Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vắng rồi, tiếng vó ngựa?!

07:00 | 01/02/2014

1,033 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Làng nuôi ngựa tại ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim. Xưa kia, nơi đây được xem như làng nuôi ngựa đua lớn nhất, nhì miền Nam. Từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, tiếng vó ngựa của một thời đã đi vào dĩ vãng.

Bùi Anh Dũng bên con Long Tiền từng đoạt giải

Làng nuôi ngựa, ngày xưa vang bóng…

Sắp tới năm Quý Ngọ, người dân ấp Bình Hữu lại nhắc đến năm linh vật đã từng gắn bó với họ suốt thời gian gần một thế kỷ. Làng nuôi ngựa ở đây hình thành từ khi nào mọi người chẳng nhớ. Chỉ biết từ lúc sinh ra, trẻ em đã được vui đùa cùng những chú ngựa, được ngồi trên lưng ngựa và quan sát những vó ngựa cất trên đường đua.

Từ trước thập niên 30, làng nuôi ngựa đã manh mún tổ chức nhiều cuộc đua nhỏ mang tính giải trí. Nhiều người nuôi ngựa thuần để phục vụ kéo xe, cho những tá điền, bá lý trong vùng. Anh Nguyễn Văn Sum (tự Bảy Sum, ngụ ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa) - người dân nuôi ngựa trong gia đình “cha truyền con nối” thường nghe lại những lời kể của ông nội và cha về nhiều trận tranh tài của các chú ngựa trên đường đua. Trong ký ức anh Bảy vẫn còn sót lại những lần theo ông và cha đến trường đua ở thời kỳ cực thịnh của thú vui dành cho giới quý tộc. Nhiều con ngựa to khỏe được người dân lựa chọn để tổ chức những cuộc đua tự phát trong làng. Giải thưởng không nhiều nhưng người nuôi ngựa đoạt giải được vinh danh và mọi người trong làng nhìn bằng cặp mắt ngưỡng mộ.

Thời kỳ người dân Việt Nam sống trong cảnh đô hộ, người Pháp nghĩ đến chuyện xây trường đua ngựa phục vụ cho những trò tiêu khiển của tầng lớp lắm tiền và địa chủ tại khu vực lân cận Sài Gòn - Gia Định. Trường đua ngựa Phú Thọ chính thức được ra đời từ năm 1932. Khoảng 1 năm sau, hoạt động đua ngựa trở nên nhộn nhịp hơn, thu hút nhiều chủ ngựa từ các vùng ở xa Sài Gòn hơn. Người dân làng Bình Hữu đã tuyển chọn những con ngựa chiến nhất để đưa đến Trường đua Phú Thọ và chính thức thi tài. Nhiều câu chuyện tưởng như chỉ có trong thần thoại về những chú ngựa trên đường đua được truyền miệng qua lời kể của người dân.

Anh Bùi Anh Dũng (SN 1965) sinh ra trong gia đình có ba đời gắn liền với những thăng trầm ở Trường đua ngựa Phú Thọ. Từ lúc còn tấm bé, anh thường nghe cha kể về những lần theo chân ông nội đến trường đua để chăm sóc ngựa. Tuổi thơ của anh gắn liền vớinhững lời kể của cha từ khi Trường đua Phú Thọ mới mở cửa. Năm 1940, ông nội anh Dũng qua đời. Qua nhiều năm liền của các kỳ đại hội, ngựa đua trong gia đình anh vẫn không giành được một giải danh giá nhất trong năm. Năm 1983, người dân làng Bình Hữu nuôi ngựa đua như một phong trào. Thởi điểm này, gia đình anh Dũng ấp ủ giấc mơ chinh phục đường đua với 12 con ngựa.

