Vì mục tiêu sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc
Ngành than nhớ lời Bác dạy
Từ năm 1957 đến 1965 là giai đoạn có thể nói, mỗi người vùng mỏ, đặc biệt là thợ mỏ làm việc “bằng năm bằng mười” để vừa phát triển sản xuất, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngành than khi ấy có vị trí đặc biệt quan trọng, là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ xây dựng đất nước. Chính vì vậy, Bác Hồ càng dành sự quan tâm lớn cho Quảng Ninh và ngành than. Giai đoạn này, Bác Hồ về thăm vùng mỏ tất cả 6 lần. Lần nào Bác cũng thăm hỏi, động viên và nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ, công nhân mỏ đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng vùng mỏ giàu đẹp.
Bác Hồ đến thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959 |
Tết năm 1965 cũng là lần cuối Bác về thăm Quảng Ninh, vui tết chiến thắng với đồng bào, chiến sĩ vùng mỏ. Trong cuộc mít tinh, Người thăm hỏi và chúc tết đồng bào, kêu gọi công nhân mỏ thi đua lao động sản xuất “Vì miền Nam ruột thịt”. Bác còn trao tặng ngành than Cờ thưởng luân lưu khá nhất và trực tiếp giao cho mỏ than Đèo Nai. Đáng nhớ, vào ngày 15-11-1968, trong buổi gặp đoàn đại biểu ngành than tại Phủ Chủ tịch, Bác căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc. Bác mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”.
Từ đó đến nay, những lời căn dặn của Người luôn có giá trị to lớn đối với cán bộ, công nhân ngành than, là động lực để toàn ngành nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tích trong chiến đấu và phát triển sản xuất. Kể từ khi trở thành Tổng Công ty Nhà nước (10-10-1994) và sau này tập đoàn kinh tế Nhà nước (8-8-2005), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh đa ngành trên nền cơ bản là sản xuất và kinh doanh than, với mục tiêu “Xây dựng than Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành trên nền sản xuất than”. Đây cũng chính là chiến lược phát triển bao trùm suốt một thập niên. TKV đã đổi mới mô hình sản xuất theo hướng tinh gọn, giải thể một số công ty khai thác than theo vùng, từ đó sức sản xuất được giải phóng; năng suất lao động tăng cao; đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của thợ mỏ thực sự thay đổi.
Vì mục tiêu sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc |
Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc
Thực hiện lời Bác dạy: “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”, ngành than đã tập trung đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động, sản lượng khai thác than. Nếu như năm 1995 sản lượng khai thác than là 7,6 triệu tấn than nguyên khai, thì năm 2011 con số này đã là 48,2 triệu tấn, tiêu thụ đạt 44,5 triệu tấn. Doanh thu từ than đã đạt trên 93 ngàn tỉ đồng; cứ 5 năm tổng doanh thu toàn Tập đoàn lại tăng gấp đôi. Nhờ đó, điều kiện làm việc của công nhân mỏ được nâng lên rõ rệt, đời sống vật chất lẫn tinh thần đều được quan tâm, thu nhập của thợ mỏ ngày càng tăng.
Theo đánh giá của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, có thể khẳng định, sau gần 20 năm chuyển đổi sang mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, TKV đã đạt được những kết quả quan trọng cả về quy mô và lĩnh vực. Từ chỗ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực than, TKV đã chuyển sang hoạt động trong 5 lĩnh vực chính (than, điện, hóa chất, khoáng sản, cơ khí), quy mô hoạt động trải rộng trên 42 tỉnh, thành, sang cả Lào và Campuchia. Về năng suất lao động (theo hiện vật) tăng gấp 4,6 lần, tiền lương bình quân tăng 15,6 lần so với năm 1994. Điều kiện làm việc, đời sống của công nhân, lao động được cải thiện một cách rõ rệt. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã có một cơ chế quản lý theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng một tập đoàn kinh tế mạnh, hiện đại... Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng buộc TKV phải tái cấu trúc, sắp xếp cơ cấu bộ máy.
Từ “Chiến lược kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than”, TKV tiến hành thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp, tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính là công nghiệp than, điện, khoáng sản, hóa chất, cơ khí mỏ. Đồng thời, TKV huy động các thành phần kinh tế khác cùng tham gia các lĩnh vực mà sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không cần nắm quyền chi phối - đó là thực hiện cổ phần hóa. Kiện toàn lại bộ máy tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả. Cùng với đó, cơ chế điều hành, phân cấp, phân quyền được đổi mới theo đề án tái cấu trúc nhằm tăng cường tính chủ động của các đơn vị thành viên, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.
Những năm gần đây, ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế, những thách thức khi khai thác xuống sâu, các chi phí về thăm dò, vận chuyển, an toàn lao động, môi trường... đều tăng cao đã khiến ngành than phải đối diện với nhiều khó khăn. Trong lúc này, lời dạy của Bác với ngành: “Muốn khôi phục và phát triển kinh tế nhanh thì phải thi đua sản xuất và tiết kiệm. Muốn thi đua có kết quả tốt thì tiết kiệm và sản xuất phải đi đôi với nhau”… càng có ý nghĩa quan trọng.
Để tiếp tục tăng sản lượng, năng suất, Tập đoàn đang tiếp tục đầu tư và chuẩn bị đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất, xây dựng các mỏ mới: Khe Chàm III, Khe Chàm II - IV, Hà Lầm, Núi Béo... bên cạnh đó tập trung đầu tư, phát triển vào các lĩnh vực chủ lực khác như điện, khoáng sản, hóa chất, cơ khí mỏ. Theo lãnh đạo Tập đoàn, một trong những biện pháp quan trọng mà Tập đoàn thực hiện trong những năm gần đây là chủ động tiết giảm chi phí trên tất cả các lĩnh vực, rà soát lại kế hoạch, tập trung duy trì sản xuất ổn định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu suất khai thác. Cùng với đó, Tập đoàn luôn xác định, phát huy cao độ tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Có như vậy, ngành than mới có thể thực hiện được mong muốn của Bác: “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc và xây dựng ngành than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”.
Nguyễn Kiên
Năng lượng Mới 451+452
-
[VIDEO] Petrovietnam: 65 năm hiện thực mong ước của Bác Hồ
-
[VIDEO] Người Việt ở Nga với Bác Hồ và quê hương
-
[PetroTimesTV] Đoàn 36: Những bước chân đầu tiên của cuộc trường chinh đi tìm lửa
-
[PetroTimesTV] Dầu khí là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước
-
Gần 2 vạn lượt khách vào Lăng viếng Bác trong sáng 30/4