Ai bảo vệ thầy thuốc?
Con số chưa đầy đủ, chỉ từ năm 2013 đến nay, đã có gần 20 vụ hành hung nhân viên y tế tại các BV. Mới đây nhất là vụ xảy ra tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng vào tối 7/10/2015. Bệnh nhân Đỗ Văn Bình (31 tuổi, xã An Đồng, An Dương) được đưa đến cấp cứu, sau đó đã nhảy từ trên cáng cấp cứu lao vào đánh bác sĩ trực, dù thời gian làm tất cả các thủ tục, từ khám bệnh đến chỉ định làm các phương pháp cận lâm sàng chỉ hết 11 phút.
Cuối năm 2014, từng xảy ra vụ hàng trăm người dân bao vây BV sản nhi Ninh Bình sau cái chết của một sản phụ. Trước đó, một y tá có thai ở BV Bạch Mai đã bị người nhà bệnh nhân hành hung, thậm chí, đã có một bác sĩ ở Thái Bình bị người nhà nạn nhân đâm chết.
Bệnh nhân nhảy từ trên cáng xuống hành hung nhân viên y tế |
GS.TS.Ngô Quý Châu, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, hiện nay các BV luôn trong tình trạng quá tải, áp lực rất lớn nên ảnh hưởng đến thái độ, tinh thần phục vụ của nhân viên y tế. Thời gian gần đây, tình hình mất an ninh trật tự tại các BV khá phức tạp, nhất là việc nhân viên y tế bị bạo hành trong BV đang có xu hướng gia tăng, mức độ ngày càng táo tợn và nguy hiểm, gây hậu quả đến sức khỏe, tinh thần cán bộ y tế.
Làm thế nào để bảo vệ người thầy thuốc trong bối cảnh áp lực công việc luôn căng thẳng, lại còn phải đối phó với nạn bạo hành nhân viên y tế, là câu hỏi đã nhiều lần được đặt ra. Thậm chí, Bộ Y tế từng tổ chức một số hội thảo về chống bạo hành trong BV, nhưng nhiều vụ việc vẫn tiếp tục diễn ra. Chỉ có mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng trên mới tìm ra giải pháp khắc phục là điều được mọi người quan tâm đầu tiên.
Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, việc nhân viên y tế bị hành hung chính là do đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng. Khung pháp lý chưa đủ sức răn đe các hành vi xâm phạm thân thể và tinh thần thầy thuốc; việc phòng ngừa mất an ninh BV chưa được quan tâm đúng mức. Không thể không nói đến tình trạng thiếu chuyên nghiệp của một số thầy thuốc, một số vấn đề trong cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, khiến bệnh nhân bức xúc dẫn đến việc bạo hành ở BV…
Thực tế vào BV, nhiều người bệnh bị thầy thuốc cáu gắt, quát mắng, rồi có cả sự chậm trễ, thiếu ý thức trong việc đón tiếp và khám, chữa bệnh cho người dân, đã tác động đến tâm lý người bệnh. Cách đối xử thiếu công bằng của bác sĩ với người bệnh biếu tiền và không biếu tiền, giữa người bệnh sử dụng y tế dịch vụ khác với người bệnh sử dụng thẻ BHYT cũng dẫn đến sự bức xúc của bệnh nhân.
Nhiều nhà chuyên môn, nhà quản lý cho rằng, chính sự quá tải BV khiến các thầy thuốc cũng bị quá tải công việc, nên căng thẳng tinh thần, dẫn đến nhiều lúc có thái độ chưa phù hợp với người bệnh và người nhà của họ. Thực tế cho thấy, hầu như các vụ hành hung nhân viên y tế đều rơi vào BV công, khiến không thể không đặt ra một logic vấn đề: Có phải chính cơ chế chính sách chưa phù hợp đã dẫn đến thái độ “cửa quyền” của nhân viên y tế với người bệnh, chứ không phải coi người bệnh như thượng đế để phục vụ như hệ thống BV tư vẫn làm?
