Vì sao hàng Việt bị đánh bật khỏi chợ Đồng Xuân?
Hàng Tàu giá rẻ, lãi lớn
Ngày cuối tháng 5 chúng tôi có mặt tại chợ Đồng Xuân. Bước qua cánh cổng vòm phía mặt phố Hàng Đào, ngay trong sảnh chính tầng 1 là các gian hàng bán đồ lưu niệm.
Gian hàng của chị Hoa nằm ở phía tay phải. Dù hẹp nhưng hàng hoá ở đây được bày bán khá phong phú, có thể thấy đủ từ đồ chơi trẻ con, điện thoại, đồng hồ, va ly, cặp sách, bút bi…
Điều thất vọng là dù tìm đỏ mắt cũng không tài nào lần ra một món hàng nhỏ mang mác “made in Vietnam”. Nén tiếng thở dài, tiểu thương này cho biết với thâm niên 20 năm “ngồi chợ”, chưa bao giờ hàng quán lại ế ẩm như năm nay.
Khi được hỏi sao không bán hàng sản xuất trong nước, chị Hoa không ngần ngại trả lời: “Quầy hàng của tôi chỉ bán đồ Trung Quốc, không có hàng nào của Việt Nam. Năm nay do kinh tế khó khăn nên mặt hàng lưu niệm khách buôn các tỉnh lấy ít khiến kinh doanh giảm sút”.
Chị Hoa lý giải thêm: “Hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đẹp, nhỏ gọn. Từ những mặt hàng đơn giản như vòng tay hột nhựa, cúc, kim… đến các hàng hóa đòi hỏi công nghệ cao khác cái gì dân Tàu cũng làm được. Quầy hàng của tôi không gian hẹp nên bầy hàng Trung Quốc thì được nhiều chứ bầy hàng Việt thì vài cái là hết chỗ rồi”.
“Chúng tôi không bán hàng Việt vì nó không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Nhập hàng Việt về mà không bán được thì ai bù lỗ cho chúng tôi” – chị nói.
Nằm sát ngay quầy hàng vắng khách của chị Hoa, quầy bán túi của chị Nguyệt cũng toàn hàng "Made in China” lại tấp nập khách hỏi mua. “Tôi vừa bán buôn vừa bán lẻ nên hàng bán vẫn chạy. Quầy bán toàn hàng Trung Quốc, không bán bất cứ mặt hàng nào của Việt Nam. Chỉ Trung Quốc mới sản xuất được hàng nhái các thương hiệu lớn trên thế giới như: Hermes, Buberry, Louis Vutton… Chỉ cần bỏ ra chưa đến 200.000 đồng khách hàng có thể mua được túi có kiểu dạng túi hàng hiệu” – chị chia sẻ.
Theo chị Nguyệt, túi xách Trung Quốc chất lượng không tốt nhưng khách hàng thích mẫu mã, kiểu dáng hợp thời trang. “Với số tiền tương đương mà mua túi xách Việt Nam thì chỉ có thể mua cho những người trung hay lớn tuổi”, chị nói.
Nằm tại tầng 2 của chợ Đồng Xuân, sạp quần bò của chị Bích Hường là sạp “hiếm có khó tìm” tại chợ có bán cả đồ Trung Quốc lẫn Việt Nam. Theo tiểu thương này, chỉ khoảng 2 năm nay sạp mới nhập hàng Việt Nam sản xuất chứ trước kia chỉ độc bán quần bò Trung Quốc.
Lượng hàng Việt sản xuất bán tại sạp chỉ chiếm khoảng 20% so với hàng Trung Quốc. “Buôn bán thì lãi là quan trọng chứ không phân biệt hàng Trung Quốc hay Việt Nam. Khách đến mua buôn chỉ chọn hàng Trung Quốc, hiếm khi chọn hàng Việt. Khách yêu cầu thế nào tôi nhập hàng thế đấy. Giờ khách chọn hàng Việt thì dù có đắt mấy tôi cũng nhập về bán. Còn nếu nhập về 3 ngày không có khách nào hỏi thì lấy đâu ra lãi để trả tiền thuê quầy, chi lương nhân viên”- Chị Hường thẳng thắn.
Vì sao?
Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, việc hàng Việt bị “hắt hủi” tại các chợ đầu mối một phần do giá thành cao hơn, mẫu mã kém hơn, nhưng nguyên nhân không kém phần quan trọng là do mối liên kết giữa nhà sản xuất và phân phối Việt Nam còn hạn chế, nếu không nói là chưa có.
Trong khi đó, hàng Trung Quốc thiết lập kênh phân phối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm rất chặt chẽ, mật thiết và đơn giản.
“Ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối chưa tìm được tiếng nói chung. Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân muốn làm phân phối cho nhà sản xuất trong nước phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện và thủ tục phức tạp. Tôi cũng từng khảo sát, các tiểu thương chợ Đồng Xuân cho biết, nếu phá bỏ được rào cản này thì họ sẵn sàng đưa hàng Việt vào quầy của mình” – ông nói.
Câu chuyện hàng Việt nhiều nhưng không có mặt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống lớn đã được ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân phân tích khá kỹ trong cuộc họp mới đây của Hiệp hội các nhà bán lẻ với Bộ Công Thương.
Theo ông Thủy, là đơn vị trực tiếp quản lý một trong những khu chợ nổi tiếng nhất Việt Nam nên ông khá hiểu câu chuyện, nhưng tựu trung vẫn do hàng Việt bị yếu thế đủ đường. “Hiện chợ Đồng Xuân có khoảng hơn 2.000 hộ kinh doanh.
Mỗi ngày lượng hàng hóa luân chuyển qua chợ ước tính trên 20 tấn. Dù là chợ đầu mối giữ vai trò quan trọng đối với hệ thống bán lẻ ở khu vực phía Bắc và ở các tỉnh nhưng Đồng Xuân lại là nơi tập trung hàng hóa nhập ngoại, chủ yếu từ Trung Quốc, hay còn gọi là hàng hóa không chính tắc.
Với những mặt hàng lưu niệm, đồ chơi, đồ điện tử, điện thoại, valy, cặp sách…, ông Thủy thừa nhận: Hàng Trung Quốc bán tại chợ chiếm tới 90%; những mặt hàng tạp phẩm, vải sợi, quần áo may sẵn…, hàng Trung Quốc chiếm đến hơn 70%, còn lại là hàng hóa của một số cơ sở tư nhân trong nước.
Hàng Việt chủ yếu là gạo, rau, quả và hàng tươi sống. Đặc biệt, rất ít hàng Việt chất lượng cao có mặt tại chợ Đồng Xuân.
Một lý do khác khiến hàng Việt không được chuộng, được chính vị đại diện chợ này chỉ ra: đó là hàng Việt không mang lại lợi nhuận cao. Như mặt hàng vải trong nước, bà con phải nhập từ miền Nam ra.
Bán được một mét vải, bỏ ra hơn 30.000 đồng thì được 1.000 đồng tiền lãi trong khi công vận chuyển hàng hóa tăng rất nhanh. Trước Tết, bà con cho biết mua một mét vải từ Sài Gòn giá 22.000 đồng giờ tăng lên 32.000 đồng.
Ngay như áo dệt kim Đông Xuân, trước Tết giá khoảng 15.000 đồng, giờ cũng tăng xấp xỉ 10.000 đồng/chiếc.
Trong khi đó, kinh doanh phải có lãi nên các tiểu thương chủ yếu chọn buôn hàng Trung Quốc do mẫu mã phong phú, giá cả hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng hơn.
Nhiều tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho rằng, Nhà nước có chủ trương đưa hàng Việt vào chợ Đồng Xuân thì trước hết phải xem hàng Việt có đáp ứng được nhu cầu của khách về chất lượng, mẫu mã, giá cả so với hàng Trung Quốc không?
Thương lái hàng "made in Việt Nam” có cho nợ tiền hàng khi nhập và chờ khi bán xong mới thanh toán không? Trong khi tất cả những yêu cầu đó hiện lái buôn Trung Quốc đều đáp ứng cho các tiểu thương ở chợ cả”, các tiểu thương đặt vấn đề.
Khách hàng chợ Đồng Xuân là ai? Các tiểu thương cho hay nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam vẫn cần đơn giản, giá rẻ. Đơn cử: Công ty Vina Giày không thể sản xuất được những đôi giày giá chỉ 40.000 đồng trong khi Trung Quốc lại làm được. Hay như Công ty may Việt Tiến có sản phẩm giá lên tới cả triệu bạc. Giá cao như vậy người nông dân bao giờ mới có thể tiếp cận được với hàng Việt. Tuy nhiên, có một nhận xét rất đáng lưu ý đó là tại chợ đầu mối Đồng Xuân đa phần dành cho dân mua buôn từ các tỉnh phía Bắc sông Hồng hay một bộ phận cửa hàng, hiệu tạp hoá nhỏ lẻ trong thành phố. (Dù có nhu cầu khách hàng có thể mua lẻ thoải mái trên tinh thần miễn mặc cả). Đây cũng là những khách hàng có thu nhập không cao và có nhu cầu xài hàng rẻ. |
Theo Tiền Phong