Tỷ giá khó tăng mạnh cuối năm
US Dollar Index - chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với rổ tiền tệ - vượt mốc 98 trong ba phiên gần nhất, mức cao nhất kể từ tháng 5/2017 và tăng gần 3% so với cuối tháng 6. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (CNY) sáng nay tiếp tục giảm, đánh dấu phiên giảm giá thứ 6 liên tiếp và tiến gần hơn tới mốc 7,1 CNY đổi 1 USD.
Những biến động phức tạp trên thị trường tài chính, đặc biệt là của đồng bạc xanh và nhân dân tệ gần đây, được dự báo ảnh hưởng đến các quốc gia mới nổi, vốn dễ bị tổn thương do độ mở và sự tác động của dòng chảy thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, với Việt Nam, các chuyên gia không nghĩ vậy.
Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú |
"Những biến động gần đây trên thị trường quốc tế dường như không tác động quá mạnh tới Việt Nam. Nhân dân tệ giảm không có nghĩa tiền đồng phải hạ theo, trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang quan sát nhất cử nhất động từ quốc tế", ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam bình luận.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá nhân dân tệ xuống dưới ngưỡng tâm lý 7 CNY đổi 1 USD đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Các thị trường chứng khoán giảm sâu, những tài sản "trú bão" như vàng và yen Nhật tăng mạnh. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý cũng tăng tỷ giá trung tâm, một động thái được xem là biện pháp nới rộng đệm rủi ro.
Tuy nhiên, thị trường chính thức lại theo chiều hướng ngược lại. Giá bán USD của các ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi, thậm chí còn có xu hướng giảm.
"Rõ ràng với định hướng ngay từ đầu năm, mức độ dao động của tiền đồng có thể chỉ khoảng 2%, nằm trong mức dự báo trước đó và khó có thể tạo ra cú sốc tỷ giá chỉ sau một đêm", CEO UOB Việt Nam nhận xét.
Trong những báo cáo gần đây, các công ty chứng khoán cũng chung kết luận, dù áp lực từ thị trường quốc tế là có, tiền đồng khó vượt quá ngưỡng điều chỉnh 2-3%.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định VND có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của nhân dân tệ nhưng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên cơ quan điều hành vẫn đang còn nhiều "dư địa".
Bên cạnh đó, báo cáo gần nhất của đơn vị này chỉ ra rằng, áp lực từ nay đến cuối năm có thể được hạn chế một phần do nguồn cung USD dồi dào hơn. "Các thương vụ mua bán, sáp nhập cuối năm như BIDV bán 15% vốn cho KEB Hana Bank, Vietcombank có khả năng bán 6,5% cổ phần hay MB dự kiến bán 7,5% vốn cho nước ngoài sẽ mang về lượng lớn ngoại tệ", báo cáo BVSC cho biết và ước tính, tổng giá trị các thương vụ này có thể đạt khoảng 2 tỷ USD.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo biến động tỷ giá từ nay đến cuối năm khó xảy ra đột biến. "Rủi ro tỷ giá vẫn còn khi nhân dân tệ tăng đột ngột lên 7 CNY đổi 1 USD. Tuy nhiên, với triển vọng giải ngân FDI và FII khả quan, dự trữ ngoại hối gia tăng, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn có đủ không gian kiểm soát tỷ giá", báo cáo VDSC cho biết.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc chạy theo nhân dân tệ là không cần thiết, chưa kể rủi ro có thể bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. "Chính sách tỷ giá của Việt Nam có thể không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do cấu trúc nền kinh tế. Hạ giá tiền đồng có thể sẽ không tạo động lực quá lớn bởi sẽ ảnh hưởng cả khía cạnh nhập khẩu", ông Lực cho biết.
Theo VNE