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, còn một nguyên nhân nữa dẫn đến việc hành hung thầy thuốc là tai biến y khoa. Mà theo GS.TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai thì sự cố y khoa là vấn đề mang tính toàn cầu, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, thu hút sự quan tâm của cả trong và ngoài ngành y tế. Nhầm lẫn y khoa là chỉ số chất lượng thiết yếu và gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng người bệnh, kinh tế, xã hội, uy tín BV và cộng đồng, mà nguyên nhân chủ yếu là do lỗi hệ thống.
Để giải quyết các nguyên nhân này, các nhà quản lý đều thống nhất rằng, phải nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn người bệnh, cần hiểu rõ an toàn người bệnh là uy tín của BV và là đạo đức của cán bộ y tế. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cần phải tạo được sự công bằng giữa BV công và tư, các bác sĩ phải đối xử công bằng với các bệnh nhân, để người bệnh vào đâu cũng được chăm sóc, tiếp đón chu đáo như nhau.
BV Bạch Mai là nơi từng xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, vì thế, GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc BV đề xuất phải có sự phối hợp giữa các cơ quan pháp luật để phát hiện, điều tra, xử lý đúng người đúng việc. Các phương tiện thông tin đại chúng thông tin rộng rãi, như một công cụ cảnh báo với người dân, giúp người dân hiểu không được có những hành động bạo hành và làm như vậy sẽ bị xử lý theo pháp luật. Sớm có cơ chế bảo hiểm cho cán bộ y tế, có luật sư, để chẳng may có sai sót y khoa xảy ra có thể đàm phán, giải quyết với người nhà bệnh nhân.
Một vấn đề cũng được đặt ra là chính sách pháp luật dù đã quy định đầy đủ, nhưng lại chưa được thực hiện đầy đủ hoặc chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của NVYT ở nơi xảy ra các sự việc. Các hành vi bạo hành tại các BV đủ để cấu thành tội gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích, nhưng nhiều vụ chưa được xử lý xác đáng? Thực tế này đòi hỏi các BV cần có luật sư hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của thầy thuốc cũng như tăng cường giáo dục truyền thông về pháp luật và ý thức của cả NVYT và người bệnh, người nhà người bệnh.
Hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều ở phòng khám, cấp cứu của BV, nhưng ở những nơi này người nhà bệnh nhân vẫn có thể đi lại bất cứ lúc nào, nên những nơi này cần bố trí bảo vệ để có thể can thiệp ngay, đồng thời phối hợp với công an cơ sở, như BV Việt Đức, BV Phụ sản Trung ương đã làm tốt nhiều năm qua. Do đó, các BV cần cải tạo cơ sở hạ tầng an ninh để bảo vệ thầy thuốc; hợp tác chặt chẽ với cơ quan an ninh trên địa bàn để xử lý các tình huống khẩn cấp.
Đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, các thầy thuốc phải nâng cao tính chuyên nghiệp, phải chăm sóc và điều trị người bệnh chứ không chỉ có điều trị bệnh. Bởi quan điểm của ngành y tế là coi người bệnh là trung tâm, nên thầy thuốc giỏi chuyên môn chưa đủ, nên các BV cần đào tạo nhân viên kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống và hiểu biết tâm lý người bệnh, gia đình họ và cộng đồng để ứng xử phù hợp.
Về phía các BV, cần cải tạo cơ sở hạ tầng an ninh như hệ thống camera, hệ thống cửa từ, cửa sổ, chuông báo động, kiểm soát ra, vào để bảo vệ thầy thuốc, đồng thời giảm áp lực, căng thẳng cho nhân viên y tế. Các ngành chức năng cần điều chỉnh khung pháp lý với hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần thầy thuốc; hỗ trợ kỹ thuật và nhân lực trong công tác an ninh BV; đưa ra các quy chuẩn thiết kế, xây dựng BV có tính đến an ninh, an toàn BV.
Ngành văn hóa cần có thêm những tác phẩm nghệ thuật để tôn vinh thầy thuốc. Sự vào cuộc của báo chí trong việc lên án, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến danh dự, tính mạng thầy thuốc sẽ góp phần ngăn chặn các vụ việc hành hung ở BV.
Xuân Bách
Năng lượng Mới số 468
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường