng khó khăn hơn rất nhiều. Cũng bởi thế mà các ông trùm đành chuyển nghề. Bản thân ông M. thì dựng một căn nhà gỗ to đẹp nhất thị trấn mở quán cà phê M.T - vừa làm nơi dưỡng già, vừa cũng là nơi giao dịch, buôn bán "thần dược". “Nghe đồn nghề phụ của ông M. là nấu cao hổ, bán cho các mối ở miền Bắc, miền Trung…” - K. bật mí.
- Có cách nào để tiếp cận ông M. và mua cao không? - tôi hỏi K.
- Mấy o chú là người lạ thì khó đấy không mua được mô. Phải có người quen giới thiệu thì may ra…
- Anh là thổ địa ở đây mà cũng không có mối nào à?
- Em thì tuổi gì. Phải cỡ đại gia cơ - K. trả lời.
Chưa nghĩ ra cách gì để có thể thâm nhập vào được đường dây của ông M., chúng tôi nhờ K. dẫn đường lên khu vực cửa khẩu C.L để “thám thính". Nghe đồn những chú hổ được nuôi ở bên kia biên giới, sau khi được “chốt đơn” sẽ được “xử trảm” và cho vào tủ đông rồi tuồn về Việt Nam. Tuy nhiên, các đường dây này cũng hoạt động hết sức bí mật…
Trở lại thị trấn H., chúng tôi lập kế hoạch sẽ tiếp cận ông chủ quán cà phê M.T… từ từ. Nghĩa là ngày nào cũng đến quán ngồi gọi đủ các thể loại đồ uống, ngồi từ sáng tới trưa, từ chiều đến tối mịt. Thấy cửa hàng có bán cao hươu, nhập từ nước ngoài về chúng tôi cũng phóng tay mua luôn một tá.
Hàng tuần liền ngày nào chúng tôi cũng đến quán khiến ông chủ quen mặt. Một hôm vắng khách ông ta chủ động lại gần chúng tôi bắt chuyện. “Mấy o chú có việc chi mà ở đây lâu hè?” Chúng tôi trả lời là dân buôn gỗ vào tìm mối hàng…
Câu chuyện về quá khứ buôn gỗ lẫy lừng được ông M. đem ra kể tuốt tuột. Nhân lúc chủ nhà cao hứng, chúng tôi mới kêu có người nhà bị tai nạn giao thông, đi bệnh viện bó bột mà mãi vẫn chưa đi lại được. Nghe bảo chỉ có cao hổ cốt mới trị được bệnh này? Không ngờ ông M. bập vào luôn: “Đúng rồi, nếu được đúng cao hổ rừng thì như gặp thần dược. Bao nhiêu người gãy xương, đau xương chỉ cần xơi tầm… vài cân cao hổ cốt là đi lại bình thường. Dượng đây nhà lúc nào cũng có sẵn vài lạng để dùng khi cần…”.
Quả nhiên K. nói không sai, thực sự đang tồn tại đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã và các chế phẩm tại địa phương này, tại ngôi nhà này...
Đón đọc Bài 3: “Những đường dây trong bóng tối”
Nhóm Phóng viên Điều tra