Vừa qua tháng ngâu, người giàu nhất Việt Nam có ngay 4.500 tỷ đồng
Phiên giao dịch sáng 10/9 (mùng 1 tháng Tám âm lịch), ngay sau khi vừa qua tháng Bảy âm lịch (dân gian vẫn gọi là tháng ngâu hay tháng cô hồn), thị trường chứng khoán đã cho thấy những dấu hiệu khá tích cực. Hai chỉ số đều tăng điểm dù trên sàn số mã giảm vẫn còn tương đối lớn.
Trên sàn HSX, bất chấp số mã giảm đang nhiều hơn số mã tăng (128 mã giảm, 120 mã tăng), song VN-Index vẫn đạt được mức tăng 5,24 điểm tương ứng 0,54% lên 974,14 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,04% lên 111,74 điểm dù vẫn có tới 67 mã giảm giá so với 53 mã tăng giá.
Thanh khoản đạt khá với khối lượng giao dịch đạt 97,9 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 1.784,33 tỷ đồng. HNX cũng có hơn 23 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 256,34 tỷ đồng.
Điểm chung phiên sáng nay trên cả hai sàn chính thức đó là tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, chỉ số được kéo lên chủ yếu nhờ vào sự dẫn dắt của các mã vốn hóa lớn.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng được Forbes định giá tới 6,4 tỷ USD (ảnh: Forbes) |
Cụ thể, trong mức tăng của VN-Index, VIC là có vai trò lớn nhất khi góp vào tới 2,41 điểm. Mã này sáng nay tăng 2.400 đồng tương ứng 2,5% lên 99.600 đồng cổ phiếu. Tuần trước, VIC đã giảm tới 4 phiên liên tục từ 4/9 đến 7/9, tổng mức giảm tới 6.200 đồng mỗi cổ phiếu và đánh mất mốc 100.000 đồng.
Nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu trong sáng nay, Chủ tịch Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng lập tức đã có thêm 4.476,4 tỷ đồng tài sản (riêng giá trị tài sản cổ phiếu mà ông Vượng sở hữu trực tiếp tăng 2.102,4 tỷ đồng).
Ông Phạm Nhật Vượng hiện đang là người giàu nhất Việt Nam với khối lượng tài sản theo thống kê của tạp chí Forbes là 6,4 tỷ USD, xếp thứ 255 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Ngoài ra, trong sáng nay, GAS, PLX, BVH, VNM, VCB, BID… tăng giá cũng đã mang đến cho VN-Index sự hỗ trợ đáng kể. Trong đó, GAS tăng 1.600 đồng góp cho chỉ số 0,96 điểm và PLX tăng 2.100 đồng, góp vào 0,89 điểm cho chỉ số chung.
Cổ phiếu STB của Sacombank có một phiên giao dịch bùng nổ. Mã này tăng mạnh 4% lên 11.750 đồng/cổ phiếu và đang khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Hiện khối lượng khớp tại mã này đã là gần 14,5 triệu đơn vị.
STB hồi phục trong bối cảnh Sacombank đang ráo riết xử lý nợ xấu với việc thanh lý một loạt bất động sản để xử lý nợ. Có tới 4 khối bất động sản được ngân hàng này rao bán để thu hồi nợ, giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sacombank cho biết đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 4,28% hồi đầu năm xuống còn 3,3% cuối tháng 6/2018 và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.
Trở lại với thị trường chứng khoán, ở chiều ngược lại, những mã đang kìm hãm chỉ số là MSN, NVL, SAB, TCH, VPB. HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục mất thêm 2,4% sau phiên giảm sàn cuối tuần trước.
Trên HNX, SHB và PVS đang giữ vai trò dẫn dắt. Ngoài ra, HHC, OCH, CTX, PVX tăng trần cũng đã có tác động rất tích cực lên chỉ số. Trong đó, PVX đang được khớp lệnh rất mạnh, hơn 3,8 triệu cổ phiếu, không hề có dư bán.
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau 7 tuần tăng điểm liên tiếp trước đó, tuần vừa qua, VN Index đã điều chỉnh giảm khá mạnh đồng thời đánh mất mốc 1.000 điểm. VCBS cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung leo thang vẫn là quan ngại lớn nhất trên thị trường tại thời điểm này và ảnh hưởng đáng kể đến chuyển động của dòng tiền trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, phản ứng hiện tại của dòng tiền thiên nhiều hơn về xu hướng thận trọng và hoài nghi hơn là phản ứng mang tính hoảng loạn tiêu cực.
Cho đến hiện tại, VCBS vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm rằng thị trường vẫn đang dao động tích lũy trong quá trình các biến động kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dần được phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu.
Theo đó, có khả năng sẽ có sự phân hóa nhất định trên thị trường khi dòng tiền chuyển sự chú ý về lại nhóm doanh nghiệp tăng trưởng hoặc một số doanh nghiệp đã tái cấu trúc thành công và vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, cả nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn vẫn được khuyến nghị cần ưu tiên việc quản trị rủi ro hơn là tìm kiếm lợi nhuận, cụ thể là xem xét cả yếu tố cơ bản của mỗi cổ phiếu cũng như biến động dòng tiền trước khi ra quyết định đầu tư hoặc cơ cấu lại danh mục.
Theo Dân trí