Vì sao EU cấm vận dầu mỏ cũng không làm gì được Nga?
Theo ước tính của Trung Tâm Nghiên Cứu Năng Lượng và Không Khí Sạch (CREA) tại Phần Lan, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Liên minh châu Âu đã trả cho Nga đến hơn 53 tỷ euro chi phí mua năng lượng, bao gồm 21 tỷ mua dầu, gần 31 tỷ mua khí đốt và 881 triệu mua than. Ngày 8-4, EU đã thực hiện bước đầu tiên bằng cách quyết định dừng mua than đá của Nga. Đề nghị cấm vận dầu mỏ của Nga, chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của EU, là bước kế tiếp, trong khi chờ đợi bước tối hậu và phức tạp nhất là dừng mua khí đốt. Nếu quyết định về than đá có tác động không đáng kể, thì việc EU xóa bỏ nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, trên lý thuyết có ý nghĩa hơn rất nhiều. Dầu thô chiếm một vị trí quan trọng trong ngân sách nước Nga. Trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu dầu qua châu Âu chiếm đến 11% GDP của Nga, trong lúc khí đốt chỉ chiếm 2,5%. Và kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên gấp đôi.
Vấn đề đặt ra là Moscow không phải là không tính tới khả năng EU đóng cửa thị trường đối với dầu mỏ Nga. Trong thời gian qua, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đã đổ xô vào mua dầu thô của Nga đang được bán ra với giá thấp. Thế nhưng, theo giới chuyên gia phân tích, khả năng Nga nhanh chóng tìm được thị trường mới đủ sức hấp thụ một lượng dầu tương đương với châu Âu trước mắt có vẻ khá hạn chế. Hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không thể tiêu thụ hai triệu rưỡi thùng mà Nga vận chuyển đến châu Âu mỗi ngày. Bên cạnh đó, vấn đề giá cả sẽ không có lợi cho Nga, vì Moscow sẽ bị các khách hàng mới bắt bí. Ấn Độ chẳng hạn, hiện đang đàm phán để mua dầu của Nga ở mức 70 đô la/thùng, trong khi giá dầu Brent đã tăng lên mức trên 100 đô la/thùng. Do đó, nguồn thu từ dầu mỏ của Nga chắc chắn sẽ bị giảm sụt theo lệnh cấm vận của EU.
Một khó khăn khác đối với Nga là các đường ống dẫn dầu chính của Nga đều hướng về phương Tây. Chỉ có một đường ống duy nhất nối Nga với Trung Quốc và tuyến này đang hoạt động hết công suất. Để xây dựng một mạng lưới mới phục vụ châu Á tương tự như đường ống đã cung cấp dầu thô cho châu Âu, Nga sẽ phải mất không chỉ vài tháng, mà là nhiều năm và rất nhiều tiền của. Phương án vận chuyển bằng đường thủy, thông qua các tàu chở dầu cỡ lớn cũng sẽ gặp trở ngại vì không chắc chủ nhân các con tàu này sẵn sàng hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Và nếu không có khách hàng, các nhà sản xuất Nga sẽ bị buộc phải đóng cửa các giếng dầu. Tóm lại, lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu sẽ có tác động tiêu cực đến cả doanh thu xuất khẩu và năng lực sản xuất của Nga.
Tuy nhiên, cấm vận của châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường quốc tế. Nếu xuất khẩu của Nga giảm, điều này có thể đẩy giá dầu lên cao, qua đó giúp Nga bù đắp một phần thiếu hụt. Nhìn chung, cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhưng không nhất thiết ngăn cản được Tổng thống Putin tiến đến đích trong cuộc chiến ở Ukraine. Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tài sản Chủ quyền của Nga đã có đến 155 tỷ đô la, đủ để trang trải chi phí chiến tranh và chi phí xã hội nếu nguồn thu từ dầu mỏ bị cạn kiệt.
Nh.Thạch
AFP
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn