Việt Nam quá tham vọng trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô?
Theo GS James Riedel – Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ), có quá nhiều mục tiêu trong chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đó là những mục tiêu không thể nào thực hiện được cùng một lúc (bộ ba bất khả thi): tỉ giá hối đoái ổn định, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế cao. Tham vọng với quá nhiều chỉ tiêu sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định nền kinh tế.
TS Phạm Đỗ Chí – Nguyên chuyên viên cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng: Trong các chỉ tiêu kinh tế Chính phủ đề ra cho năm 2012 thì lạm phát hơi thấp quá (dưới 10%) và tăng trưởng kinh tế 6% là hơi cao. Chỉ tiêu này, có thể không đồng bộ với tình trạng hiện thời, nhất là chính sách tài khóa có thể dẫn đến một tỉ lệ lạm phát cao hơn dự báo.
Trong những tháng đầu năm nay, lạm phát có giảm so với cùng kỳ, nhưng chưa thể khẳng định được thành công của các biện pháp kiềm chế lạm phát vì các yếu tố tiềm ẩn làm lạm phát tăng cao vẫn tồn tại: lãi suất cao, tín dụng còn thắt chặt, thâm hụt nợ công tăng trong khi tính thanh khoản giảm, áp lực mất giá đồng tiền còn mạnh.
Tái cấu trúc là một trong những biện pháp được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhằm đạt đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn. Tuy nhiên, tái cấu trúc như thế nào vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh luận.
Quan điểm của các chuyên gia kinh tế thì tái cấu trúc là thay đổi cơ cấu của đầu ra, thu nhập, công ăn việc làm. Đó là giải phóng các nguồn lực trong nền kinh tế, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các ngành kinh tế và loại bỏ những bóp méo, rào cản của nền kinh tế để nguồn lực và tiền được chảy vào các dự án có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, theo nhận định GS James Riedel thì: hiện nay, mục đích trong tái cấu trúc của Chính phủ Việt Nam là giúp cho các doanh nghiệp nhà nước từ lỗ sang lời, tái cấu trúc ngành ngân hàng để đảm bảo khả năng chi trả của ngân hàng. Những điều đó, không thể hiện được đầy đủ tính chất của việc tái cấu trúc, vì đó chỉ là những công cụ vi mô áp dụng cho một ngành, một lĩnh vực riêng biệt. Nó không trả lời được câu hỏi, nguồn lực rót vào doanh nghiệp Nhà nước là hợp lý chưa hoặc có nên phân bổ nguồn lực đó cho các lĩnh vực hiệu quả hơn. Phân bổ nguồn lực không hợp lý, không rót vào đúng vào những nơi có hiệu quả nhất nên đầu tư công không hiệu quả.
Còn theo TS Phạm Đỗ Chí thì, đối với chính sách tài khóa, cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng doanh nghiệp nhà nước đi vay tiền rồi sau đó Bộ Tài chính phải trả nợ giùm. Ngoài ra, phải thực hiện công khai minh bạch về trách nhiệm giải trình và kiểm soát các nhóm lợi ích. Tái cấu trúc tài chính công cần sớm được triển khai.
Mai Phương
-
9 tháng đầu năm: CPI tăng 3,88%, lạm phát cơ bản tăng 2,69%
-
Quý III/2024: GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
-
Tin tức kinh tế ngày 28/8: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Ấn Độ tăng vọt
-
FED sẽ đảo chiều chính sách vào tháng 9?
-
Nhu cầu yếu, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Trung Quốc không đạt kỳ vọng