Bài 12: Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào điện khí LNG
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) |
PV: Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là một nguồn năng lượng quan trọng. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đủ năng lực nhập khẩu khoảng 8 tỉ m3 LNG và năm 2045 khoảng 15 tỉ m3. Theo ông, mục tiêu đó có khả thi hay không?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam đủ năng lực nhập khẩu khoảng 8 tỉ m3 LNG là rất khó khả thi, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, hiện nay giá LNG trên thế giới biến đổi khó lường và khó dự đoán trong tương lai, việc bảo đảm nguồn cung cấp ổn định và giá cả hợp lý là một thách thức lớn. Giá LNG là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển điện khí LNG ở Việt Nam. Giá LNG cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các nhà đầu tư điện khí LNG. Nếu chi phí đầu vào tăng cao thì chắc chắn đầu ra cũng tăng theo. Như vậy, liệu lúc đó ngành điện có mua điện khí nữa không? Các doanh nghiệp kinh doanh LNG phải cân nhắc, tính toán điều này.
Thứ hai, LNG là loại khí không gây ô nhiễm môi trường nên nhu cầu tiêu dùng cao, đang được mua bán phổ biến trên thị trường quốc tế và là nguồn năng lượng sạch cho nhiều quốc gia. Việc bảo đảm duy trì đầu vào ổn định sẽ gặp khó khăn trong tương lai.
Thứ ba, để nhập khẩu, lưu trữ LNG với số lượng lớn cần phải có cơ sở hạ tầng tốt. Nhưng hiện nay, hạ tầng LNG ở Việt Nam còn thiếu và yếu, chưa được đầu tư bài bản, các cơ chế, chính sách, pháp lý cho đầu tư cơ sở hạ tầng cũng chưa được hoàn thiện.
Thứ tư, chúng ta phải xem xét đến những vấn đề địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới, dẫn đến khả năng thiếu hụt nguồn LNG hoặc giá LNG tăng cao.
PV: Vậy theo ông, để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, để đạt được mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII và những cam kết của Việt Nam tại COP26, chúng ta phải triển khai ngay từ bây giờ và không được phép chậm trễ. Các nhà hoạch định chính sách cần phải có giải pháp để thích nghi với xu thế trong dài hạn như: Việt Nam cần phát triển các cảng LNG, nhà chứa LNG và hệ thống ống dẫn LNG để bảo đảm việc vận chuyển và lưu trữ LNG hiệu quả. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng và kỹ thuật phù hợp để đáp ứng nhu cầu LNG tăng cao.
Việc ký kết các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp LNG có thể giúp bảo đảm nguồn cung ứng ổn định và giá cả ổn định trong thời gian dài. Việc thiết lập các mối quan hệ đối tác bền vững với các nhà cung cấp LNG uy tín trên thế giới là rất quan trọng.
Đồng thời, cần khuyến khích đầu tư vào các dự án điện khí LNG trong nước: Việc phát triển các dự án điện khí LNG trong nước có thể giúp nhu cầu sử dụng tăng cao, đây có thể là một giải pháp tiềm năng.
Nhà nước phải có các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhập khẩu LNG cũng như nhà đầu tư dự án điện khí LNG như giảm thuế nhập khẩu và các loại thuế khác; hỗ trợ tín dụng; hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực LNG.
PV: Tính bất ổn nguồn cung LNG do hậu quả đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Giá LNG tăng mạnh khiến nhiều người quan ngại sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án LNG tại Việt Nam trước mắt cũng như trong trung hạn. Giá LNG sẽ quyết định giá bán điện của các dự án điện khí LNG. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Ngô Trí Long: Giá LNG tăng cao và sự bất ổn nguồn cung chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhập khẩu LNG cũng như nhà đầu tư dự án điện khí LNG tại Việt Nam.
Giá LNG nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do EVN sẽ phải mua đắt - bán rẻ. Mặt khác, tỷ lệ điện khí LNG dự kiến chiếm 16,4% cơ cấu nguồn điện, đồng nghĩa các dự án LNG sẽ phải đối diện với rủi ro nhập khẩu giá cao khi có biến động địa chính trị từ nay tới năm 2030.
Ngoài ra, giá LNG tăng mạnh gây khó khăn trong xác định hiệu quả dự án điện khí LNG, đàm phán giá điện để ký hợp đồng mua bán điện là khâu khó nhất.
Các dự án điện khí LNG được bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư đều theo hình thức nhà máy điện độc lập (IPP). Việc đàm phán giá mua điện tại hợp đồng mua bán điện phải tuân thủ các quy định trên cơ sở tính toán sản lượng bán ra hằng năm, dòng tiền thu về, chi phí đầu tư...
Hiện nay, khoảng một nửa các dự án điện khí LNG chưa khởi công cũng bởi chưa hoàn tất các đàm phán liên quan tới hợp đồng mua bán điện.
Do vậy, cùng với LNG, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng; đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng và tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng; xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất, lưu trữ và phân phối LNG, khuyến khích sử dụng năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió và hệ thống điện thông minh có thể giúp tăng cường an ninh năng lượng.
Kho chứa LNG Thị Vải của PV GAS |
PV: Việc đầu tư hạ tầng LNG bao gồm cảng LNG, hệ thống lưu trữ và phân phối, hệ thống đường ống, cơ sở tiếp nhận LNG... đang gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn. Vậy theo ông, cần phải có những cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ việc nhập khẩu và sử dụng LNG hiệu quả?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, Chính phủ phải hoàn thiện chính sách, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí LNG trong nước, tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng LNG. Điều này có thể bao gồm các chính sách ưu đãi thuế, cơ chế hỗ trợ vay vốn và quy định rõ ràng về quy trình phê duyệt và xây dựng dự án LNG. Chính phủ có thể hỗ trợ tài chính và vốn cho các dự án hạ tầng LNG thông qua các chương trình tài trợ, quỹ đầu tư hoặc tạo ra các cơ chế hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu và tăng khả năng thu hồi vốn đối với các dự án LNG.
Ngoài ra, Chính phủ có thể khuyến khích đầu tư công và hợp tác công tư trong việc xây dựng hạ tầng LNG; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan đến LNG; xây dựng quan hệ đối tác quốc tế có kinh nghiệm và khả năng cung cấp LNG sẽ giúp tăng tính ổn định và an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Sự kết hợp của những biện pháp đó sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi và giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam.
PV: Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được LNG, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Thực tế đó có tác động như thế nào đến an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Việc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu LNG có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Việt Nam trong dài hạn. Nếu các nguồn cung cấp bị gián đoạn hoặc giá cả LNG tăng cao, Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy tắc và thay đổi trong thị trường quốc tế. Giá cả và sự ổn định của thị trường quốc tế có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và chi phí của LNG nhập khẩu. Ngoài ra, phụ thuộc nhập khẩu LNG cũng chịu ảnh hưởng của biến động giá thị trường quốc tế, có thể gây áp lực tài chính và ảnh hưởng đến giá cả năng lượng trong nước.
PV: Mới đây, sự kiện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nhập chuyến tàu LNG đầu tiên có được coi là cột mốc lịch sử mở ra hướng đi mới phát triển năng lượng tại Việt Nam? Ông đánh giá thế nào về vai trò của các Bộ ngành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong sự kiện này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Theo Quy hoạch điện VIII, chúng ta đang đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lượng sạch từ than sang khí và coi điện khí là mũi nhọn trong thời gian tới. Đồng thời, nhằm thúc đẩy hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26, việc phát triển điện khí LNG rất quan trọng và là hướng đi đúng của ngành năng lượng Việt Nam. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước cần phải được thể hiện một cách rõ nét. Bộ Công Thương thời gian qua đã thể hiện được vai trò của mình trong việc chỉ đạo, cũng như triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Đối với sự kiện nhập khẩu LNG, PV GAS là một trong những doanh nghiệp nhà nước tiên phong của ngành công nghiệp khí Việt Nam, rất đáng được hoan nghênh.
Tôi đánh giá cao vai trò của Petrovietnam trong việc chỉ đạo, điều hành phối hợp với các bộ, ngành và các bên liên quan để PV GAS hoàn thành sứ mệnh lịch sử nhập khẩu chuyến tàu LNG đầu tiên.
Đây được coi là một sự kiện lịch sử, là bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp khí trong việc bảo đảm nguồn cung cấp khí sạch cho các ngành công nghiệp và an ninh năng lượng tại Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên hóa lỏng có thành phần chủ yếu là CH4 - methane, trong suốt, không màu, không mùi, được sản xuất bằng cách làm lạnh sâu ở nhiệt độ khoảng -162 độ C để chuyển sang thể lỏng. Ở trạng thái lỏng, thể tích của LNG giảm khoảng 600 lần so với trạng thái khí, do đó dễ dàng vận chuyển. LNG khi đốt cháy cũng tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ, không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Những yếu tố này biến LNG trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất. |
Huy Tùng
- LNG khẳng định là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất điện
- Năm 2030, Việt Nam có 9 dự án nhiệt điện khí trong nước và 10 dự án nhiệt điện LNG
- Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện
- Bài 10: Phát triển điện khí ở Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia
- Bài 9: TS Nguyễn Anh Tuấn: Giá bán điện cần phải có sự cân đối, hợp lý hơn
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại