Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Xuân Kỷ Hợi với chuyện sưu tập “con giáp Hợi”

09:09 | 18/02/2019

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nói đến thú vui sưu tập thì sưu tập gì cũng lắm công phu, bởi không phải bộ sưu tập nào cũng ra tấm, ra món. Xuân năm nay, thật vui khi người người, nhà nhà “đón Tết, du xuân” đã có một nơi để ghé đến, ngắm nhìn “con giáp của năm” bằng muôn hình thái qua bộ sưu tập “Con giáp của tôi - Lợn sung túc” mà Nhà sử học Dương Trung Quốc trưng bày.

Chọn đúng Xuân Kỷ Hợi để giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập độc đáo với số lượng hơn 6.000 con lợn, với đầy đủ “quốc tịch” từ lợn tây, lợn ta, lợn nhà, lợn bản… “Con giáp của tôi - Lợn sung túc” đã đem đến một không khí vui tươi, mới mẻ của đầu xuân mới.

xuan ky hoi voi chuyen suu tap con giap hoi
Nhà sử học Dương Trung Quốc trong triển lãm “Con giáp của tôi - Lợn sung túc”

Chủ nhân bộ sưu tập trứ danh này nói, thú sưu tập bắt đầu từ niềm vui bất chợt đối với con vật mình cầm tinh, ứng với tuổi Hợi. Ông Dương Trung Quốc sinh năm 1947 - tuổi Đinh Hợi.

Lại nói chuyện cầm tinh, người xưa cho rằng: Con giáp từ Hán Việt là Sinh Tiếu. Sinh tức chỉ năm sinh của con người; Tiếu chỉ sự giống nhau, đồng dạng, tương tự giữa con người và động vật. Do đó, 12 con giáp được dùng để biểu thị năm sinh của con người, đó là: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Con người sinh vào năm nào thì số mệnh ứng với con giáp của năm đó. Ví dụ người sinh năm con Chuột thì cầm tinh con Chuột (tuổi Tý); người sinh năm con Lợn thì cầm tinh con Lợn (tuổi Hợi)… Do đó, trong dân gian người ta còn gọi 12 con giáp là 12 con vật cầm tinh.

12 con giáp có nguồn gốc như thế nào cho đến ngày nay có rất nhiều cách lý giải, theo Phật giáo, Đạo giáo… Nhưng tất cả các cách lý giải này đều do truyền miệng, tính khoa học không cao nên chỉ dùng để mạn bàn chứ không làm cơ sở nghiên cứu. Đông đảo người Việt thì tin theo cách lý giải cho rằng: 12 con giáp liên quan đến Phật giáo. Theo cách lý giải này, thủy tổ của Phật giáo là Thích Ca Mâu Ni khi nhập cõi Niết Bàn cần 12 con vật để tiến cống và 12 con vật đó trở thành 12 con giáp của hậu thế.

Thông qua triển lãm, các nghệ nhân ở Việt Nam sẽ tìm thấy những khía cạnh tạo hình con lợn đa dạng, phong phú từ nhiều nơi trên thế giới để có thể rút ra được điều gì đó hữu ích. Như các nghệ nhân gốm Bát Tràng có thể tham khảo nhiều mẫu tượng ở đây để làm phong phú thêm cho hình tượng con lợn của họ.

Riêng về con giáp Hợi, nhiều ý kiến thắc mắc: Tại sao con Lợn lại xếp cuối cùng trong 12 con giáp? Đây cũng là mối quan tâm của nhiều người nhưng chưa được tường tận.

Trên Tạp chí Văn Hiến, nhà nghiên cứu Vương Quốc Hoa có viết theo câu chuyện xa xưa của người Trung Hoa, lý giải đại để rằng: Hoàng đế Hiên Viên - Thủy tổ của dân tộc Trung Hoa chọn hình vẽ của 12 động vật đại biểu Địa Chi để tượng trưng cho tuổi ra đời của con người, gọi là 12 thuộc tướng, nhưng không biết chọn loài động vật nào. Lúc ấy, Thừa tướng đề xuất ý tưởng: “Xin Bệ Hạ, hạ một thánh chỉ, lệnh sáng sớm ngày mùng Một tháng Giêng, trăm loài thú đến xếp hàng trước điện Kim Môn, Bệ Hạ chọn 12 loài động vật đến trước là được”. Hoàng đế nghe xong gật đầu đồng ý.

xuan ky hoi voi chuyen suu tap con giap hoi
Những chú lợn gốm với sắc men vô cùng độc đáo trong bộ sưu tập của ông Dương Trung Quốc

Thánh chỉ của Hoàng đế giáng xuống trần gian, các loài động vật đều lên đường đến điện Kim Môn thật sớm. Lợn cũng không ngoại lệ. Trên đường đi, Lợn đã giúp Chó thoát khỏi vòng vây của Sói. Rồi lại giúp Gà bảo toàn tính mạng khi bị Sói chuẩn bị ăn thịt. Thành thử trời sáng, Lợn mới lên đến điện Kim Môn. Lợn thở phào khi mình vừa đủ đứng thứ 12, đứng sau Trâu, Hổ, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Sói.

xuan ky hoi voi chuyen suu tap con giap hoi
Những chú lợn gốm với sắc men vô cùng độc đáo trong bộ sưu tập của ông Dương Trung Quốc

Đột nhiên tiếng trống nổi lên, cửa điện đã mở, Hoàng đế Hiên Viên bước lên bệ rồng, bắt đầu tuyển chọn. Nhưng trong điện sáng lờ mờ, Hoàng đế bèn ra lệnh đốt nến lên, quan Nội Quán hoang mang vào trong nội cung lấy nến, đột nhiên sợ hãi chạy ra bẩm báo với Hoàng đế: Thần vào kho lấy nến, phát hiện toàn bộ nến đều bị Chuột cắn hỏng, trong mỗi cây nến đều nhồi thuốc nổ mạnh. Số là, những cây nến này là của Vũ Long biếu, ý đồ phá nổ điện Kim Môn, giết chết Hoàng đế, Chuột đêm qua đói bụng chui vào kho, cắn nến nên mới biến họa thành yên, đồng thời cũng làm lộ ra lòng dạ lang sói của Vũ Long.

Thừa tướng liền tấu lên: Hành động của Chuột đêm qua đã cứu sống được bệ hạ, đã cứu được văn võ bá quan trong triều, công này rất lớn, theo ý kiến thần thì cho Chuột đứng đầu trong 12 thuộc tướng.

Hoàng đế nghe thấy có lý, lập tức phê chuẩn. Thế là Lợn trượt. Trong lòng Lợn rất buồn, nhưng nó không tranh luận. Lúc đó mặt trời cũng đã nhô lên cao, ánh sáng tỏa khắp mọi nơi, Hoàng đế ra lệnh cho Thừa tướng chọn. Thừa tướng đọc: Tý - Chuột, Chuột vừa đến trước điện, nghe thấy Thừa tướng điểm danh mình, chạy từ cuối lên hàng đứng đầu. Thừa tướng đọc tiếp: Sửu - Trâu; Dần - Hổ; Mão - Mèo; Thìn - Rồng; Tỵ - Rắn; Ngọ - Ngựa; Mùi - Dê; Thân - Khỉ; Dậu - Gà; Tuất - Chó… Các động vật đều vui sướng xếp hàng đứng sau Chuột. Khi Thừa tướng vừa đọc đến Sói thì cả Gà và Chó đều lên tiếng kêu oan cho Lợn. Chúng kể chuyện Lợn đã vô tư giúp đỡ chúng như thế nào trên đường và xin nhường vị trí cho Lợn. Hoàng đế nghe xong cảm kích về sự tình của Lợn bèn quyết định: Sói bản tính hung dữ nên không được đứng trong 12 thuộc tướng và vị trí cuối cùng thuộc về Lợn. Các động vật đều hoan nghênh, Sói nghe xong liền bỏ đi, nhưng nó không bao giờ quên được mối thù này.

Từ đó về sau, Sói hay vào chuồng để cắn chết Lợn nhưng con người đã duy trì sự công bằng, bảo vệ mà chăm chút Lợn rất tỉ mỉ. Vì vậy mà gia đình, họ hàng nhà Lợn ngày càng đông đúc. Cũng theo sự tích này thì đối với văn hóa Việt Nam hay các nước châu Á, năm Hợi hay biểu tượng Lợn là biểu trưng của tiền bạc, sự phồn thịnh, sung túc, tài lộc. Nó chính là nguồn cảm hứng để nhiều nghệ nhân đúc tượng lợn vàng, lợn tiết kiệm, tranh dân gian… chúc tụng cho năm mới nhiều may mắn, thể hiện sự đông vui, sinh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào.

xuan ky hoi voi chuyen suu tap con giap hoi

2. Thế nên, có thể nói bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc là bộ sưu tập lợn đồ sộ nhất của Việt Nam đến nay, khi quy tụ được tất cả các chú lợn với nhiều sắc

thái khác nhau. Có chú vui nhộn, có chú hài hước, có chú nằm ì… mỗi con mang một vẻ khác biệt. Người xem không khó để nhận ra hình ảnh lão Trư trong Tây Du Ký xuất hiện ở một góc nhỏ xinh, hay một chú lợn theo phong cách điện ảnh người nhện (Spiderman), cả kỹ thuật làm gốm ghép mảnh Azulejo của Tây Ban Nha cũng được đưa lên mình lợn… Bộ sưu tập đồ sộ ấy là công sức góp nhặt từ rất nhiều vùng đất mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã đặt chân tới.

