Vụ bé trai tử vong do sặc cháo: Cơ sở giữ trẻ hoạt động "chui"
>> Bé trai 15 tháng tuổi chết tại nhà trẻ vì sặc cháo
Hoạt động trái phép
Khoảng 4h chiều ngày 13/11, cháu Phạm Bảo Hân (SN 2013) con trai của vợ chồng anh Phạm Tấn Đô và chị Nguyễn Thị Bình (trú thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) gửi ở cơ sở này bất ngờ tử vong.
Sáng ngày 14/11, ông Nguyễn Thọ Pha, phó chủ tịch UBND phường An Sơn cho biết: “Cơ sở giữ trẻ Hồng Hà do bà Hạnh làm chủ chưa được UBND phường An Sơn cấp phép hoạt động, như vậy đây là cơ sở hoạt động nhận giữ trẻ trái phép”.
Cơ sở giữ trẻ Hồng Hà
Ông Pha cho biết, cơ sở này bắt đầu hoạt động trái phép từ đầu tháng 3/2014. Phát hiện việc này, nên ngày 13/3/2014, UBND phường An Sơn phối hợp với Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ kiểm tra tại cơ sở giữ trẻ Hồng Hà. Khi kiểm tra có 15 trẻ đang được giữ bán trú. Cơ sở chưa có đồ dùng dạy học, nhưng vẫn có trang trí như lớp dạy mầm non. Đoàn kết luận là chưa có hồ sơ dạy trẻ. Riêng về phòng ngủ dành cho trẻ, cơ sở dùng chung phòng học 30m2 để cho trẻ ngủ. Chưa có giấy chứng nhận bếp ăn, chưa có đầy đủ đồ dùng cá nhân cho trẻ, chưa có bình phòng cháy chữa cháy, chưa có bàn cho trẻ ăn.
Tuy nhiên, sau đó cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động tiếp nhận giữ trẻ trái phép. Và đến ngày 31/7/2014, UBND phường An Sơn cùng với Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ tiến hành kiểm tra lần nữa, nhưng vẫn không thấy xử lý gì hết.
Đến ngày, ngày 7/10/2014, chủ cơ sở này là Mai Thị Tố Hạnh đã làm đề án thành lập nhóm trẻ gia đình Hồng Hà kèm đơn xin đăng ký mở nhóm trẻ gia đình gửi cho Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ và UBND phường An Sơn. Bà Hạnh viết trong đơn cam kết: “Tôi làm đơn này kính trình lên Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ và UBND phường An Sơn cho phép tôi được đăng ký mở lớp nhóm trẻ gia đình tại khối phố 7, phường An Sơn nhằm cải thiện đời sống và góp phần nuôi dưỡng mầm non cho tương lai. Cam kết thực hiện đúng theo chương trình chăm sóc giáo dục nuôi dưỡng theo chương trình đổi mới của Bộ GD-ĐT; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thức ăn khi chế biến thực phẩm; đảm bảo an toàn không để xảy ra tai nạn với trẻ. Nếu có gì xảy ra tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Gia đình cháu Hân làm việc với báo chí.
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ xin thành lập mở nhóm trẻ gia đình Hồng Hà, cùng ngày 7/10/2014, ông Nguyễn Thọ Pha, Phó chủ tịch UBND phường An Sơn đã ký công văn số 81 gửi cho Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ đề nghị xem xét, tổ chức kiểm tra để cấp phép cho cơ sở này hoạt động.
Ngày 11/11/2014, Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ có công văn số 925 gửi cho UBND phường An Sơn, trong đó đồng đề nghị UBND phường An Sơn xem xét cấp phép thành lập cho cơ sở Hồng Hà. Tuy nhiên, công văn số 925 của Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ gửi xuống đến chiều ngày hôm qua (13/11), UBND phường An Sơn mới nhận được.
Sai nghiêm trọng
Cơ sở giữ trẻ Hồng Hà hoạt động trái phép liên tục từ đầu tháng 3/2014 đến ngày 13/11/2014 qua kiểm tra nhiều lần của UBND phường An Sơn và Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ mà không đình chỉ dẫn đến hậu quả đau lòng.
Ông Nguyễn Thọ Pha cho biết: “Hiện tại trên phường An Sơn có 12 cơ sở giữ trẻ tại nhà, nhưng đến nay chỉ có 7 cơ sở được UBND phường cấp phép hoạt động, còn lại 5 cơ sở chưa được cấp phép hoạt động mà vẫn giữ trẻ trái phép. Sau sự việc này, phường sẽ cho kiểm tra và đình chỉ ngay lập tức tất cả 5 cơ sở trái phép này, trong đó có cơ sở Hồng Hà”.
Đơn xin thành lập lớp mầm non tu thực của bà Hạnh.
Điều ngạc nhiên là, cơ sở giữ trẻ Hồng Hà đã cho dựng tấm bảng trước ngôi nhà của mình ghi là “Trường mầm non” để giữ trẻ trái phép nhằm đánh lừa dư luận. Về việc này, ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ nói: “Phòng đã cho kiểm tra nhiều lần đã cấm giữ trẻ nữa, nhưng cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động là sai. Còn việc treo tấm bảng ghi là “Trường mầm non” là càng sai hơn, nếu được cấp phép hoạt động mới được gọi là nhóm giữ trẻ lớp mầm non thôi”.
Có điều ai cũng biết đó là cơ sở này chỉ cách trụ sở UBND phường An Sơn có khoảng 500m, nhưng không hiểu sao nó vẫn tiếp nhận trẻ để giữ chăm sóc trái phép thường xuyên diễn ra trong thời gian dài mà không bị cấm hẳn. Bà Huỳnh Thị Ngọc Mỹ, cán bộ xã hội của UBND phường An Sơn, là thành viên trong đoàn kiểm tra cơ sở Hồng Hà 2 lần nói: “Tôi thấy cơ sở này giữ trẻ rất tốt và chăm sóc trẻ tốt nữa, cơ sở cũng khang trang. Người dân ai cũng yên tâm khi gửi con tại đây, tôi cũng có gửi con nhỏ tại cơ sở này lâu nay. Nhưng do không may nên mới xảy ra chuyện này”.
Ông Nguyễn Tấn (71 tuổi), ông ngoại của cháu Bảo Hân bức xúc: “Cháu tôi chết rất oan ức, làm gia đình không thỏa mãn. Gia đình yêu cầu cơ quan chức năng và công an phải làm rõ hành vi của chủ cơ sở giữ trẻ Hồng Hà là có giấy phép chưa mà tiếp nhận giữ trẻ. Đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương và Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ kiểm tra, phát hiện như thế nào mà để một cơ sở như vậy vẫn tồn tại khi chưa có giấy phép hoạt động”.
Ông ngoại cháu Hân nói thêm: “Cô Hạnh cho cháu tôi ăn cơm chứ không phải ăn cháo vì khi bồng cháu về nhà lo hậu sự thì vẫn còn thấy cơm dính trong mũi cháu nhiều. Vậy là cháu tôi bị sặc cơm”.
Gia đình anh Đô cũng bức xúc là từ cơ sở này đến Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ và Trạm Y tế phường An Sơn khoảng vài trăm mét sao không đưa ngay đến các nơi này để cấp cứu.
Sáng nay, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ, lãnh đạo phường An Sơn đã tới thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng gia đình anh Phạm Tấn Đô. Được biết, khi vụ việc xảy ra, tại cơ sở này có 2 phụ nữ hiện đã được cơ quan công an mời lên làm việc, lấy lời khai phục vụ cho công tác điều tra.
Gia đình nạn nhân không yêu cầu mổ pháp y nên Công an TP Tam Kỳ không tiến hành.
Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, xử lý đúng pháp luật.
Phú Đông
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo