Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Xóm trọ "đầu trọc"

07:03 | 21/07/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở Sài Gòn, không nơi nào ám ảnh tôi bằng Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Đến đây, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là sự khốn cùng của hàng nghìn bệnh nhân ung thư nghèo phải tá túc trong những khu trọ xập xệ, tạm bợ hay những dãy hành lang bệnh viện xuống cấp, không đủ che mưa, che nắng.

Năng lượng Mới số 339

Khu trọ ổ chuột

Đi bộ dọc theo những con hẻm xung quanh Bệnh viện Ung Bướu TP HCM tôi dễ dàng bắt gặp những tấm bảng đề “nhà trọ bình dân” san sát nhau, treo trước các quán cơm, các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc tây… Đây là khu trọ chuyên cho bệnh nhân ung thư thuê để tiện việc đi lại, điều trị nên mọi người quen gọi là “xóm trọ đầu trọc” bởi phần lớn bệnh nhân ung thư đều bị rụng hết tóc do tác động của quá trình xạ trị, hóa trị. Vì kinh doanh nhà trọ ở đây thu lợi quá lớn, nên người người, nhà nhà đua nhau mở phòng trọ cho thuê. Các phòng trọ vì thế mọc lên ngày càng nhiều.

Dạo quanh hẻm số 5 đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, cách Bệnh viện Ung Bướu TP HCM khoảng 100m, chỉ cần đưa mắt chú ý đến những biển hiệu thuê trọ treo trước hàng quán là có đám “cò mồi” ùa ra lôi kéo, chào mời thuê phòng. Dừng chân trước một quán cơm có đề bảng cho thuê trọ tôi ngỏ ý muốn tìm chỗ trọ cho người thân đang điều trị bệnh ung thư. Chị chủ quán nhanh nhảu thông báo phòng tập thể đã hết chỗ, chỉ còn phòng riêng, đầy đủ tiện nghi và nhà vệ sinh riêng biệt.

Xóm trọ

Chỉ với một chỗ đủ trải tấm chiếu ngủ bệnh nhân phải thuê với giá 30.000 đồng/ngày

Theo chân chị chủ quán đi xem phòng trước khi quyết định thuê. Qua khu vực quán cơm ẩm thấp, sàn nhà đọng nước cáu bẩn, tôi đến một căn phòng lợp tôn thấp lè tè, bên trong xếp những mảnh chiếu ngang dọc chỉ chừa một lối đi nhỏ. Ở đây người ngồi ăn, người nằm ngủ vạ vật, đầu họ trọc lốc, da xám ngắt, họ đang dõi theo chân người cho thuê phòng và tôi, rồi bất chợt trong số họ có người buông tiếng thở dài…

Căn phòng bao bọc bởi những mảng tường vàng ố, một vài nơi bong tróc vì thấm nước. Không gian chật chội, oi bức, xô bồ, khiến người vào chỉ muốn quay ra. Phía cuối căn phòng này được ngăn ra làm 2 phòng nhỏ. Đây là phòng riêng mà chị chủ quán cơm quảng cáo trước đó. Mỗi phòng diện tích không quá 10m2, tối om, đơn sơ với một chiếc giường trên đó trải chiếc chiếu cũ, 1 chiếc tivi 14inch đặt trên chiếc tủ nhỏ ở góc phòng và 1 nhà vệ sinh chỉ vừa đủ lọt người vào.

Chị chủ quán giới thiệu phòng này giá 150.000 đồng/ngày, nếu thuê trên 1 tuần thì bớt còn 130.000 đồng/ngày, còn thuê theo tháng thì 3,5 triệu đồng/tháng. Thấy tôi còn lưỡng lự vì giá quá cao, chị chủ quán giải thích: “Quanh đây chỗ nào giá cũng vậy thôi, không nơi nào rẻ hơn đâu, muốn rẻ thì thuê chiếu 30.000 đồng/ngày nhưng phải đợi có người trả chỗ”.

Lấy lý do đi tham khảo một số nơi rồi mới quyết định, tôi đến hỏi thuê phòng ở một hiệu thuốc tây khá khang trang cách đó mấy căn. Kế bên hiệu thuốc này có một lối nhỏ đi vào trong khu trọ. Dọc lối đi được tận dụng để xếp các ghế bố cho thuê với giá 40.000 đồng/ngày. Hơn chục ghế bố xếp khin khít trong căn phòng này cũng đã được thuê hết. Bà chủ trọ dẫn tôi lên xem những phòng riêng trên lầu. Đó là những căn phòng được ngăn ra tạm bợ bằng những tấm ván ép, trông không khác gì những hộp diêm, chỉ đặt vừa một chiếc giường đơn, không gian nóng bức, ngột ngạt, bí bách đến nghẹt thở. Những căn phòng riêng này được ra giá 100.000 đồng/phòng/ngày.

