Viên gạch nền của Ted Turner
Con đường sự nghiệp
Gốc gác gia đình Turner là nông dân trồng bông ở Mississippi, đã bán hết bất động sản và dọn lên Cincinnati trước khi Ted được sinh ra vào năm 1938. Tại nơi định cư mới, bố Ted làm nghề buôn xe hơi. Khi Thế chiến thứ II nổ ra, bố Ted gia nhập hải quân và mang vợ cùng đứa con gái theo mình đến những điểm đóng quân, để cậu bé Ted 3 tuổi ở lại với bà. Năm 6 tuổi, Ted được đưa vào một trường nội trú và cậu trở nên rất quậy phá, hệt như trường hợp của những đứa trẻ khác khi thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ.
Khi Ted lên 9, ông bố Ed Turner quyết định dời công ty quảng cáo của mình đến Savannah và Ted cũng được đưa về miền Nam, vào Học viện Quân sự Georgia ở Atlanta, nơi chuyên trị những đứa trẻ cứng đầu. Tại môi trường mới, Ted bị bọn học sinh vây vào đánh dằn mặt nhưng cậu không bao giờ van xin tha. Ted đã quá quen với những trận đòn của bố vì tội không chịu đọc hai ngày một quyển sách mới. Năm 11 tuổi, bố của Ted lại chuyển cậu sang một trường quân đội khác, Trường McCallie ở Chattanooga (Tennessee). Vào kỳ hè, Ted được phép về nhà nhưng bị bố rút bớt tiền chu cấp.
Khi vào Đại học Brown, Ted theo ngành văn học cổ điển chứ không phải doanh thương như kỳ vọng của bố. Lúc biết chuyện này, ông Ed Turner đã viết thư than phiền và Ted đã phản ứng bằng cách cho in lá thư lên tờ báo của trường để các sinh viên khác cùng đọc! Những năm ở đại học, Ted lao vào các buổi tiệc tùng. Năm thứ hai đại học, Ted bị hoãn thi vì tội quậy phá tại một ký túc xá nữ ở trường đại học gần đó. Năm thứ ba, hình phạt tương tự lại xảy ra khi Ted vi phạm nội quy nhà trường vì cho sinh viên nữ vào phòng ký túc xá của mình. Ted không bao giờ quay trở lại trường đại học nữa. Với người bạn Peter Dames, Ted đến Miami.
Ted Turner thời điểm thành lập CNN
Không tìm được việc làm, hai người sống vất vưởng trong khu phố thuộc cộng đồng người Cuba. Cuối cùng, Ted xin vào lực lượng tuần dương. Tuy nhiên, khi lang thang trên biển, Ted bỗng muốn trở về làm ăn đàng hoàng trong doanh nghiệp quảng cáo của bố. Một trong những nhân viên bán hàng giỏi nhất của Công ty Turner Advertising (của bố Ted) - Hudson Edwards - đã huấn luyện Ted trong 6 tháng. Ed Turner rất tự hào khi thấy cậu con trai Ted phát triển rất nhanh và ông quyết định cử Ted làm Giám đốc chi nhánh ở Macon (Georgia). Năm 1963, Ted bị sốc khi biết được rằng bố mình có ý định bán công ty. Ý nghĩ này thật ra đã xuất phát từ một người đang mắc bệnh thần kinh. Vào một buổi sáng tháng 3/1963, sau khi dùng bữa điểm tâm, ông Ed buông vài lời khen người đầu bếp, lên lầu vào phòng ngủ, lấy khẩu súng lục 38 li, đặt vào thái dương phải và bóp cò…
Sau khi bố chết, lúc này Ted mới 24 tuổi nhưng cậu quyết định phát triển công ty quảng cáo do bố để lại. Doanh lợi tăng đều hằng tháng nhưng cuối cùng Ted cảm thấy chán hình thức kinh doanh này. Năm 1970, Ted biết được rằng một đài truyền hình ở Atlanta tên Kênh 17 đang gọi người mua. Kênh 17 sử dụng tần số UHF rất yếu đến nỗi tín hiệu không thể đi xa. Không biết gì về lĩnh vực truyền hình nhưng cuối cùng Ted quyết định mua Kênh 17 với giá 2,5 triệu USD, trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Sau khi đổi Kênh 17 lại thành WTCG (Turner Communications Group), Ted dùng công ty quảng cáo của mình để giới thiệu WTCG.
Cách thức làm truyền hình của Ted rất khác thường. Vào các sáng Chủ nhật, khi các kênh truyền hình khác đang phát những thông tin liên quan đến tôn giáo thì WTCG lại chiếu chương trình Academy Award Theater do chính Ted dẫn chương trình. Và vào giờ chiều, khi các đài phát toàn tin tức thì Ted lại cho chiếu bộ phim “Star Trek”. “Tôi ghét tin tức… Tôi chẳng muốn làm bất cứ gì dính dáng đến tin tức” - Ted nói. Khi Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) buộc Ted phải phát 7 tiếng tin tức mỗi tuần, Ted phản ứng bằng cách cho phát tin lúc 3 giờ sáng!
Thành lập CNN
Trong vòng 3 năm, Ted đã thu lợi nhuận đáng kể từ WTCG. Vài năm sau, Ted làm mọi cách để khuếch đại sóng UHF, trong đó có việc dựng các cột tháp chuyển tiếp để có thể phát sóng đến miền quê. Người ta gọi đó là hệ thống “tivi cáp” bởi người đăng ký sử dụng phải kéo cáp từ cột tháp về nhà mình. Năm 1976, Ted ngước mặt lên trời và nhìn thấy một giải pháp có thể xử lý được vấn đề tín hiệu yếu: Vệ tinh RCA. Lúc đó, chỉ mới có Home Box Office (HBO) của Tập đoàn Time Inc là nhìn thấy khả năng của việc truyền trực tiếp tín hiệu vệ tinh cho các hãng truyền hình cáp. Ted tự nhủ công ty mình sẽ là kẻ thứ hai khai thác lĩnh vực này.
Kristie Lu Stout - một trong những gương mặt quen thuộc của truyền hình CNN
Để nhận được tín hiệu, Ted cần có một trạm tiếp sóng ở mặt đất trị giá 750.000USD và giấy phép của FCC. Cả hai điều kiện này đều đạt được và tháng 12/1976, Công ty WTBS (Turner Broadcasting System) ra đời. Thoạt đầu, Công ty WTBS phát triển chậm bởi yếu tố khách quan là truyền hình cáp vẫn còn quá mới mẻ (chỉ khoảng 10.000 hộ dân đăng ký). Tuy nhiên, điểm yếu của UHF đã được khắc phục (trước kia, chỉ truyền được 72km trong điều kiện thời tiết tốt nhưng nay đã có thể phát đến tận Washington). Dần dần, WTBS ngày càng nổi tiếng và thu hút nhiều khách hàng…
Có thể gọi đó là vận may, bản năng hay tầm nhìn xa nhưng bất cứ khi nào người ta khuyên Ted không nên làm thì Ted lại làm, một cách thành công. Ví dụ như mạng tin tức cáp CNN. Ted đã nhìn thấy triển vọng khi nghĩ đến chuyện thành lập một mạng truyền hình cung cấp tin tức 24/24 (Time Inc từng nghĩ đến vấn đề này nhưng tiến hành không thành công). Lúc đó, người ta cho rằng hẳn Ted đã điên khi thành lập CNN vào năm 1980 với chương trình tin tức phát suốt cả ngày lẫn đêm.
Ngày 1/6/1980, trước 300 khách mời ở Atlanta, Ted thuyết phục mọi người rằng CNN sẽ là “thành tựu quan trọng nhất trong biên niên sử ngành báo chí”. Quả thật, CNN bắt đầu gây tiếng vang khi tường thuật tức thì những tin tức nóng hổi như vụ mưu sát Tổng thống Ronald Reagan hay vụ động đất ở San Francisco. Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, CNN đã trưởng thành hẳn, nhất là từ khi tường thuật vụ sụp đổ bức tường Berlin năm 1989. CNN càng nổi tiếng khi được Mikhail Gorbachev cho phép đến Moskva tường thuật vụ đảo chính 1991. Khán giả đã há hốc mồm khi xem trực tiếp cảnh Boris Yeltsin đứng trên chiếc xe tăng thách thức phe đảo chính. Tuy nhiên, phải đến vụ Bão sa mạc ở cuộc chiến Vùng Vịnh 1990 thì CNN mới thật sự vang danh toàn cầu. Tờ Time đã chọn Ted Turner là Nhân vật trong năm 1991.
Năm 1996, Ted khiến giới doanh nghiệp kinh ngạc khi tuyên bố bán CNN cho Time Warner với giá 7,57 tỉ USD và giữ cương vị Phó giám đốc Time Warner. Ông thuyết phục được Chủ tịch Time Warner Gerald Levin cho ông quyền điều hành các chi nhánh cũ của Turner Broadcasting, trong đó có cả HBO và Cinemax. Ảnh hưởng của Ted không chỉ có vậy. Ông chẳng những sa thải hơn 700 nhân viên thừa của Turner Broadcasting mà còn cắt bớt bảng lương của Time Warner, chưa kể chuyện bán bớt những tài sản không cần thiết chẳng hạn các chiếc máy bay của hãng...
Trên thương trường, kẻ thù không đội trời chung với Ted là Rupert Murdoch của Hãng News Corp (gồm Fox Network, Fox Broadcasting Co, 20th Century Fox, Fox Filmed Entertainment, 22 đài truyền hình và hệ thống TV cáp, báo New York Post, The Sun…). Ted Turner có lối nói gây sốc. Tại hội nghị do Hiệp hội Nhân văn Mỹ tổ chức năm 1990, Ted nói: “Thiên Chúa giáo là đạo của những người yếm thế”. Ông không tin vào bất kỳ đạo giáo hay chủ nghĩa nào, “trừ chủ nghĩa nhân văn, khi người ta kính trọng lẫn nhau”. Ted cũng chẳng tôn vinh nước Mỹ và ông đã gọi CNN là dịch vụ tin tức thế giới chứ không mang khuynh hướng nghiêng về Mỹ.
Để cụ thể hóa điều này, ông đã cấm sử dụng từ “ngoại quốc” trong các bản tin của CNN (phạt 100USD cho phát ngôn viên nào sử dụng). Trong cuộc chiến Vùng Vịnh, Ted đã từ chối gọi Iraq là “kẻ thù”. Ted càng làm Chính phủ Mỹ bực mình khi sang Cuba năm 1982 và cùng săn vịt với Chủ tịch Fidel Castro... Một số người trong làng báo Mỹ từng gọi CNN là “Clinton News Network” (Mạng tin tức Clinton), “Communist News Network” (Mạng tin tức cộng sản) hoặc “Clearly Not Neutral” (Rõ ràng (có chính kiến) không trung lập)…
Trong thực tế, CNN không ít lần gây khó chịu cho Washington. Trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1990, 3 phóng viên CNN Bernard Shaw, Peter Arnett và John Holliman đã từ chối thuật lại những gì họ chứng kiến trước đó khi lưu lại Baghdad ở thời điểm Mỹ bắt đầu tấn công Iraq. Ngày 16/8/1997, Chánh điều hành bộ phận tin tức CNN Eason Jordan tặng quà cho lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il. Ngày 10/3/1999, nói chuyện tại Đại học Harvard, Eason Jordan thậm chí nhắc lại lời Chủ tịch Cuba Fidel Castro từng nói với Ted Turner về triển vọng của một kênh truyền hình 24/24 như một khuyến khích, khi ý tưởng thành lập CNN bắt đầu manh nha trong đầu Turner.
Tháng 11/2004, trong hội thảo News Xchange tại Bồ Đào Nha, Eason Jordan lại kể quân đội Mỹ đã bắt và tra tấn nhà báo tại Iraq. Ngày 27/1/2005, Eason Jordan cho biết có 12 nhà báo từng bị quân đội Mỹ giết hại (Jordan sau đó rút lại cáo buộc trên và từ chức khỏi CNN ngày 11/2/2005). Ngày 24/3/2005, trong cuộc phỏng vấn PBS, Chủ tịch CNN Jonathan Klein lại làm thiên hạ cáu giận khi nói khán giả FOX News (đối thủ số một của CNN tại thị trường Mỹ) “hầu hết là dân da trắng có khuynh hướng khoái bạo hành”...
Cách đây không lâu, Ted Turner kể rằng mình từng mơ CNN có thể nắm được vị thế trong lĩnh vực truyền hình theo cách mà tờ New York Times chiếm vị trí thống lĩnh làng báo in ở Mỹ. Một cách nào đó, giấc mơ Ted Turner đã thành hiện thực. Cần nói thêm, không chỉ thành công trong làng báo thế giới, Turner còn nổi tiếng làm từ thiện. Năm 1997, ông từng trở thành đề tài khi tặng Liên Hiệp Quốc 1 tỉ USD!
Mạnh Kim
-
[PetroTimesTV] Ra mắt bản tin truyền hình Công đoàn Dầu khí Việt Nam
-
Truyền thông “thực thực hư hư”
-
[PetroTimesTV] Hội CCB Tập đoàn phát huy truyền thống văn hóa Petrovietnam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
-
[PetroTimesTV] Đẩy mạnh công tác phối hợp truyền thông giữa CĐ DKVN và Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