Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Về gói giải cứu doanh nghiệp trị giá 25.000 tỉ: Đúng nhưng chưa đủ!

08:28 | 09/05/2012

446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đình trệ kéo dài như hiện nay, việc Bộ Tài chính đề xuất gói giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) với quy mô lên tới 25.000 tỉ đồng (cao hơn 6.000 tỉ so với gói giải cứu năm 2009) được đánh giá là cần thiết và kịp thời.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, để đẩy lùi những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối diện thì gói giải pháp vẫn chưa đủ “mạnh” vì việc miễn, giảm, dãn thuế mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ tác dụng với các DN làm ăn có lãi, còn các DN thực sự khốn khổ và trên bờ vực phá sản thì không.

Lựa chọn ưu tiên

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay là sức mua của người dân đang có dấu hiệu giảm và kéo dài. Và khi người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu do khả năng tài chính không theo kịp đà tăng giá của hàng hóa thì nhà sản xuất còn khốn khổ hơn nhiều, bởi chi phí đầu vào tăng nhanh nhưng lại không thể tăng giá bán đầu ra tương ứng do khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng. Điều này được thể hiện rất rõ trong báo cáo quý I/2012 của Bộ Công Thương khi chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,1%, tức là chưa bằng 1/2 so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2011 là 9,6%. Hệ quả là lượng hàng tồn kho của các DN ngày một lớn và con số 12.000 DN gặp khó khăn, phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong quý I/2012 là hoàn toàn có thể hiểu được.

Công nhân tại một phân xưởng chế biến thủy sản

Trong khi đó, giá xăng dầu, điện, than… tuy đã tăng cao nhưng vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với giá thị trường thế giới và được dự báo là sẽ tăng trong thời gian tới thì Chính phủ không thể tiếp tục tung ra một gói kích cầu như năm 2009 được nữa. Bởi trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng vẫn chưa thể tạo đà giảm bền vững như mong đợi. Và như vậy, nếu lựa chọn tiếp một gói kích cầu nữa, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ cải thiện được đôi chút nhưng nền kinh tế sẽ phải đối diện với nguy cơ rủi ro lạm phát tăng mạnh trong năm tới.

Từ đó có thể thấy rằng, gói giải pháp gỡ khó cho DN mà Bộ Tài chính đề xuất hôm 3-5, có thể là lựa chọn thích hợp cho nền kinh tế vào thời điểm này. Việc Bộ Tài chính đề nghị 5 hình thức bao gồm: giảm 30% thuế thu nhập DN cho DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động các ngành nông lâm thủy sản, dệt may, da giày…; gia hạn 2 tháng đối với thuế thu nhập DN cho các DN khó khăn về tài chính; gia hạn 6 tháng đối với thuế GTGT quý II/2012; miễn thuế GTGT cho các hộ kinh doanh nhà trọ tại khu công nghiệp; giảm 50% tiền thuê đất đối với các DN dịch vụ, thương mại, du lịch đã phần nào giảm áp lực tài chính vốn đang đè nặng lên vai các DN sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện 2 lần hạ trần lãi suất để đưa lãi suất huy động về 12% thì động thái này của Bộ Tài chính có thể coi là một tín hiệu tốt lành đối với DN sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nếu gói giải pháp này sớm được áp dụng thì chắc chắn gánh nặng chi phí nợ nần chắc chắn sẽ giảm bớt.

Và nếu nhìn lại cơ cấu thuế hiện hành có thể thấy, thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu có vai trò chủ lực và đây cũng là các khoản phải nộp lớn nhất của các DN. Tính bình quân thuế TNDN chiếm khoảng 30% tổng thu từ thuế và khoảng hơn 20% tổng thu ngân sách, thuế GTGT chiếm 20-25% và thuế xuất nhập khẩu chiếm trên 10% tổng thu từ thuế. Tỉ trọng trên cho thấy, giải pháp từ thuế tuy có tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhưng sẽ được lợi hơn nhờ duy trì ổn định và phát triển nền kinh tế.

Chưa thể vội mừng

Gói giải pháp gỡ khó cho DN mà Bộ Tài chính đề ra đang rất được kỳ vọng, song theo nhiều chuyên gia kinh tế thì muốn giải cứu DN thành công, cần phải áp dụng đồng thời nhiều chính sách khác. Đặc biệt là trong bối cảnh thể trạng của DN quá yếu thì việc giảm và giãn thuế mới chỉ giải quyết được một phần khó khăn của DN. Tuy nhiên, có một thực tế là gói giải pháp này vẫn chưa có nhiều tác động người tiêu dùng – yếu tố có tính chất quyết định sự thành bại của tất cả mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Và điều này đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ khi cho rằng: “Gói giải pháp về thuế chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ thôi bởi cái khó nhất của DN hiện nay là về vốn, lãi suất cao. Giãn thuế ví như Nhà nước tạm thời đưa vốn cho DN, cho tín dụng thuế bằng 0, DN sử dụng một thời gian để giảm áp lực vay vốn ngân hàng, cố gắng cầm cự cho đến khi lãi suất trở về bình thường”.

Và đây cũng là quan điểm của TS Vũ Đình Ánh khi ông nhận xét: Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của người dân là quá thấp khiến lượng hàng tồn khó, ứ đọng ngày một tăng cao thì việc làm cấp thiết trước mắt là phải giải quyết số tồn kho này. Thay vì giãn và hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, Nhà nước có thể tính đến giãn lộ trình tăng giá điện, xăng dầu. Đây là một trong những phương án hỗ trợ về giá đầu vào của DN – bao gồm tất cả những yếu tố trên chứ không chỉ là vốn. Và khi đó, giá thành sản phẩm đến người tiêu dùng sẽ rẻ hơn, sẽ kích “cầu” và giải quyết được hàng tồn kho.

“Nếu triển khai gói giải pháp này, dù ngân sách không phải bỏ tiền ra bù nhưng vẫn có thể hiểu đây là một dạng kích cầu cho nền kinh tế thông qua việc nới lỏng chính sách tài khóa bằng hình thức giảm thu ngân sách. Nhờ đó, nền kinh tế sẽ không phải quá lo ngại về nguy cơ tái lạm phát cao như hậu gói kích cầu năm 2009. Đặc biệt, trong bối cảnh như hiện nay, giảm gánh nặng về thuế sẽ tạo điều kiện cho DN giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, khắc phục được đình đốn sản xuất”.

Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Nhà nước nên tính đến việc thành lập một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp dưới dạng bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vay vốn với giá rẻ đối với những doanh nghiệp có thị trường và có chiến lược kinh doanh. Quỹ này có thể không lớn nhưng đúng trọng tâm, sẽ thiết thực hơn so con số khổng lồ trên.

Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, ngoài yếu tố vốn thì những cách làm cũ, mô hình cũ của DN đã không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Phá sản là chuyện bình thường của cơ chế thị trường, hàng loạt DN phá sản nhưng tổng các yếu tố không đổi, tổng con người, tổng tài sản trong quốc gia không đổi. Trong thời gian tới, quá trình phá sản, sáp nhập sẽ tiếp tục. Quá trình đó gắn với xu hướng tái cấu trúc của DN. Đó là xu thế không thể đảo ngược bởi vì sức đề kháng của DN Việt Nam đang yếu, mức độ cạnh tranh thấp. Các DN có máy móc, công nghệ hiện đại chỉ chiếm 1/3, vì thế rất dễ thua ngay trên sân nhà”.

Thanh Ngọc