V-League 2015: Có một thứ bóng đá gọi là... tình cảm!?
HLV Trần Bình Sự cho rằng nếu đá bóng mà nhường nhịn nhau là không tôn trọng khán giả |
Trước đó, ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá Nghệ An đã có phát biểu gây tranh cãi sau trận thua khó hiểu của SLNA trước HAGL. Ông Thanh cho rằng các cầu thủ của SLNA đá không quyết liệt trong trận đấu là vì “thương” đội bóng phố núi HAGL trước viễn cảnh đội bóng của bầu Đức phải chơi tại giải hạng Nhất vào năm sau!?
Tuy nhiên ông Nguyễn Minh Ngọc - Trưởng Ban tổ chức V-League lại phủ nhận ý kiến trên và cho rằng ở Việt Nam không tồn tại thứ bóng đá đó. Tại buổi tổng kết mùa giải V-League 2015, ông Ngọc tỏ ra ngạc nhiên nói “chưa từng nghe thấy cụm từ này” khi có phóng viên hỏi về hiện tượng “bóng đá tình cảm”. Ông Trưởng Ban tổ chức giải chưa bao giờ nghe thấy cụm từ đó, nhưng khán giả - những người chẳng có chuyên môn quản lý, thì lại nhận thấy ngay khi theo dõi các trận đấu thuộc các vòng cuối.
Nhìn lại xa hơn, khi vòng 18 V-League 2015 kết thúc, HLV Đồng Nai - Trần Bình Sự đã ca thán: “Đồng Nai gặp khó rồi, bởi thân cô, thế cô”. Ông Sự nói ra câu nói đó trong hoàn cảnh đối thủ trực tiếp trong cuộc đua trụ hạng với Đồng Nai là XSKT Cần Thơ có 3 điểm sau trận thắng trước Hải Phòng. Thời điểm đó, nhiều người nói ông Sự đang gây áp lực dư luận lên các đội bóng, lên các đối thủ của mình bằng cách “tung hỏa mù” về một thứ bóng đá tình nghĩa. Thế nhưng chỉ vài vòng đấu sau, khi cuộc đua trụ hạng trở lên khốc liệt hơn, lời ca thán như tiên đoán của ông Sự đã trở thành sự thật.
“Người Nghệ An sống rất tình cảm, cầu thủ cũng vậy, vì thương những đội bóng khó khăn nên đá nhiệt tình nhưng không hết sức”, câu nói của ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Công ty CP Bóng đá Nghệ An, đã gây rất nhiều nghi vấn cho người hâm mộ. Trong trận đấu gặp HAGL tại sân Pleiku, các cầu thủ SLNA thi đấu thiết nhiệt một cách khác thường, và kết quả thua 1-3 cũng nằm trong dự đoán của những người theo dõi diễn biến trận đấu ấy. Sau trận thua này, SLNA lại tiếp tục thiếu nhiệt, “nằm ngửa” chịu trận trong trận thua 0-3 trước XSKT Cần Thơ.
Một ví dụ tiêu biểu khác để minh chứng cho lời nói của HLV Trần Bình Sự là trận đấu giữa HAGL và Hà Nội T&T, dù đội bóng Thủ đô đã dẫn trước đến 2 bàn ngay trong hiệp 1, với một thế trận kiểm soát vượt trội. Tuy nhiên, chả hiểu sao chỉ sau 15 phút nghỉ hết hiệp 1, các cầu thủ dạn dày kinh nghiệm của HN T&T bỗng dưng đá như gà mắc tóc trước các cầu thủ trẻ HAGL, để rồi kết quả là bị gỡ hòa, rồi thua ngược 2-3. Điều đáng nói, nếu những bàn thua này xảy ra với các đội bóng yếu thì không nói làm gì; đằng này xảy ra với một đội bóng mạnh, bản lĩnh, các cầu thủ dạn dày kinh nghiệm.
Công Phượng của HAGL trong trận đấu với SLNA tại V-League 2015 |
Chính những lý do trên đã khiến cho người hâm mộ phải đặt một dấu hỏi "to đùng", còn các chuyên gia thì đánh giá là các trận đấu này cũng có nhiều điểm rất đáng ngờ. Chúng ta hãy thử đặt giả thiết, nếu như không có những trận thắng SLNA và Hà Nội T&T thì HAGL sẽ thế nào trong cuộc đua trụ hạng.
Thời điểm khi vòng 21 V- League 2015 diễn ra, HAGL còn đứng cuối BXH với chuỗi trận thua từ sân nhà đến sân khách. Tuy nhiên, sau khi thay tướng, HAGL thắng liền 3 trân, hòa 1 trận để giành quyền trụ hạng. Và tất nhiên, nếu không có hai trận thắng trên sân Pleiku, kịch bản trụ hạng của V-League có thể đã theo 1 hướng khác. Mà 2 trận thắng ấy, theo người hâm mộ thì đều có dấu hiệu “bất bình thường”.
Mặc dù sau khi dư luận làm rùm beng về những trận thắng có dấu hiệu “tình cảm” của HAGL, bầu Đức đã lên tiếng khẳng định rằng “có cho điểm HAGL cũng không lấy”, nhưng quyền đặt câu hỏi, quyền nghi vấn thuộc về khán giả.
Nhắc lại việc HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai đã phát biểu với báo giới sau trận đấu với Sanna Khánh Hòa về câu chuyện bóng đá tình cảm tại Việt Nam. Ông Sự cho rằng, Đồng Nai đơn độc ở V-League, là đội bóng từ đầu đến cuối thi đấu không có bạn bè, năng lực kém thì thua là đúng; nhưng vấn đề nhường nhịn nhau thì các đội bóng không tôn trọng khán giả.
Trong thể thao, tuyệt nhiên cần sự trung thực, khán giả bỏ tiền ra mua vé để xem bóng đá một cách trung thực chứ không phải xem một trận đấu mà kết quả đã được sắp xếp sau khi lãnh đạo các đội đá trên... bàn giấy.
Nếu thứ bóng đá tình cảm tồn tại, hệ lụy kéo theo sẽ rất khó lường. Chưa nói những câu chuyện xa xôi như dễ dẫn đến bán độ, câu chuyện nhãn tiền là khán giả quay lưng, hiệu ứng truyền thông không còn mạnh thì nhà tài trợ cũng sẽ không mặn mà. Đến lúc đó, tìm được một “bà đỡ” cho giải đấu, xem ra sẽ rất khó.
Thanh Hiếu