Chính nhà sử học cũng không thể nhớ con số chính xác của bộ sưu tập là bao nhiêu con, với hơn 20 năm sưu tập ông chỉ áng chừng khoảng hơn 6.000 con. Với số lượng ấy, ai đến thăm nhà ông nghị Quốc cũng đều bất ngờ khi tất cả căn nhà đều dành chỗ cho thú vui sưu tập này.

Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước, con lợn càng gần gũi, gắn bó mật thiết với người dân. Với những người đã trải qua thời bao cấp thì con lợn còn gắn liền với một thời khó khăn, nuôi lợn ở nhà tập thể. Con lợn còn biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy một cách bền vững bằng chính công sức lao động của con người.

Khi hỏi ông tâm đắc nhất với con nào thì ông nói: “Tính theo giá thị trường, có con chỉ vài trăm nghìn, có con tôi phải mất rất nhiều tiền, công sức để mua. Nhưng tôi nghĩ ý nghĩa hơn cả là mỗi con lợn gắn với câu chuyện trên hành trình sưu tập của mình”.

Chú lợn được cho là có nhân duyên nhất, ông Quốc nhắc đến con lợn Muối, được làm bằng đá ở mỏ muối của Italia. Nó là một vật phẩm lưu niệm từ khoáng sản địa phương, giống như chúng ta từng có những chú sư tử bằng than đá đen nhánh ở Quảng Ninh. Để đưa được nó vào bộ sưu tập, ông cho rằng nó thực sự phải là chữ duyên.

xuan ky hoi voi chuyen suu tap con giap hoi
Khách thăm quan triển lãm

Ông kể: “Lẽ ra con lợn Muối đã nằm trong bộ sưu tập của tôi sớm hơn, khi con gái tôi đi du lịch ở Italia đã bắt gặp con lợn này, con bé đã nghĩ tôi thích và gọi điện về xin ý kiến là có nên mua? Lúc ấy, tôi hỏi cháu về giá của nó, thấy có phần đắt nên tôi bảo cháu thôi không mua. Vậy nhưng, sau 3 năm tình cờ tôi đến Italia, đi ngang qua cửa hàng, tôi bị thu hút bởi chú lợn này. Người bán hàng nói với tôi rằng, 3 năm nay không khách nào để ý đến nó. Tôi quyết định mua về và con gái tôi đã nhận ra nó chính là con lợn 3 năm về trước. Đó chẳng phải rất có duyên là gì!”.

Còn chú lợn mang “quốc tịch” Hoa Kỳ nằm dưới một cây đèn, ông kể: “Tôi vẫn nhớ một lần cùng chị Tôn Nữ Thị Ninh sang gặp một công ty ở Hoa Kỳ khai thác dầu khí ở Việt Nam. Họ mời chúng tôi dùng bữa tại một quán ăn nổi tiếng ở bang Texas. Quán có bán nhiều đồ dùng để khách mua về làm quà, trong đó có chiếc đèn dầu hỏa hình con lợn. Chủ quán giải thích, chiếc đèn dầu hỏa này đã có mấy trăm năm trước, từ khi quán ăn được mở.

Bây giờ họ phục chế lại để bán cho du khách làm quà lưu niệm. Giá chiếc đèn khoảng 100USD, là số tiền khá lớn với chúng tôi. Tôi với chị Ninh đều tuổi Hợi, đều muốn mua mang về nhưng cứ ngồi cân nhắc mãi có nên mua hay không.

Sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi quyết định mua. Chiếc đèn dầu hỏa hình con lợn này làm tôi nhớ đến câu chuyện chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, khi người Hoa Kỳ mang chất đốt mới sang Việt Nam. Lúc đó dân ta chủ yếu dùng dầu thực vật, chưa biết đến dầu hỏa. Các thương nhân Hoa Kỳ đã tặng người dân cây đèn dầu để thắp sáng thử, thấy tốt thì tiếp tục mua dầu... Đó cũng là lý do, tôi vẫn thường lấy chiếc “đèn Hoa Kỳ” làm biểu tượng cho sự hợp tác cùng có lợi ấy trong những buổi nói chuyện về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong lịch sử”.

Còn luyến tiếc nhất, phải kể về những chú lợn đất nung hình thù cổ quái mua được ở một quán ven hồ Trúc Bạch. Một lần vô tình đi trên con đường ven hồ Trúc Bạch, ông chợt bắt gặp một cửa hàng nhỏ treo biển bán đồ gốm. Tò mò ghé vào xem, ông thấy có nhiều chú lợn đất nung hình thù đầy vẻ cổ quái nhưng đẹp về cả hình và chất. Ông mua tạm hai sản phẩm với ý định sẽ quay lại vét sạch cả cửa hàng. Bẵng đi vì bận việc, khi quay lại thì chẳng tìm thấy cửa hàng đó đâu nữa.

“Từ đó, tôi rút ra một bài học nhớ đời cho công việc sưu tầm đó là: Có cơ hội là phải chớp liền”- ông Quốc khẳng định.

Ngoài số lượng, đàn lợn của ông Quốc cũng lưu dấu rất nhiều hiện vật độc bản của nghệ nhân tên tuổi trong làng gốm Việt. Đó là một chú lợn rừng độc chiếc, mang phong thái dũng mãnh, oai phong, phủ men huyết đỉa tươi rói do nghệ nhân gốm Bát Tràng Trần Độ chế tác. Rồi bộ lợn nung rơm nhẹ lửa, màu men mộc ám đen do có sử dụng nhựa điều quen thuộc trong chế tác gốm Chăm của nghệ nhân Đinh Văn Hạnh… Hay những chú lợn gốm mang đậm phong vị Việt được tạo bởi tay nghề điêu luyện của nghệ nhân gốm Nguyễn Văn Toán.

Trong rất nhiều tác phẩm con giáp Hợi được tác thành từ những lần “thử men” của nghệ nhân Nguyễn Văn Toán. Ông nghị Quốc thích thú kể: “Mỗi lần nổi lò, Nguyễn Văn Toán thường nặn một chú ỉn và sử dụng để thử men, khi mở lò việc đầu tiên là gọi cho ông bạn Dương Trung Quốc đến nhận chú ỉn về”.

Chính chuyện thử men trong chế tác gốm, đã tạo nên những chú ỉn đặc biệt, độc bản cả về kiểu dáng lẫn lớp men thuốc khoác lên mình. Nên khi chiêm ngưỡng, người xem sẽ bị choáng ngợp bởi màu sắc có hiệu ứng hỏa biến độc - lạ trên những chú ỉn mà khó có nhà sưu tập nào có được. Vậy nên, nhìn đàn lợn của ông nghị Quốc, người xem thấy ở đó không chỉ là công phu trong thú vui sưu tầm, mà còn là câu chuyện gắn với bảo tồn, bảo tàng mà một sử gia như ông Quốc tâm huyết.

Không khoa trương mà chọn cách mộc mạc, cũng không chọn phong cách bác học của một sử gia, có thể thấy đã lâu lắm rồi, giới sưu tầm, người yêu nghệ thuật mới có được những giây phút nhẹ nhàng, thích thú khi đi xem triển lãm như vậy. Ở “Con giáp của tôi - Lợn sung túc” không có khái niệm đồ thật - đồ giả, cũng chẳng để đánh bóng giá trị thường thấy ở các tay chơi sưu tầm, chỉ thấy sự chia sẻ một đam mê cá nhân mà truyền cảm hứng được đến cộng đồng. Bởi theo ông Quốc, ở các nước, sưu tập là thú vui rất lành mạnh, làm cho con người có ý thức giữ gìn và trân trọng những thứ xung quanh tưởng chừng như rất bình thường. Và đúng như ông kỳ vọng, bộ sưu tập đến nay đã thu hút người xem và thực sự là một món quà xuân đầy ý nghĩa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Bộ sưu tập là một thú chơi nhưng quan trọng hơn vẫn là đánh thức mỗi người đều có thể chơi một thứ gì đó. Bởi hôm nay nó là cái riêng tư của mình nhưng một ngày nào đó nó sẽ là một tài sản chung của xã hội, một tài sản tinh thần. Đó cũng là một nguyên lý của bảo tàng học. Bảo tàng bắt đầu từ những sưu tập cá nhân, bằng những thích thú của cá nhân nhưng nhờ sự kiên trì, tích lũy cộng với sự may mắn sẽ đến một lúc nào đó số lượng hiện vật ngày càng tăng, có thể trở thành bộ sưu tập quốc gia, thậm chí là của cả nhân loại. Tôi hy vọng sau triển lãm con giáp Hợi, những mùa xuân năm sau cũng sẽ có triển lãm của những con giáp khác”.

Huyền Anh