Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

514 lượng vàng trong chiếc săm ôtô

15:47 | 28/03/2012

630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi đào gần cầu thang căn nhà của vợ chồng Trần Thị Đào, các trinh sát không khỏi bất ngờ vì phát hiện một lượng vàng khá lớn (trên 514 lượng) giấu trong chiếc săm ôtô chôn dưới đất…

Để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế các cán bộ điều tra đã gặp không ít khó khăn, phức tạp. Nhưng thời gian qua lực lượng CSĐT tội phạm của Công an TP Hà Nội đã điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn. Dưới đây là một trong số các vụ án kinh tế lớn đã được điều tra khám phá vào năm 1982…

Sau một thời gian điều tra, thu thập thông tin, tháng 3/1982, Tổ công tác của Phòng CSĐT, CATP Hà Nội quyết định khám nhà vợ chồng Trần Thị Đào và Lê Tứ, Việt kiều ở Thái Lan hồi hương, đang sống tại phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Mặc dù đã biết vợ chồng đối tượng này có hành vi buôn lậu vàng, nhưng khi đào khu vực gần cầu thang của căn nhà trên, các trinh án không khỏi bất ngờ khi phát hiện một lượng vàng khá lớn: 514,041 lạng, tương tương 19,3kg giấu trong chiếc săm ôtô chôn dưới gầm cầu thang.

Số lượng tang vật phát hiện lớn như vậy, đồng thời lại biết rõ hành vi buôn lậu của đối tượng, nhưng công tác điều tra lại đang đứng trước những bế tắc, bởi sau khi bị tạm giữ, đối tượng Trần Thị Đào tỏ ra rất bình tĩnh, khi gặp cán bộ điều tra thì luôn miệng kêu oan và một mực khẳng định số vàng đó là do vợ chồng họ mang từ Thái Lan về khi hồi hương năm 1962. Trần Thị Đào cho rằng mình không phạm tội buôn lậu, đối tượng đã đưa ra giấy chứng nhận của Ngân hàng Nhà nước về số lượng vàng trên để chứng minh mình vô tội. Tờ giấy chứng nhận có nội dung: Bà Trần Thị Đào là Việt kiều Thái Lan về nước, có mang theo số tài sản là 515 lượng vàng…

Bà Nguyễn Thị Thăng, nguyên Trưởng phòng CSĐT, CATP Hà Nội (1987-1989) được giao nhiệm vụ phụ trách tổ công tác điều tra vụ án trên cho biết: Thông thường, tài sản của những người hồi hương được Ngân hàng Nhà nước chứng nhận lập thành 2 bản (1 bản do chủ tài sản giữ, 1 bản do ngân hàng giữ). Nếu như số lượng vàng trong giấy chứng nhận tài sản lưu lại ngân hàng không trùng với số lượng vàng trong giấy chứng nhận mà bà Đào đã đưa ra, thì việc điều tra vụ án sẽ có nhiều thuận lợi. Nhưng khi xác minh về tờ giấy chứng nhận số vàng lưu tại ngân hàng, các trinh sát được biết bản giấy chứng nhận tài sản của Trần Thị Đào lưu giữ ở đây đã bị thất lạc, điều này khiến công tác điều tra càng thêm bế tắc.

Không biết bao nhiêu lần nữ điều tra viên Nguyễn Thị Thăng đã đọc đi đọc lại tờ giấy chứng nhận số lượng vàng mà đối tượng Trần Thị Đào đưa ra. Là điều tra nữ dày dạn kinh nghiệm trong công tác điều tra làm rõ các thủ đoạn gian xảo của các đối tượng buôn lậu, điều tra viên Nguyễn Thị Thăng cứ linh cảm có điều gì đó không bình thường trong tờ giấy chứng nhận về số vàng mà Trần Thị Đào đã đưa ra. Không thể để vụ án kéo dài, nữ điều tra viên Nguyễn Thị Thăng quyết định làm rõ nguồn gốc giấy chứng nhận số vàng của Trần Thị Đào để gỡ nút thắt cho vụ án.

Cựu cán bộ điều tra Nguyễn Thị Thăng

Những ngày sau đó, nữ cán bộ điều tra Nguyễn Thị Thăng kiên trì tìm kiếm trong hàng chồng hồ sơ lưu, tờ giấy về các vụ án buôn lậu liên quan đến vàng trước đây… Rất nhiều ngày do mải tìm hồ sơ tài liệu lưu trữ tại phòng hồ sơ, nữ cán bộ điều tra thường trở về nhà vào lúc đó 20h. Một ngày cuối tuần, nữ điều tra viên Nguyễn Thị Thăng tìm được tập hồ sơ lưu liên quan đến đối tượng Trần Thị Đào và được biết trước đó (vào năm 1963) đối tượng này bị bắt về tội buôn thuốc phiện, đã bị nhận án tù.

Đọc hết tập hồ sơ lưu gần 100 trang của vụ án Trần Thị Đào buôn thuốc phiện, điều tra viên Nguyễn Thị Thăng không khỏi bất ngờ khi phát hiện 1 bản chụp giấy chứng nhận tài sản của ngân hàng cấp lưu trong hồ sơ. Cẩn thận cất giữ tài liệu quan trọng đó, điều tra viên Nguyễn Thị Thăng đạp xe ra về, lúc đó trời đã tối. Khi về đến nhà, nữ điều tra viên này mới chợt nhớ ra là mình đã quên lời hứa đưa con đi Bờ Hồ ăn kem vào ngày nghỉ, nên đã xin lỗi và hẹn các con vào ngày nghỉ khác.

Vừa bước vào buổi thẩm vấn tiếp theo, đối tượng Trần Thị Đào lại lớn tiếng kêu oan và tỏ thái độ coi thường. Đợi cho đến khi Trần Thị Đào im lặng, nữ cán bộ điều tra Nguyễn Thị Thăng nhẹ nhàng đưa ra bản chụp giấy chứng nhận số vàng trước đó. Nhìn giấy tờ mà nữ cán bộ điều tra đưa ra, sắc mặt của Trần Thị Đào cứ xám dần, rồi bà ta bỗng ngồi sụp xuống nền nhà mãi sau mới nói thành câu: “Xin bà tha cho em. Việc này chỉ mình em với bà biết. Nếu bà bỏ qua cho em, thì em xin biếu bà một nửa số vàng đó. Xin đội ơn bà!”…

Mọi chi tiết của bản chụp tờ giấy chứng nhận tài sản lưu trong hồ sơ vụ án đều trùng với tờ giấy chứng nhận số vàng mà đối tượng Trần Thị Đào đã đưa ra để chứng minh mình vô tội. Duy nhất chỉ có một chi tiết là số tài sản ghi trong đó là 0,5 lượng vàng, chứ không phải 515 lượng. Đến lúc này biết không thể quanh co được nữa, Trần Thị Đào thú nhận đã tẩy xóa, ghi từ 0,5 lượng vàng thành 515 lượng nhằm hợp lý số vàng buôn lậu để thoát tội…

Sau này khi kể lại sự việc trên, cựu cán bộ điều tra Nguyễn Thị Thăng tâm sự: Lời đề nghị của đối tượng Trần Thị Đào xin biếu cho bà một nửa số vàng đó để Đào được thoát tội quả là viên đạn bọc đường, nhưng với bản lĩnh của người cán bộ điều tra bà đã vượt qua được sự cám dỗ đó. Vụ án Trần Thị Đào buôn lậu vàng đã kết thúc, tổ công tác của nữ điều tra viên Nguyễn Thị Thăng được cấp trên khen thưởng. Cựu điều tra viên này cho biết, điều mà bà thấy thắng lợi nhất trong vụ án trên là đã vượt qua được sự cám dỗ của vật chất, chứng minh được hành vi phạm tội của đối tượng, bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp. Đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc của nữ cán bộ điều tra dày dạn kinh nghiệm, nguyên Trưởng phòng CSĐT, CATP Hà Nội.

Đào Thu Trang