Vũ khí năng lượng trong bối cảnh xung đột quân sự
Thuật ngữ “vũ khí năng lượng” đang bị lạm dụng khá nhiều hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thường cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng. Chính giới Mỹ thường xuyên bày tỏ lo ngại rằng, châu Âu sẽ không thể phản ứng hiệu quả trước hành động gây hấn của Nga do Liên minh châu Âu phụ thuộc lớn vào những nguồn cung năng lượng của nước này. Và khi sản lượng dầu thô và khí đốt của Mỹ bắt đầu tăng lên, giới thị trường tin rằng, Mỹ có thể chống lại vũ khí năng lượng của Nga. Sau một tháng xảy ra chiến sự tại Ukraine, các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS có trụ sở tại Mỹ đã đưa ra những nhận định liên quan đến vũ khí năng lượng.
Nhận định đầu tiên là Nga đã không cắt nguồn cung khí đốt thiên nhiên đến châu Âu trong thời gian chiến sự, cũng như không nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây, mà thậm chí xuất khẩu khí đốt từ Nga đã tăng lên kể từ khi xảy ra xung đột quân sự. Một số quan điểm cho rằng, Nga đang rất cần tiền. Nhưng nếu đúng thì trong những điều kiện nào thì Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu và việc cắt khí đốt có phải là bước đường cùng? Tuy nhiên, quan điểm trên khá mâu thuẫn với việc Nga tiến hành vũ khí hóa năng lượng để cắt nguồn cung đến châu Âu trong năm 2021. Nếu chính quyền Nga chủ động giảm xuất khẩu khí đốt để gây ra một cuộc khủng hoảng và gây áp lực đối với EU trong vấn đề Ukraine thì tại sao nước này là tăng nguồn cung cho châu Âu vào thời điểm này.
Thực tế cho thấy, dòng khí đốt của Nga đến châu Âu vẫn ổn định. Đúng là phía Nga có thể cắt nguồn cung khí bất cứ lúc nào, nhưng một hành động như vậy sẽ bị coi là động thái gây chiến tranh đối với EU. Nó sẽ khiến các thành viên EU đoàn kết hơn nữa và xích lại gần hơn với Ukraine. Hành động cắt nguồn cung khí đốt cũng dễ gây phản tác dụng. Trong thời chiến không thể tránh khỏi những tính toán sai lầm và không có gì lường trước được. Tuy nhiên, ít nhất là giữa các chính phủ vẫn sẵn sàng tiếp tục giao dịch khí đốt bất chấp những điều kiện chiến tranh để tránh một cuộc khủng hoảng.
Mối lo ngại rằng, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga sẽ làm “loãng” phản ứng của họ trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine được cho là không có cơ sở. Việc giảm mức độ phụ thuộc năng lượng vào Nga đã trở thành mối quan tâm của chính giới Mỹ và EU từ những năm 1950. Các chuyên gia của CSIS đánh giá, loạt biện pháp cấm vận của EU vừa qua nhằm vào Nga là táo bạo. Công bằng mà nói, mức độ phản ứng mạnh mẽ của EU vừa qua đối với tình hình Ukraine là điều đáng ngạc nhiên. EU chưa bao giờ hành động quyết đoán như vậy trước mối đe dọa từ bên ngoài. Liên minh đã vượt qua ngưỡng “nỗi sợ” mất năng lượng từ Nga.
Nhận định đáng chú ý thứ hai là phản ứng gây bất ngờ của các công ty, nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tại Nga. Nhiều tập đoàn, công ty đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Nga, thông báo kế hoạch rời khỏi thị trường Nga và từ chối mua năng lượng từ nước này. Thông thường, chỉ các chính phủ phương Tây đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại trong tình huống này. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp đã hưởng ứng vượt ngoài mong đợi của các nước phương Tây. Việc giới doanh nghiệp chủ động cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga là một khía cạnh không lường trước được đối với việc vũ khí hóa năng lượng. Nó được thúc đẩy mạnh mẽ bởi giới truyền thông và các bên liên quan khác.
Áp lực dư luận về tẩy chay, cấm năng lượng Nga đang làm phức tạp thêm chính sách của chính giới phương Tây. Các chính phủ phương Tây đã cố gắng tách lĩnh vực năng lượng khỏi các lệnh trừng phạt. Chính quyền Mỹ đã phải chống chọi với sự phẫn nộ của công chúng và phải tuyên bố cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga. Những lời kêu gọi bài Nga cũng đang nhanh chóng gây áp lực lên các chính phủ châu Âu. Ít ai có thể hình dung được rằng, chính châu Âu chứ không phải Nga có thể cấm nhập khẩu năng lượng từ nước này.
Ý tưởng về áp dụng vũ khí năng lượng trong bối cảnh xung đột quân sự là thực sự khó khăn. Giới chức Ukraine muốn Đức đóng đường ống khí đốt Nord Stream, buộc Nga phải xuất khẩu khí đốt đến châu Âu thông qua Ukraine. Chính quyền nước này luôn tin rằng, việc trở thành một hành lang trung chuyển chính cho phép Ukraine an toàn trước sự đe dọa tấn công của Nga hoặc châu Âu sẽ ra tay bảo vệ. Thật khó để đánh giá tính hiệu quả của lập luận trên, nhất là khi xung đột đang diễn ra và châu Âu đang ủng hộ Ukraine. Nhưng nó cho thấy sự cần thiết phải xây dựng thêm những mối liên hệ phức tạp hơn giữa năng lượng và các nỗ lực chiến tranh.
Tác động qua lại giữa doanh thu xuất khẩu khí đốt và chiến tranh cũng rất phức tạp. Chắc chắn, nguồn thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt đã hỗ trợ nền kinh tế Nga và cho phép nước này duy trì những lực lượng quân sự hiện đang chiến đấu ở Ukraine. Tương tự, các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây chắc chắn đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga, khiến Nga tổn thất nhiều chi phí hơn so với những dự tính ban đầu của giới lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt năng lượng thì chưa rõ ràng.
Nhận định thứ ba mà các chuyên gia CSIS đề cập tới là khái niệm “độc lập về năng lượng” và khả năng Mỹ chống lại vũ khí năng lượng của Nga bằng nguồn cung của chính mình. Sự độc lập năng lượng của Mỹ được giới thị trường hiểu rằng, Mỹ là một nước xuất khẩu ròng năng lượng. Tuy nhiên, một nhà xuất khẩu ròng năng lượng không có nghĩa là cách ly hoàn toàn khỏi những cú sốc của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đang gây áp lực nhiều hơn đến chính quyền Mỹ nhằm tăng sản lượng khai thác dầu trong nước để tránh những cú sốc mới về giá dầu.
Tình huống tương tự cũng xảy ra đối với lĩnh vực khí đốt. Nguồn LNG của Mỹ được đánh giá là không thể thiếu đối với an ninh năng lượng của châu Âu. Trong nhiều tháng, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu của châu Âu và nguồn cung từ Mỹ đã giúp EU vượt qua một mùa đông khó khăn. Nhưng điều quan trọng trong cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ là quy mô mà còn là công suất dự phòng và Mỹ chưa đáp ứng được điều đó. Mỹ có thể là một phần của giải pháp cho an ninh năng lượng của EU vì nước này có thể gia tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu trong những năm tới, nhưng khi và chỉ khi giới lãnh đạo châu Âu sẵn sàng ký kết một thỏa thuận dài hạn với chính quyền Mỹ.
Sau một tháng, chiến sự ở Ukraine đã cung cấp thêm góc nhìn bổ sung và định hình lại ý tưởng cốt lõi xung quanh việc sử dụng năng lượng làm vũ khí. Cuộc chiến đã cho thấy, cuộc thảo luận công khai về vũ khí năng lượng đang trái với những gì thế giới đang chứng kiến. Vẫn còn quá sớm để rút ra những kết luận về ý nghĩa của việc sử dụng năng lượng như một loại vũ khí, song những suy luận cũ đã không còn phù hợp với những gì diễn ra trong cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine lúc này.
Tiến Thắng
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