Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Xả thân bắt cướp

17:17 | 14/10/2011

Theo dõi PetroTimes trên
|
Họ là những con người bình dị nhưng đã làm được những việc rất dũng cảm: Xả thân bắt cướp cứu người. Họ là những người đi tiên phong tạo nên sức mạnh toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm đang ngày càng diễn biến phức tạp. Họ xứng đáng là những "bông hoa lửa" của thủ đô Hà Nội.

Những hiệp sĩ quả cảm

Vừa từ TP Hồ Chí Minh tham dự buổi giao lưu "Gặp mặt các hiệp sĩ đường phố” về đến Hà Nội, dù rất mệt nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ tuần tra chuyên trách phường Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) rất vui vẻ khi tiếp chúng tôi.

Những thông tin mà ông cung cấp riêng cho PV rất đặc biệt, khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng. Nói về cái duyên dẫn đến việc ông trở thành “hiệp sĩ đường phố” ông hồ hởi cho biết, săn bắt trộm cướp là nghĩa vụ của mỗi công dân, dù đã tỉ mỉ ghi chép rất nhiều những vụ án mà ông cùng đồng đội đã phá được nhưng ông vẫn không thể nhớ nổi mình đã phá được bao nhiêu vụ, riêng cuốn nhật ký ông ghi chép lại đã lên đến con số hàng trăm vụ.

Ông chốt lại: Còn cướp là còn bắt để đem lại sự bình yên cho cộng đồng. Săn bắt cướp là việc nguy hiểm nhưng “hiệp sĩ” Hùng chẳng bao giờ từ nan. Có những vụ án ông tham gia mà đến giờ ông vẫn còn khắc ghi trong tâm trí.

Ông nhớ nhất là vụ án xảy ra vào năm 2007, trong khi bắt giữ một đối tượng trộm cắp đã nhiễm HIV độ 3. Mặc dù khi bị dồn vào chân tường, đối tượng này đã đem HIV của mình ra thách thức, nhưng bất chấp hiểm nguy, ông và đồng đội đã vật lộn với chúng và bị xây xát phải đi điều trị phơi nhiễm cả tháng trời.

Trong vụ khác, bọn tội phạm sẵn sàng dùng xe máy lao thẳng vào ông nhưng không vì thế mà ông chịu lùi bước trước tội ác của chúng. Thành tích của ông thật đáng nể, trong 7 năm (từ năm 2003), ông cùng đồng đội tham gia tuần tra 3.528 ca, bắt giữ được 290 vụ phạm pháp hình sự với 357 đối tượng tham gia, 25 vụ trộm cắp nhà dân, 17 vụ trộm cắp xe máy, 18 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, 4 vụ đánh bạc, 8 vụ lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nhân dân, thu 2 xe ôtô, 12 xe máy và gần 10 triệu đồng trả lại cho người dân.

Trong khi nghe Hùng “hiệp sĩ” nhiều người dân rất vui mừng thì bọn tội phạm lại kinh hoàng bạt vía.

"Hiệp sĩ" Trần Văn Hải

Cùng tham gia chương trình giao lưu tại TP Hồ Chí Minh với ông Hùng, “hiệp sĩ” Trần Văn Hải (phường Phố Huế, Hai Bà Trưng) lại cho chúng tôi nhiều cảm phục khác. Năm nay đã bước sang tuổi 58, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công việc tuần tra, săn bắt cướp. Thấy chúng tôi, ông cười xòa, các anh gặp may đấy, tôi vừa đi TP Hồ Chí Minh về nên ở nhà, chứ bình thường 70% thời gian tôi ở ngoài đường. Nói về việc săn bắt cướp, “hiệp sĩ” Hải rất phấn khởi.

Ông kể cho chúng tôi về một vụ án mà có lẽ ông sẽ nhớ suốt đời. Vào năm 1995, một số đối tượng đến địa phương phường phố Huế, mang theo súng K54 với mục đích đến đòi nợ. Sau khi được người dân báo tin, ông lập tức đến tiếp cận. Nhìn đối tượng lên đạn súng và dắt sau lưng, ông định báo công an phường nhưng thấy chúng đứng dậy trả tiền nước, nên bất chấp nguy hiểm, ông nhảy vào bẻ tay đối tượng, khi đó trong súng đối tượng có 6 viên đạn, 1 viên đã nên nòng.

Nhiều năm công tác trong nhiệm vụ trên, ông Hải cũng không nhớ hết mình cùng đồng đội đã phá bao nhiêu vụ án. Ông tâm niệm, săn bắt cướp đem lại sự yên bình cho nhân dân là nhiệm vụ của tất cả mọi người, nên nhiều khi ông ít ghi chép lại những thông tin liên quan đến những vụ án mình cùng đồng đội đã phá được.

Âm thầm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân phải nói đến ông Đỗ Văn Yên (phường Kim Liên, quận Đống Đa). Năm nay đã 68 tuổi với thâm niên 16 năm làm công việc bảo vệ trật tự trị an ở địa phương. Từ những vụ cướp túi xách, giật dây chuyền, ăn cắp xe máy đến trấn lột, bẻ khóa, ông Yên đều đã đối mặt. Nhiều đối tượng cộm cán từng bị lão “hiệp sĩ” bắt hai lần và dẫn thẳng vào đồn công an.

"HIệp sĩ" Nguyễn Văn Hùng

Vì bình yên cuộc sống

Vì bảo vệ sự bình yên cho người dân, kiên quyết đấu tranh với tội phạm, nhiều hiệp sĩ săn bắt cướp tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã gặp nhiều hiểm nguy đến tính mạng. Ngay tại Hà Nội vừa qua, trường hợp anh Phạm Văn Chính (SN 1985, quê ở Đồng Phú, Chương Mỹ), làm thợ xây tự do, nghe tiếng tri hô, đuổi theo bọn trộm, bị chúng dùng súng sát hại. Nói về vấn đề này, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đấu tranh với tội phạm luôn là cuộc đấu tranh nguy hiểm nhất, nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc. Bà nhà tôi rất nhiều lần khuyên tôi không nên làm nữa, nhưng với phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, tôi nghĩ mình còn sức thì sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ sự bình yên cho người dân.

Trong khi đó, “hiệp sĩ” Hải cho biết: Dù hiểm nguy thật nhưng đây là nhiệm vụ của mỗi người dân, chúng tôi sẽ kiên quyết đấu tranh đến cùng dù có hy sinh xương máu, các anh em trong đội chỉ được hưởng chế độ theo Nghị định 38/NĐ-CP nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ sự bình yên cho xã hội là hạnh phúc lớn nhất đời của tôi”.

Bản thân “hiệp sĩ” Đỗ Văn Yên, trong một vụ bắt bọn trộm cắp xe máy cách đây hơn chục năm, đã bị đối tượng đâm nhiều nhát vào bụng và nguy hiểm tới tính mạng, phải nằm viện hơn nửa tháng. Nhiều người đã khuyên ông nên nghỉ việc nhưng ông luôn quan niệm, “Mình vốn là lính, có chính nghĩa và được quần chúng nhân dân ủng hộ nên chẳng sợ gì mấy tên trộm cướp, dù nhiều lần bị bọn chúng dọa trả thù”.

Người dân thủ đô Hà Nội, khi đi ra ngoài đường đã cảm thấy yên tâm, nhiều khi xã hội có những con người quả cảm, dám xả thân, bất chấp hiểm nguy để săn bắt cướp, đấu tranh với tội phạm. Họ là những “hiệp sĩ” trong đời thường nhưng đã là tấm gương để nhiều người khác học tập theo.

Thời gian tới, mô hình “hiệp sĩ đường phố” sẽ được nhân rộng tại thủ đô và khi đó người dân thủ đô sẽ thực sự cảm thấy bình yên vì họ đã được bảo vệ bởi những “bông hoa lửa” giàu nhiệt huyết.

Ninh Thiên