Vải thiều được quảng bá rộng rãi tại Nhật Bản
Quả vải thiều Việt Nam ngày càng được nhiều quốc gia biết đến, trong đó có Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Nhờ sự nỗ lực từ các địa phương, doanh nghiệp, người trồng vải và sự hỗ trợ mạnh mẽ về công tác xúc tiến thương mại (XTTM) của các cơ quan chức năng, quả vải Việt Nam đang dần có chỗ đứng trong chuỗi giá trị nông sản quốc tế.
Đại sứ Vũ Hồng Nam (phải) và Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh (trái) trong sự kiện quảng bá trái vải Việt Nam tại Nhật Bản |
Đại sứ Vũ Hồng Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, Đại sứ quán đã và đang nỗ lực tăng cường triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tiêu thụ quả vải tươi Việt Nam tại thủ đô Tokyo cũng như nhiều địa phương của Nhật Bản. Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan phía Nhật Bản tổ chức các sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị AEON tại Saitama, Kagoshima… nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam, trong đó nổi bật là quả vải.
Bên cạnh đó, một trong những hình thức quảng bá hiệu quả sản phẩm vải Việt Nam là kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp xuất khẩu vải của Việt Nam với nhà thu mua, phân phối các nước, trong đó có Nhật Bản, thông qua một loạt hội nghị giao thương trực tuyến mà Cục XTTM và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với các đơn vị liên quan tại Nhật Bản và các địa phương có sản lượng vải thiều lớn của Việt Nam tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục XTTM, đơn vị chủ trì thực hiện hàng loạt các chương trình, hoạt động kết nối giao thương trực tuyến thời gian qua cho biết, thông qua các sự kiện này, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam, các địa phương trồng vải Việt Nam đã giới thiệu tới các khách hàng tiềm năng Nhật Bản những đặc tính nổi trội của quả vải thiều Việt Nam, tính quy mô hàng hóa lớn của các vùng trồng vải, năng lực đáp ứng đa dạng đơn hàng vải thiều của doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả của phương thức tiếp cận này là một số hợp đồng hợp tác bao tiêu, xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản đã được ký kết.
Gần đây nhất, cùng với sự vào cuộc tích cực của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã chốt được đơn hàng xuất khẩu vải thiều cho hai đối tác mới và quan trọng tại Nhật Bản. Dự kiến các lô hàng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ được xuất khẩu bởi Công ty Rồng Đỏ sang Nhật Bản ngay trong ngày 15/6 và vài ngày tới. Bên cạnh các lô hàng này, Công ty Rồng Đỏ cũng đã và đang xuất khẩu trái vải thiều cho AEON Nhật Bản. Sự kiện tuần hàng từ ngày 25 đến 27/6 tới sẽ diễn ra tại 300 điểm cửa hàng của AEON trên toàn quốc cũng tập trung giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo người Việt Nam tại Nhật về trái vải thiều thơm ngon nức tiếng của Việt Nam.
Không chỉ thông qua những kênh thương mại trực tiếp, tại thị trường Nhật Bản, các cơ quan XTTM của Việt Nam còn nỗ lực tận dụng kênh ngoại giao để quả vải Việt được nhiều người Nhật biết đến.
Câu chuyện quả vải thiều tươi Việt Nam thường được nhắc tới trong các buổi tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản. Bản thân Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trong mùa vải năm ngoái cũng đã mua vải để làm quà cho các đối tác cấp cao quan trọng. Mới đây, trên cơ sở tư vấn của Cục XTTM - Bộ Công Thương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã gửi lô hàng vải mẫu (có tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục XTTM) sang Nhật Bản để sử dụng làm quà tặng của Đại sứ Việt Nam tới các lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cơ quan xúc tiến liên quan của Nhật Bản.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán - Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá, việc tặng sản vật địa phương như quả vải tươi sẽ mang hiệu quả rất lớn đến việc quảng bá mặt hàng này. Nhiều người Nhật tỏ ra rất thích thú với hương vị thơm ngon của quả vải Việt Nam và cho biết sẽ giới thiệu tới bạn bè, đồng nghiệp, người thân để cùng thưởng thức.
Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến quả vải cũng được phổ biến, chia sẻ rộng rãi trên các trang tin của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn một số kênh truyền thông uy tín của Việt Nam và Nhật Bản…
Lô vài thiều tươi lần đầu xuất khẩu vào châu Âu vào đầu tháng 6/2021. |
Với sự nỗ lực của nhà vườn, địa phương và doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng quả vải, cùng với nhiệt huyết hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường cho quả vải từ phía các cơ quan XTTM, quả vải của Việt Nam ngày càng có vị thế vững chắc tại thị trường Nhật Bản.
Đại sứ Vũ Hồng Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu và hình ảnh của hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được nâng cao tại thị trường Nhật Bản, trong đó có quả vải thiều.
Điểm đặc biệt trong năm nay là nhiều lô vải thiều tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục XTTM. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết: “Không chỉ xúc tiến đơn thuần về mặt số lượng xuất khẩu và khai mở các kênh phân phối mới, Cục XTTM đã và đang thực hiện những bước đi chiến lược để đưa quả vải Việt Nam có sự thâm nhập và phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng thông qua các biện pháp tăng cường sự nhận diện thương hiệu vải Việt Nam và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài. Năm nay là năm đầu tiên chúng ta có thể thấy rất nhiều hộp vải phục vụ người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài mang chính thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam, được kèm theo tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục XTTM phát triển”.
Việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm từ lúc hình thành, phát triển, cho đến khi đến tận tay khách hàng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội thưởng thức giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm. Qua tem itrace247 trên các hộp vải, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về quá trình quả vải thiều Việt Nam được vun trồng, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển an toàn, đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.
Tùng Dương