Sau một lúc đi tham quan các phòng trọ quanh khu vực, tôi dừng chân ở một quán nước bên vệ đường Nguyễn Huy Lượng, đối diện phòng khám của Bệnh viện Ung Bướu. Nghe tôi nói đến chuyện thuê phòng trọ, bà chủ quán nước lại ra rả quảng cáo về hệ thống phòng trọ của gia đình bà, có đầy đủ các loại phòng, từ phòng VIP giá 250.000 đồng/phòng, đến các phòng bình dân giá chỉ hơn 100.000 đồng.

Bà cố gắng thuyết phục tôi thuê phòng, nếu không thuê theo ngày thì thuê nghỉ trưa cũng được, có chỗ để ngả lưng, rửa mặt... còn hơn là vật vờ chờ đợi trong bệnh viện. Nhưng cũng chẳng hơn gì các phòng trọ trước, phòng trọ nhà bà cũng u ám như mê cung, mọi không gian đều được tận dụng để ngăn phòng, đặt giường, ghế bố cho thuê. Ngay cả khoảng trống dưới chân cầu thang cũng được lót ván thành chỗ cho thuê trọ.

Xóm trọ

Bảng quảng cáo nhà trọ ở một hẻm gần Bệnh viện Ung Bướu TP HCM

Tuy nhiên, trái ngược với chất lượng “ổ chuột”, hàng trăm phòng trọ lớn nhỏ quanh Bệnh viện Ung Bướu TP HCM đều có giá cắt cổ. Dù giá cao nhưng do nhu cầu thuê trọ của rất đông bệnh nhân ung thư từ các tỉnh, thành đổ về TP HCM để điều trị nên các phòng trọ ở đây lúc nào cũng đông khách. Đặc biệt, những ghế bố cho thuê với giá vài chục ngàn đồng thì luôn luôn kín chỗ, những ai muốn thuê phải xếp hàng chờ. Phần đông bệnh nhân ung thư ở các tỉnh đều là người nghèo nên họ không quan tâm nhiều đến chất lượng phòng trọ mà họ chỉ mong sao có chỗ che mưa, che nắng trong những đợt điều trị dài ngày.

Gặp anh Hoàng Trọng Minh, 32 tuổi, quê Bình Thuận đang nuôi cha bị ung thư gan điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, anh chia sẻ: “Chi phí ít ỏi nên tôi chỉ dám thuê ghế bố cho hai cha con nghỉ ngơi nhưng chi phí thuê trọ mỗi đợt đưa cha lên điều trị khoảng 1 tuần cũng đến cả triệu đồng. Mọi không gian sinh hoạt chỉ gói gọn trên một chiếc ghế bố. Cả chục người thuê trọ phải sử dụng chung 1 nhà vệ sinh nhếch nhác, bẩn thỉu. Biết là thuê mắc nhưng vì không rành đường sá, muốn tìm nơi khác thuê cũng không được, đành chấp nhận thôi”.

Anh kể thêm, bệnh của cha anh phải thường xuyên truyền hóa chất để ngăn khối u phát triển, mỗi lần truyền hóa chất thì đau đớn kéo dài hàng tuần nhưng do bệnh viện quá tải nên khi truyền hóa chất xong 2 ngày đã phải xuất viện nhường chỗ cho người khác. Do đó, sau mỗi đợt vô thuốc anh phải sắp xếp cho cha ở trọ một vài ngày dưỡng sức sau đó mới đi xe đường dài về nhà. Nhiều lúc thấy cha đau đớn nhưng anh cũng chỉ biết xót xa là vậy vì chẳng có cách nào khác.

Còn anh Nhân quê Bến Tre thì mỗi lần đi tái khám anh chỉ đi một mình để đỡ chi phí thuê trọ mặc dù anh cũng chỉ thuê ghế bố chứ không dám thuê phòng riêng. Mấy chục ngàn mỗi ngày nhưng bằng tiền công cả một ngày làm thuê ở quê. Anh kể, anh bị ung thư vòm họng giai đoạn hai, đã trải qua hơn chục lần xạ trị. Bác sĩ nói bệnh của anh còn phải điều trị lâu dài nên anh cố gắng tiết kiệm chi tiêu để có tiền chữa bệnh. Anh là lao động chính trong nhà, từ khi bị bệnh đến nay anh không làm gì nổi, chi phí chữa bệnh phải trông chờ hết vào vợ con. Nhiều lúc đến kỳ tái khám không gom đủ tiền phải chạy vạy khắp nơi. Anh không biết mình còn có thể theo đuổi điều trị được bao lâu nữa.

Mang trong mình căn bệnh quái ác, những bệnh nhân ung thư không chỉ đương đầu với sự đau đớn của bệnh tật mà còn đối mặt với sự khánh kiệt gia sản bởi việc điều trị lâu dài, tốn kém. Vì thế, rất đông bệnh nhân ung thư nghèo từ các tỉnh đến điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong đó chi phí thuê trọ đắt đỏ ở những khu trọ ổ chuột này khiến người bệnh lại thêm phần gánh nặng.

Hành lang bệnh viện là nhà

Không chịu nổi giá thuê phòng trọ ở khu vực này, nhiều bệnh nhân ung thư phải cắn răng chịu cảnh lấy hành lang bệnh viện làm nơi trú ngụ. Vì vậy, khắp các hành lang của Bệnh viện Ung Bướu chỉ cần nơi đâu có mái hiên là đều có bệnh nhân và người nhà tận dụng để làm chỗ ở bất chấp nơi đó là khu vực gần cống rãnh, thùng rác hay nhà vệ sinh...

Xóm trọ

Không có tiền thuê trọ nhiều bệnh nhân phải tá túc ngoài hành lang bệnh viện

Thật sự, đi nhiều bệnh viện ở Sài Gòn nhưng không nơi nào có cảnh ban ngày mà bệnh nhân và người nhà cũng trải chiếu nằm la liệt khắp các dãy hành lang như nơi đây. Qua một đêm mưa, một vài nơi còn để nguyên những khúc cây giăng những manh chiếu rách ngăn mưa tạt cắm ở kẽ hở của những nắp cống dọc theo các dãy hành lang. Các bờ tường lỉnh kỉnh đồ đạc, mền gối mà bệnh nhân và người nhà mang theo dùng trong những ngày điều trị. Cám cảnh nhất là những mái hiên dọc lối đi vào nhà vệ sinh công cộng của bệnh viện, nền bê tông đen nhẻm, các mảng tường hai bên đã hoen ố, ẩm mốc, thùng rác thải đặt cạnh ngay đó mà bệnh nhân vẫn trải chiếu kín lối, treo quần áo, đồ ăn, thức uống khắp nơi.

Đó là những nơi trú ngụ của rất đông bệnh nhân ung thư từ ngày này qua tháng nọ, năm này đến năm khác. Người già có, đàn ông, phụ nữ đều có, nhiều người còn đùm đề theo con nhỏ... Chắc phải khốn cùng lắm người ta mới có thể chấp nhận cảnh sống này. Trông nhếch nhác, bẩn thỉu không tưởng nổi! Chưa kể những mái hiên này, ngày thì nắng chiếu, đêm thì mưa tạt. Tôi cam đoan rằng, những người đến Bệnh viện Ung Bướu TP HCM lần đầu đi qua khu vực này không khỏi cảm giác nhờn nhợn buồn nôn bởi mùi thức ăn, mùi người, mùi rác thải tanh tưởi sực trong không khí.

Xóm trọ

Trò chuyện với chị Tới, 52 tuổi, ngụ ở Bến Tre, chị bị mắc bệnh ung thư vú. Qua nhiều lần xạ trị, hóa trị, tác động của hóa chất khiến tóc chị rụng hết, môi thâm tím, thân hình tiều tụy. Chị kể, chị bị ung thư vú giai đoạn 3, phát hiện từ năm 2011, khối u đã di căn sang gan, phổi. Cứ 3 tuần phải đi vô hóa chất một lần nên ở nhà 2 tuần thì chị lại đón xe lên bệnh viện để làm các thủ tục chuẩn bị cho đợt vô thuốc mới. Thu nhập gia đình ít ỏi, chỉ trông vào vườn dừa mỗi tháng thu hoạch được hơn 1 triệu đồng, trong khi chi phí đi lại và vô thuốc là 600.000 đồng/lần nên chị không dám chi tiêu gì nhiều, các bữa ăn thì xin cơm từ thiện, còn ở thì ban đầu chị cũng thuê trọ nhưng hơn 2 năm nay không kham nổi chi phí trọ, chị đành chuyển ra ở ngoài hành lang bệnh viện.

“Ngày nắng ráo còn đỡ, chứ ngày mưa thì mọi người phải tất tả thu dọn đồ đạc, lấy đồ che chắn. Mưa lớn, nước tạt vào hành lang thì đành chịu ướt. Cực nhất là những ngày vô thuốc người mệt mỏi, đau đớn nhưng gặp khi trời mưa thì coi như cả đêm phải thức trắng không được nghỉ ngơi…” - chị Tới chua xót nói.

Chị còn kể cho tôi nghe về chị Tâm, một bệnh nhân ngụ ở Đắk Lắk cũng bị ung thư vú giống chị nhưng di căn sang xương. Chị và chị Tâm biết nhau đã nhiều năm bởi cùng chung cảnh ngộ. Tháng trước chị Tâm còn khám bệnh cùng đợt với chị và cũng nằm ở ngoài hành lang này, nhưng lần này chị lên khám thì nghe mọi người nói mấy ngày trước chị Tâm được gia đình đưa lên cấp cứu, chị ấy không đi nổi nữa mà phải ngồi xe lăn. Rồi sau mấy ngày điều trị chị ấy đã ra đi mãi mãi.

Cạnh chỗ của chị Tới là hai cụ già năm nay đã ngoài 70, quê ở Tiền Giang. Nhìn cảnh hai ông bà già lụm khụm dắt nhau đi khám bệnh khiến mọi người không khỏi chạnh lòng. Ông kể, hai ông bà có 5 người con nhưng đều ở xa, ông bà sống cùng với đứa con gái bị bệnh tâm thần. Tháng trước bà đi khám ở Bệnh viện Tiền Giang, bác sĩ bảo bà bị ung thư cổ tử cung nên làm giấy chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ.

Thế là hai ông bà về thu xếp đồ đạc bắt xe lên Bệnh viện Từ Dũ để khám bệnh. Rồi từ Bệnh viện Từ Dũ lại chuyển bà qua Bệnh viện Ung Bướu. Khi vào khám, bác sĩ nói chỉ có hai ông bà già không được, phải gọi con cháu lên để bác sĩ giải thích bệnh tình nên ông vừa điện về kêu cậu con trai lên. Từ lúc lên đây, đem theo có hai triệu đồng, tiền xe đi lại, tiền khám bệnh đã gần hết nên ông bà không dám ăn, không dám ở, thấy mọi người tá túc ngoài hành lang bệnh viện, ông bà cũng mua chiếc chiếu về trải để ngả lưng. Thương ông bà già mọi người xung quanh khi đi xin cơm từ thiện cũng xin giúp cho ông bà một phần.

Xóm trọ

Bệnh nhân trải chiếu dọc hai bên lối đi vào nhà vệ sinh bệnh viện

Còn bà cụ mặc bộ đồ bà ba cũ kỹ, đầu vắt chiếc khăn tay che nắng, đôi dép mòn sát đế… trò chuyện với tôi mà bà luôn miệng nhắc đến đứa con gái bị bệnh tâm thần ở nhà không biết mấy ngày nay ăn uống, rồi sống chết ra sao. Bà thở dài, ở quê kiếm được đồng tiền rất khó, lên đây cái gì thấy cũng tiền trăm, tiền triệu, nên chắc bà không chữa bệnh nữa mà về quê luôn! Đôi mắt đục ngầu của bà rơm rớm nước.

Mỗi người tá túc ở các dãy hành lang Bệnh viện Ung Bướu này là một cảnh đời thương tâm, có người gia đình ba anh em đều bị ung thư não không có tiền chữa chạy; người thì đơn chiếc chỉ một mình không ai thân thích; người bị chồng bỏ từ khi mắc bệnh, cố gắng bươn chải kiếm sống, chữa bệnh cũng khó khăn bởi khắp người đầy rẫy những khối u ghê rợn, ai thấy cũng sợ mà tránh xa... Tại đây họ chứng kiến biết bao nhiêu cảnh sống nay chết mai của những người mắc bệnh như mình. Buồn và tuyệt vọng lắm nhưng sự đau đớn của bệnh tật, khát vọng sống khiến họ phải tiếp tục theo đuổi việc điều trị.

Sài Gòn đang bước vào mùa mưa. Những đêm dài thức trắng của những bệnh nhân ung thư nghèo ở các dãy hành lang vẫn đang tiếp diễn. Cảnh bệnh nhân lấy chiếu che chắn, nép vào các dãy hành lang; một số người tất tả ôm mềm gối, vật dụng xin bảo vệ cho vào khu vực cầu thang trong bệnh viện tránh mưa... khiến lòng người quặn thắt. Không phải là lần đầu tiên đặt chân đến bệnh viện này mà lần nào đến đây cũng vậy, thấy quá nhiều khốn khó, quá nhiều quá nhiều cảnh thương tâm trên con đường chống chọi với bệnh tật của bệnh nhân ung thư nghèo.

Chỉ mong sao dịch vụ y tế tốt hơn, đời sống của bệnh nhân nghèo đỡ vất vả... nhưng từ khi còn tấm bé cho đến nay đã thành người viết báo mà lần nào qua đây tôi vẫn thấy buồn, bởi vì chẳng có gì thay đổi. Chỉ mong sao có chính sách gì đặc biệt để người nghèo đỡ khổ sở vì ở ta người nghèo còn nhiều lắm, thương lắm!

Mai Phương