Chiecs cúp như một báu vật trong gia đình của anh Dũng

Mãi đến năm 1998, cha anh Dũng huấn luyện được con ngựa mang về giải vinh dự nhất trong kỳ đại hội. Chú ngựa có tên Long Phi Vân đã đoạt cúp làm xao động cả xóm làng. Thời điểm này, nhiều người đã nhắc đến tên ông Bùi Văn Giàu (SN 1921, tự Năm Gàng). Ngựa đối với làng Bình Hữu đã như những thành viên trong gia đình. Mọi người đều có thói quen: “Ăn cùng ngựa, ngủ cùng ngựa và chết cũng có ngựa”. Những ngày cuối đời, ông Năm Gàng thường dặn dò con trai: “Ngựa của tao, mày phải nuôi, không được bán. Lỡ ngựa có yếu mà chết thì làm thịt ăn”.

Lúc trăng trối, ông Năm nhắn nhủ: “Khi tao chết thì đem ngựa xuống nơi an nghỉ cuối cùng, dắt ngựa cột trước mộ rồi hãy chôn tao”. Anh Dũng nhớ lại, giải phóng đất nước năm 1975, nhà có 2 con ngựa đực mang đi bán và còn lại 1 con ngựa cái được đặt tên Hồng Đính Vân. Do đây là con ngựa đã từng đoạt giải nên gia đình quyết giữ lại. Sau 8 năm, trường đua mở cửa trở lại. Hồng Đính Vân chinh phục đường đua nhưng không đoạt thêm giải thưởng ấn tượng nào khác. Con ngựa này sống được 23 năm. Gia đình anh Dũng đã mang chôn Hồng Đính Vân sau nhà do quá thương ngựa.

Ngựa mẹ bất thành trên đường đua nhưng thế hệ sau đã làm nên những kỳ tích vang dội. Những con ngựa thuộc hàng cháu ngoại của Hồng Đính Vân đã ghi tên vào “lịch sử” của trường đua. Năm 2002, con Long Tiền đã đoạt giải ở kỳ đại hội. Cần nói thêm rằng, chỉ vào dịp cuối năm, kỳ đại hội mới được mở và tổ chức duy nhất 1 lần.

Nhiều người thấy Long Điền hay đã chạy theo năn nỉ mua lại với giá 12,5 cây vàng. Số vàng trên là rất lớn, có thể đánh đổi được gần 4 mẫu đất. Anh Dũng tin một điều, nuôi ngựa phải biết về “bổn” (dòng giống - PV) của loài. Anh hiểu nhiều người tìm mua những ngựa đã từng chiến thắng vì họ dám đặt niềm tin vào “dòng giống” những con ngựa ấy.

Ông Năm Giàng (cha của anh Dũng) và chiếc cúp được trao năm 2002

Ngựa quý nhưng người dân ở đây chẳng hề sợ mất trộm. Anh Dũng cho biết, nếu ngựa bị ai bắt thì đến 10 năm sau đều có thể nhận dạng. Người nuôi ngựa rành rẽ đều biết cách nhìn ngựa của mình từng nuôi và nhận ra từ những đặc điểm không con nào giống con nào. Những con ngựa sinh ra đều được đưa đến câu lạc bộ để đăng ký tên, năm sinh, nhận dạng đặc điểm của từng con. Sau đó, những con ngựa có đăng ký sẽ được làm “giấy khai sinh” để xác nhận chính thức gia nhập… làng đua ngựa.

Chuyện tình người với ngựa

Từ khi Trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa, những con ngựa từng đoạt giải chỉ còn mang danh vang bóng một thời. Người nuôi ngựa phải bỏ công và chi phí mua thức ăn cho ngựa. Nhẩm tính, mỗi tháng ngót đến 10 triệu đồng là ít do có sẵn lúa thóc ở nhà.

Cứ đến những ngày cuối tuần, kỷ niệm về những ngày chinh phục trường đua của chủ ngựa lại tràn về. Đã qua rồi cái thời thức đêm, thức hôm bên những chú ngựa cho ngày bước vào vạch xuất phát. Những ngày cuối tuần, huấn luyện viên cùng nài đưa ngựa đến trường đua.

Nơi mà mọi người có thể giao lưu và học hỏi được nhiều điều. Ở cái làng Bình Hữu có đến 70% người dân nuôi ngựa chỉ để đua và đến nay chỉ còn vài hộ dân nuôi cầm chừng.

Làng nuôi ngựa đua nhộn nhịp là thế giờ trở nên đìu hiu đến lạ. Những quán hàng nước dành cho các chủ nuôi tập trung để bàn luận về đặc tính từng con ngựa cũng dần đóng cửa. Hoặc một số hàng quán nay mở cửa chỉ để nhắc lại một thời quá khứ mà cả cái làng Bình Hữu khi xưa: “Nhà nhà nuôi ngựa, người người nói về chuyện ngựa”. Còn nay, họ nuôi ngựa như chỉ nuôi lấy một giấc mơ. Những chủ ngựa đều muốn đưa chúng lại trường đua trong một ngày không xa.

Anh Bảy Sum bên chuồng bỏ không nhớ lại một thời hoàng kim của làng nuôi ngựa

Chủ ngựa gắn bó với ngựa đến nỗi biết đến tâm tính của từng con một và thậm chí, có thể “trò chuyện” với từng con. Để minh chứng, anh Dũng đứng bật dậy, ra ngoài sân rồi la lên: “Hé, hé”. Con Long Tiền đang lững thững từng bước quanh khu đất bỗng đứng khựng lại. Nó rảo bước hướng về phía anh Dũng. Trên tay anh cầm sẵn một mớ cỏ nhét vào mồm và nó nhai ngấu nghiến. Những câu “trò chuyện” quen thuộc cùng ngựa, đại loại: “Hé hé, hí hí…” từng tiếng hoặc kéo dài hoặc thành đoạn dứt khoát đều được người nuôi chúng thuộc lòng. Khoảng cách giữa thế giới của loài ngựa với con người được thu hẹp.

Nhắc đến những chú ngựa đua từng để lại ấn tượng trong đời, anh Dũng như không quên được con Long Trường Vân. Từ bé đến tuổi trưởng thành, con ngựa này không thắng nổi một cuộc thi. Thậm chí, Long Trường Vân còn chuyên về chót và không được xếp ở một thứ hạng nào. Ông Năm Gàng (cha anh Dũng) như vẫn đặt niềm tin vào con ngựa này. Liền 2 năm sau, Long Trường Vân như “lột xác” hoàn toàn và thắng 5 trận liên tiếp. Và tiếp 2 trận nữa trên đường đua, nó lại về nhì trong niềm hân hoan của nhiều người hâm mộ. Rồi kỳ đại hội hằng năm lại diễn ra. Thời điểm ấy, cuối năm 1999, Long Trường Vân ngoan cường giữ vững vị trí số 1 trên đường đua.

Sau này, trong lúc “trà dư tửu hậu” với mọi người, ông Năm Gàng mới “bật mí” về nguyên nhân giữ lại con Long Trường Vân. Chẳng qua ông Năm nhìn thấy dáng nó đẹp, có thể do cách nuôi dưỡng chưa đúng nên Long Trường Vân chưa thể phát huy được sở trường. Niềm vui chưa qua, nỗi đau về Long Trường Vân đã mang đến cho gia đình ông Năm Gàng một sự thương tiếc thắt lòng. Không may, Long Trường Vân bị hư giò, bong chân trong một lần tập luyện. Nó đã chính thức giã từ đường đua Phú Thọ sau những lần gây chấn động giới nuôi ngựa. Từng gây tiếng vang một thời, hay tin Long Trường Vân bị thương ở giò, một người hâm mộ đã tìm đến gia đình ông Năm để mua lại nó với giá cao. Về sau, người này đã đem nó thả về một khu rừng sâu tại tỉnh Lâm Đồng.

Tiếng vó làng nuôi ngựa thi thoảng lại cất lên. Những con ngựa đôi khi được dạo quanh ấp Bình Hữu. Làng nuôi ngựa xưa kia đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim với những chú chiến mã lừng danh một thời. Hay nói đúng hơn, từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, những con ngựa từng “cất vó” làm rung chuyển đường đua đang chực chờ trước những lò mổ. Thịt ngựa đã lên bàn ẩm thực để trở thành một món ăn khoái khẩu.
 

Hưng Long