Việt Nam đứng trước nhiều thách thức để đón dòng đầu tư mới của Nhật Bản
Tham dự hội thảo có ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cùng các quan khách đến từ Bộ Công thương, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Thời báo Kinh tế Nikkei.
Sau thảm họa kép động đất và sóng thần ngày 11/3 vừa qua, Nhật Bản đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề. Gần 30 nghìn người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế đến hơn 250 tỉ USD. Vấn đề phục hồi và tái thiết kinh tế Nhật Bản sau biến cố là cấp thiết nhưng phục hồi và tái thiết như thế nào mới là điều quan trọng. Nhật Bản đã rất thành công trong việc phục hồi TP Kobe sau trận động đất khủng khiếp năm 1995.
Tuy nhiên, thảm họa động đất và sóng thần vừa rồi chỉ là chuỗi những khó khăn chưa được giải quyết được của Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc đang nỗ lực thoát ra khỏi trì trệ và giảm phát cũng như đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu cuối năm 2008. Sự cố rò rỉ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến cả Nhật Bản và thế giới phải tư duy lại về vai trò của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia.
Dù có chịu thảm họa động đất, sóng thần hay không thì Nhật Bản vẫn chọn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam là thị trường đầu tư trọng tâm của mình. Khu vực này có lợi thế dân số trong độ tuổi lao động đông, giá nhân công rẻ và trọng tâm của kinh tế thế giới đang chuyển dần từ Tây sang Đông khiến châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới ở thời điểm này. Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn: “Luồng FDI của Nhật Bản vào khu vực này chiếm tới 23% tổng đầu tư của Nhật”. Xu hướng đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài khá rõ ràng, bao gồm: đầu tư sản xuất hàng điện tử, xây dựng dân dụng, chuyển giao công nghệ, cho thuê tài chính…
Việt Nam đang là một mắt xích trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất ở châu Á của các công ty Nhật Bản, trở thành nơi cung cấp sản phẩm trở lại Nhật Bản đặc biệt quan trọng. Việt Nam cũng có lợi thế trong việc cung cấp thực phẩm, rau quả tươi cho các vùng ảnh hưởng phóng xạ, địa chỉ du lịch và nghỉ dưỡng chữa bệnh của dân Nhật, đặc biệt là người già. Hơn thế nữa, vị thế địa-kinh tế và địa-chính trị của Việt Nam đang được Nhật Bản xem trọng trong cục diện chính trị và trật tự kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều cho rằng xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ nhanh, mạnh hơn. Thế nhưng, Việt Nam vẫn còn lúng túng và thiếu bước đệm để làm “đẹp mắt” các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo nên tính chủ động cho nền kinh tế, thế nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì ngành này của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Một khía cạnh cũng cần quan tâm hiện nay là cơ cấu xuất nhập khẩu của nước ta đang nghiêng hẳn sang nhập khẩu. Nếu tăng xuất khẩu thì ắt hẳn nhập khẩu cũng tịnh tiến theo bởi các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam đều phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên liệu của nước ngoài cung cấp cho quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ giải quyết được mức chênh của cán cân xuất nhập khẩu.
Và theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Nhật Bản lâu nay đã đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam khá nhiều, trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, điện tử, nhựa… Để ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta thực sự là bước đệm để đón những dòng vốn mạnh vào các ngành công nghệ cao thì Chính phủ và các bộ ban ngành cần xây dựng một chiến lược phát triển cho từng sản phẩm.
Ngoài ra, năng lượng cũng là vấn đề đối tác Nhật Bản quan ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Quy hoạch điện VI thất bại, quy hoạch điện VII mới triển khai, trong khi nguồn vốn huy động để phát triển ngành điện từ nay đến năm 2030 cần 124 tỉ USD, mỗi năm cần gần 7 tỉ USD. Vậy nên, thách thức của Việt Nam là làm sao cung ứng đủ điện cho dân sinh, cho các ngành sản xuất trong nước và đảm bảo cấp điện cho các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật. Điện sạch, điện nguyên tử đang là hướng đi mới nhưng bài học từ quản trị khủng hoảng hạt nhân của Nhật Bản vẫn chưa ráo mực.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng công nghệ điện nguyên tử của nhà máy Fukushima là thế hệ công nghệ thứ 2. Còn thế giới đang phát triển thế hệ công nghệ hạt nhân thứ 3 và 3.5 nên mức độ an toàn cao hơn. Đó không còn là thách thức nữa mà vốn và nhân lực chất lượng cao sẽ là những bài toán cần được giải để phát triển năng lượng cho Việt Nam.
Các học giả cũng đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề đình công của công nhân Việt Nam thời gian qua.
Theo đánh giá của GS.TS Tạ Ngọc Tấn thì việc đình công không chỉ khúc mắc giữa chủ và thợ ở vấn đề tiền lương mà còn vấn đề khác biệt văn hóa. Để giải quyết vấn đề này, hai bên (người thuê và người đi làm thuê) cần tăng cường giao lưu lẫn nhau để thống nhất ý chí.
Nước Nhật đang nỗ lực khôi phục hình ảnh của mình sau thảm họa kép. Và Việt Nam cũng có nhiều thách thức đi kèm những thời cơ.
Đức Chính