Việt Nam thuộc 22 quốc gia có người nhiễm bệnh lao cao nhất thế giới
Chiều 20/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động phòng chống lao năm 2013 và phương hướng kế hoạch năm 2014.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013 có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao và 1,3 triệu người tử vong do lao. Trong khi, lao là một bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng thì Việt Nam lại đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.
Trước tình hình dịch tễ lao kháng thuốc có diễn biến phức tạp xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, Ban hoạt động phòng chống lao quốc gia của Việt Nam những năm qua đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa nguy cơ lây lan của căn bệnh này.
Bệnh nhân điều trị lao
Báo cáo tình hình hoạt động phòng chống lao quốc gia năm 2013, TS.Nguyễn Đức Chính, đại diện Ban điều hành Phòng chống lao quốc gia cho hay: Chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% quận, huyện và 100% xã, phường trong cả nước. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận và bảo vệ đạt 100%. Đặc biệt, số bệnh nhân phát hiện lao dương tính mới giảm trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm lao hằng năm vẫn đáng lo ngại.
Vậy nên, mục tiêu kiểm soát bệnh lao là một trong những nhiệm vụ trọng yếu mà Việt Nam cam kết với cộng đồng thế giới. Theo đó, tới năm 2015, Việt Nam phấn đấu giản 50% số bệnh nhân mắc và tử vong do bệnh lao so với năm 2000. Cụ thể, đến hết 2015 phấn đấu giảm số người mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 187/100.000 người, giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người/100.000 người.
Theo đó thì những mục tiêu và giải pháp được đưa ra trong chiến dịch phòng chống lao năm 2014 sẽ mang tính toàn diện và đột phá bằng cách: Rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn công tác phòng chống bệnh lao; Tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao; chủ động vận động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực và trên thế giới để cùng giải quyết vấn đề phát hiện, điều trị và lan truyền bệnh lao qua biên giới cũng như các đối tượng dị biến; nghiên cứu xây dựng kế hoặc nhằm nâng cao năng lực giám sát dịch tễ bệnh cũng như tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bệnh lao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng: Là một căn bệnh nguy hiểm, nước ta lại là một trong những nước có gánh nặng về lao lớn nhất thế giới nên nhiệm vụ đặt ra càng bức thiết hơn. Hiện Bộ Y tế đã vạch ra những phương hướng nhằm giảm thiểu một cách tối đa số bệnh nhân nhiễm lao. Chương trình phòng chống lao quốc gia mới cũng đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể, bằng những hành động thiết thực để khắc phục phòng chống lao trong thời gian tới. Tất nhiên, điều này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ Y tế với các bộ, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần có sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, nhất là quỹ toàn cầu. Những năm qua, các tổ chức y tế thế giới vẫn sát cánh và giúp chúng ta rất nhiều.
Được biết, năm 2014 kinh phí và số lượng thuốc dành cho công tác phòng chống và điều trị lao ở Việt Nam khá khan hiếm. Trong khi nhiều khó khăn và thách thức đang phải đối mặt như sự kỳ thị với bệnh lao trong cộng đồng vẫn còn, cộng với ý thức tự phòng chống, điều trị bệnh lao của nhân dân chưa cao. Vậy nên, mục tiêu hướng tới “không còn bệnh lao” còn là cả quá trình, cần có sự cải tổ trong suy nghĩ của người dân về bệnh lao và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Huy An
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam