Vì sao chuyên gia khuyến cáo Hà Nội không nóng vội cấp "thẻ xanh Covid"?
Hà Nội đang muốn nghiên cứu cấp "thẻ xanh Covid-19" cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin (Ảnh minh họa). |
Trước đó, tại buổi họp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội diễn ra vào chiều 22/9, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đã đưa ra ý kiến nêu trên với việc Hà Nội muốn nghiên cứu cấp "thẻ xanh Covid-19" cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Lý giải về ý kiến đã đưa ra tại cuộc họp chiều 22/9, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin đủ 2 mũi vắc xin của người dân trên địa bàn Hà Nội còn rất thấp. Trong khi đó, dù tỷ lệ tiêm mũi 1 cao nhưng người dân cũng chỉ vừa được tiêm xong, chưa kịp tạo ra kháng thể miễn dịch với Covid-19.
Bên cạnh đó, thực tế, việc tiêm đủ 2 mũi cũng chỉ giúp làm giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ người mắc Covid-19 trở bệnh nặng chứ không đảm bảo được việc những người đã tiêm không lây nhiễm cho người khác.
"Lúc này, nếu Hà Nội chú tâm vào việc cấp "thẻ xanh Covid-19" thì dễ khiến người dân quá tin tưởng vào việc được cấp "chứng nhận", từ đó sẽ gây ra tâm lý chủ quan dù miễn dịch cộng đồng chưa đạt được khi đa số người dân chỉ mới tiêm xong mũi 1" - ông Phu nói.
Tiếp tục phân tích về vấn đề này, PGS.TS Phu cho hay, đặt vào tổng thể chiến lược tiêm vắc xin toàn quốc thì ở thời điểm hiện tại mới chỉ có một số tỉnh thành đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương… Còn ở các tỉnh thành khác, tỷ lệ tiêm vẫn rất thấp.
Vì vậy, nếu áp dụng "thẻ xanh Covid-19", Hà Nội vẫn cần sự phối hợp của các địa phương khác đối với quy định này. Bởi lẽ, khi những người ở Hà Nội được cấp "thẻ xanh" đi đến các tỉnh thành có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì vẫn có nguy cơ làm lây bệnh dịch cho người chưa tiêm vắc xin, gây bùng phát dịch ở những vùng chưa được phủ vắc xin này.
PGS.TS Trần Đắc Phu đặc biệt lo ngại việc được cấp "thẻ xanh" sẽ khiến cho người đủ điều kiện có tâm lý chủ quan (Ảnh: Mạnh Quân). |
Vị cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, chỉ khi nào Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc Chính phủ hoặc Bộ Y tế ban hành quy định chung thì đó mới là thời điểm thích hợp để Hà Nội áp dụng "thẻ xanh Covid-19".
"Tôi đặc biệt lo ngại việc được cấp "thẻ xanh" sẽ khiến cho người đủ điều kiện có tâm lý chủ quan. Vì vậy, dù được tiêm vắc xin đầy đủ, dù được cấp "thẻ xanh" thì người dân vẫn phải thực hiện nghiêm 5K, có ý thức phòng bệnh cho các nhóm đối tượng chưa tiêm hoặc không được tiêm như: trẻ em, người già, người bệnh nền… Lúc này, thay vì chú tâm vào quy định cấp "thẻ xanh Covid-19", Hà Nội nên nghiên cứu kĩ lưỡng các giải pháp phòng, chống dịch để đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn…" - ông Phu nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề trên, tại cuộc họp chiều 22/9 của Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cụ thể về "thẻ xanh Covid". Trong khi đó, thực tế, nhiều người dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn bị mắc Covid-19. Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo, người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin không nên chủ quan.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, tính đến ngày 20/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 6,3 triệu mũi vắc xin cho người dân trên 18 tuổi. Trong đó có hơn 5,6 triệu mũi 1 (đạt 94,5% số người trên 18 tuổi, tương đương 68,6% tổng dân số thành phố) và hơn 690.000 mũi 2 (đạt 11,2% số người trên 18 tuổi, chiếm 8,4% tổng dân số). Số lượng người còn lại chưa tiêm chủ yếu là đối tượng không được chỉ định tiêm sau khi khám sàng lọc. |
Theo Dân trí
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam