Vụ cướp Ngân hàng hoàn hảo nhất nước Mỹ (Phần 8)
Vụ án đã được giải mã
Ngày hôm sau, 2-6-1956, gã rời Massachusetts với 4.750 USD và bắt đầu đi “đổi”. Gã đến Baltimo vào sáng 3-6 rồi bị cảnh sát ở đây bắt giữ vào buổi tối cùng ngày.
Nội dung những lời khai báo trên đã được chuyển ngay tới Cơ quan FBI ở Boston. John "béo" và người bạn của gã lưu manh bị bắt và bị đưa đến trụ sở FBI để xét hỏi vào sáng 4-6-1956. Cả hai đều khai không biết gì về số tiền vừa được phát hiện.
Một bọc tiền mục nát lấy từ thùng làm lạnh |
Tuy nhiên, dựa vào lời khai nói trên về việc John "béo" cấp tiền và cho biết số tiền ấy là tiền cướp được trong vụ cướp Ngân hàng Brink, một cuộc khám xét được triển khai từ Boston tới văn phòng mà 3 gã đàn ông nói trên hiện đang sử dụng trên đường Tremont.
Tại văn phòng của John "béo", lực lượng khám xét đã phát hiện tấm bảng gỗ trên tường như mô tả của gã lưu manh ở Boston. Khi tấm bảng này được gỡ đi, một thùng như thùng làm lạnh dành cho các cuộc picnic lộ ra. Chiếc thùng chứa 57.000 USD, trong đó có đến 51.906 USD là tiền trong vụ cướp ngân hàng Brink.
Việc phát hiện số lượng lớn tiền trong vụ cướp ngân hàng nói trên đã dẫn đến việc bắt giữ John "béo" và người bạn làm ăn của gã lưu manh ở Boston, kẻ đã bị bắt trước đó ở Baltimore. Hai kẻ mới bị bắt này không chịu khai báo gì sau khi bị bắt giữ.
Vào ngày 5 và 7-6-1956, Bồi thẩm đoàn ở Suffolk đã đưa ra cáo trạng buộc tội 3 gã đàn ông liên quan đến chứa chấp và tiêu thụ tiền bị cướp trong vụ Ngân hàng Brink. Vào tháng 11-1956, John "béo" bị tuyên phạt 2 năm tù giam, 2 đối tượng còn lại bị phạt 1 năm tù giam.
Các thành viên của băng cướp đều bị bắt |
FBI cũng đã xác định được người thợ đã sửa đổi bức tường văn phòng của John "béo" thành nơi giấu tiền. Người này cho biết anh ta sửa lại văn phòng vào đầu tháng 4-1956 theo chỉ dẫn của John "béo". Vào thời gian này, số tiền nói trên chưa được cất giấu tại đây.
Vì các tờ tiền trong chiếc thùng nói trên có mức độ phân hủy khác nhau nên rất khó thực hiện một phân tích chính xác. Một số tiền trong đó đã tan thành các mảnh nhỏ. Một số khác thì tan trong lúc được cầm lên.
Các kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm của FBI về độ phân hủy, độ đổi màu và độ xỉn cho thấy toàn bộ số tiền trên đều bị ngâm nước và đã bị hư hại trước khi được gói vào giấy báo. Có dấu hiệu cho thấy số tiền này từng được để trong một thùng làm bằng vải bạt và được chôn dưới lớp đất đầy cát và tro tàn. Đất và côn trùng đã để lại vết tích trên các tờ tiền đã cho thấy điều đó.
Nhân viên ngân hàng Brink |
Dù đã phát hiện số tiền nói trên ở Baltimore và Boston nhưng vẫn còn 1.150.000 USD bị mất trong vụ cướp ngân hàng Brink chưa tìm ra.
Cái chết bất ngờ của Gusciora – phiên tòa xét xử
Việc phát hiện số tiền nói trên là cú đòn mạnh giáng vào các thành viên nhóm cướp đang chờ đợi án tù ở Boston. Chúng day dứt với câu hỏi rằng liệu mỗi dấu vết về khoản tiền bị cướp được phát hiện có cho thấy rõ hơn hành vi của chúng trong vụ cướp Ngân hàng Brink?
Vào tháng 7-1956, một sự kiện có tính bước ngoặt đã xảy ra. Stanley Gusciora, một đối tượng tình nghi quan trọng được chuyển từ nhà tù ở Pennsylvania tới Massachusetts để thụ án đã phải vào viện để chữa trị chứng chóng mặt và nôn mửa.
Vào chiều 9-7, một mục sư tới thăm y trong viện. Trong thời gian thăm viếng, Gusciora đột nhiên đứng lên khỏi giường rồi trượt chân ngã, đập đầu xuống sàn nhà, khoảng 2 tiếng đồng hồ sau thì tắt thở. Kết quả khám nghiệm nguyên nhân chết của y cho biết y bị u và phù não cấp tính.
O'Keefe và Gusciora từng là bạn và có mối quan hệ gần gũi trong nhiều năm. Khi O'Keefe thú nhận vai trò của mình trong vụ cướp Ngân hàng Brink với nhân viên đặc biệt FBI vào tháng 1-1956, y cũng đã khai sơ bộ về mối quan hệ này.
Vì là một nhân chứng về vụ cướp y phải miễn cưỡng khai ra những điều bất lợi đối với Gusciora và đó là điều mà O'Keefe không muốn. Nay bạn của O'Keefe - Gusciora đã chết thì không còn lý do gì buộc O'Keefe phải giữ kín mọi chuyện trong lòng và y đã công bố mọi sự thật về vụ cướp ngân hàng Brink.
Sau cái chết của Gusciora, chỉ còn 8 thành viên của nhóm cướp ngân hàng Brink phải hầu tòa. Phiên tòa xét xử chính thức mở vào ngày 7-8-1956. 8 tên bị tuyên án vào tối 9-10-1956 gồm Pino, Costa, Maffie, Geagan, Faherty, Richardson và Baker với mức án tù chung thân cho mỗi tên. McGinnis tuy không có mặt tại hiện trường vụ cướp nhưng vẫn bị phạt tù chung thân vì là kẻ đồng lõa và liên quan đến vụ cướp. Ngoài ra, bọn cướp còn phải chịu nhiều hình thức phạt khác.
Vào ngày 16-11-1959, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đề nghị xét xử lại vụ án./.
Hòa Thu
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo