Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Từ vụ Tiên Lãng: 3 bài học và một nỗi băn khoăn

06:57 | 14/02/2012

637 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhân dân cả nước cũng thở phào nhẹ nhõm khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tay xử lý vụ việc cưỡng chế gây tai tiếng ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Một phần công lý coi như đã được thực thi. Trong khi chờ đợi chính quyền TP Hải Phòng, chính quyền huyện Tiên Lãng thực hiện những phần việc cụ thể, dư luận vẫn còn không ít nỗi băn khoăn.

Bài học thứ nhất: Có nên giao cho chính quyền địa phương một cái quyền quá lớn?

Người dân Tiên Lãng nói riêng và người dân cả nước nói chung vui mừng với quyết định có thể xem là hợp lý, hợp tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc họp để phổ biến kết luận của Thủ tướng đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân. Các kết quả xử lý sẽ được tập hợp lại và báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 năm nay.

Sự rốt ráo này làm cho dư luận cả nước có phần yên tâm hơn nhưng về thực chất vẫn chưa thể che lấp hết được những lỗ hổng trong công tác thực thi pháp luật ở địa phương – mà cụ thể ở đây là luật đất đai và những vấn đề khiếu kiện liên quan đến việc sử dụng đất.

Nhà ông Vươn: Từ nhà xây ra lều bạt

Có thống kê cho thấy, 80% khiếu kiện hành chính ở nước ta liên quan đến đất đai. Điều này cho thấy rằng, mặc dù nhà nước đã ban hành luật đất đai nhưng ở phương diện nào đó, còn có những kẽ hở dẫn đến việc các địa phương thi nhau ứng dụng mỗi người một kiểu. Trong vụ việc ở Tiên Lãng thì chính quyền xã và chính quyền huyện đã phối hợp với nhau “vặn xoắn” cả luật.

Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai, thời hạn thuê đất nông nghiệp bao gồm đất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có thời hạn là 20 năm. Tuy nhiên, huyện Tiên Lãng đã đưa ra một “luật lệ riêng” đó là chỉ cho thuê 14 năm. Đây là một cái sai cơ bản. Vì luật được áp dụng chung chứ chính quyền huyện Tiên Lãng không thể tự mình đặt ra một luật lệ riêng là chỉ cho thuê với thời hạn 14 năm.

Lý giải cho cái luật đất đai “made by Tiên Lãng” này, các quan chức cấp huyện đã không tiếc lời biện minh, bảo vệ, thậm chí còn mạnh miệng chê “một số quan chức trung ương về hưu nhầm lẫn”.

Luật đất đai đang giao đặt vào tay chính quyền địa phương một quyền hạn quá lớn: Có quyền định đoạt đối với mảnh đất mà người dân đang sử dụng, bất kể trong mảnh đất đó có mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu của người cải tạo đất. Chỉ một dự án được vẽ ra, chỉ cần một cái gật đầu của người đứng đầu địa phương thế là không biết bao nhiêu người có thể mất đất, mất nhà cửa và cuộc đời xoay hẳn sang một hướng khác (có thể tích cực hơn, cũng có thể tiêu cực hơn).

Nói “thích là làm” quả cũng không sai, như trong trường hợp huyện Tiên Lãng đã làm: Tự đặt ra thời hạn cho thuê, tự ý thu hồi mà không cần biết thu để làm gì, không có phương án đền bù, thậm chí là coi thường việc đối thoại với người bị thu hồi đất…

Người dân thì được phép khai hoang, cải tạo, sử dụng nhưng quyền định đoạt với mảnh đất đó lại thuộc về chính quyền địa phương. Đây liệu có phải là cái quyền quá lớn? Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân có yên tâm để đổ mồ hôi, công sức khai phá, đầu tư sản xuất trên mảnh đất của mình khi mà quyền sở hữu trên chính mảnh đất của họ quá mong manh như vậy?

Một biểu hiện của việc giao quyền quá lớn cho địa phương là việc địa phương được quyền huy động lực lượng tham gia cưỡng chế một cách hùng hậu, bất chấp quy định của nhà nước. Rồi thì việc địa phương sử dụng bộ máy để bác bỏ cả quyền khiếu nại của công dân, thậm chí Tòa án còn làm một việc không được phép làm: đứng ra giàn xếp cho chính quyền để sau đó chính quyền bội ước với ông Vươn.

Nếu không có sự phản ứng thái quá và vi phạm pháp luật của Đoàn Văn Vươn thì liệu có ai biết rằng đang có những người bị đoạt đất như ở Tiên Lãng, có ai biết rằng việc thực hiện luật đất đai của nhà nước đang có nhiều kẽ hở mà địa phương tha hồ biến tấu.

Sau vụ việc này, có lẽ việc giao quyền hạn cho địa phương cần được xem xét lại cẩn trọng hơn.

Bài học thứ 2: Không nên vu vạ cho cấp dưới, đổ tội cho nhân dân!

Đây có lẽ là bài học “đắng” nhất cho một số cán bộ của Tiên Lãng và Hải Phòng trong việc họ đổ thừa trách nhiệm. Tranh luận về chuyện đúng – sai trong các quyết định thu hồi, cưỡng chế đối với đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn chỉ là một phần, điều khiến dư luận “sôi máu” nhất chính là người này đổ lỗi người kia và không ai dám nhận trách nhiệm về mình.

Sau khi vụ giật đổ nhà ông Đoàn Văn Vươn bị báo chí phát hiện thì lần lượt ông Đỗ Trung Thoại – Phó chủ tịch UBND thành phố, ông Đỗ Hữu Ca cho đến ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch huyện Tiên Lãng đều thi nhau đổ cho nhân dân. Sự tráo trở, lèo lá này đã thổi bùng thêm một ngọn lửa phẫn nộ trong dư luận.

Thậm chí đến khi lộ ra sai sót, vẫn không thấy có quan chức nào đứng ra dũng cảm nói 2 từ “xin lỗi”. Chỉ đến cuộc họp ngày 10-2, Thủ tướng mới nghiêm khắc yêu cầu xem xét trách nhiệm từng cơ quan, từng cá nhân lãnh đạo thành phố Hải Phòng…

Chúng ta hãy cùng nghe mô tả đến là say mê trong một bài phỏng vấn của một quan chức thành phố Hải Phòng: “Đây là việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng, việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả”.

Không ai có thể hiểu nổi người đứng ở cương vị như ông lại có thể có những lời lẽ như vậy.

Nhà thơ Việt Phương từng kể một mẩu chuyện về Bác Hồ trong bài “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương”: Có lần Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ “trận đánh đẹp” trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói, một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp.

Những từ “rất là hay” “rất là đẹp” được mang ra mô tả cho một thất bại trong việc cưỡng chế dẫn đến việc 6 cấp dưới bị thương, còn đối tượng của trận đánh không ai khác chính là.. vài người dân.

“Viết sách” hoàng tráng là thế, nhưng đến khi xử lý kỷ luật thì chỉ một mình Thượng tá Lê Văn Mải – Trưởng Công an huyện Tiên Lãng chịu trách nhiệm. Ai cũng thừa hiểu rằng: Không có sự chỉ đạo của Công an thành phố thì Công an huyện Tiên Lãng nào dám huy động cả một lực lượng ngang với quy mô đi đánh giặc như thế!

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ra kết luận, trong cuộc họp ngày 6-2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng mặc dù đã kiểm điểm nhiều cá nhân nhưng chưa thấy có bất cứ một cán bộ cấp thành phố nào được nhắc đến. Thử hỏi, nếu không có sự chỉ đạo hoặc ít nhất là “bật đèn xanh” của lãnh đạo thành phố thì huyện Tiên Lãng có làm một loạt các việc tày trời như thế không?

Sau yêu cầu của Thủ tướng, chắc chắn lãnh đạo thành phố Hải Phòng sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân nhưng vấn đề là họ kiểm điểm đến đâu và kiểm điểm ở mức độ như thế nào?

Bài học thứ 3: Đằng sau mỗi biến cố đều có nguyên nhân của nó

Tìm hiểu ở nhiều xã vùng biển khác của huyện Tiên Lãng: Hùng Thắng, Đông Hưng… chúng tôi phát hiện ra rằng: Người dân ở đây được cấp các quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản với các thời gian khác nhau mà không theo một quy luật nào cả. Và hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn không phải là duy nhất, có hàng trăm trường hợp ở các xã khác nhau đều ở tình trạng tương tự.

Có một điều lạ là các hộ dân chỉ được giao đất ở các hạn: 4 năm, 13 năm, 14 năm, ai thoải mái nhất thì được 15 năm. Hầu như không có ai được giao đúng 20 năm như quy định của Luật đất đai. Việc nuôi trồng thủy sản ven biển yêu cầu phải đầu tư trong thời gian dài, việc rút ngắn thời gian thuê đất của huyện Tiên Lãng chẳng khác nào hành động “cho trồng cây” nhưng “không cho ngày hái quả!”.

Chúng ta hãy cứ tin là bộ máy chính quyền Tiên Lãng thừa sức hiểu Luật Đất đai – họ cũng thừa hiểu việc rút ngắn thời gian giao đất là phạm luật. Biết sai mà vẫn dám làm, vì sao thế?

Một chủ doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhẩm tính cho chúng tôi: Tiên Lãng có hàng chục kilômét đất ven biển được giao cho hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy hải sản. Uớc tính mỗi hộ đầu tư vào đây vài tỷ đồng, đấy là chưa kể công lấn biển, đắp đập, be bờ. Muốn thu hồi được số vốn này sau khi đã ổn định khai thác cũng phải mất cả chục năm. Như vậy nếu huyện thu hồi trước hạn dăm năm thì số lợi nhuận của người dân đáng ra được hưởng phải lên đến hàng chục tỉ đồng.

Người ta vẫn nói vui là “tiền không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác”. Huyện Tiên Lãng nói “để xây sân bay” nhưng chắc chắn, dự án này mới chỉ trên giấy tờ và đến khi thực hiện phải mất dăm năm, thậm chí cả chục năm trời. Trong những năm “chờ đợi” ấy, người ta hoàn toàn có thể cho “ai đó” nhảy vào kiếm lời từ những đầm ao mà người dân đã làm sẵn. Chỉ thế thôi, mức lợi nhuận cũng không thể tính đâu cho hết.

Đây chỉ là một giả thiết, hy vọng, đây không phải là động cơ đằng sau vụ cưỡng chế gây tai tiếng này.

Nỗi băn khoăn lớn: Sau sự phản kháng quá đáng và phạm luật này số phận của ông Vươn sẽ đi về đâu?

Ông Đoàn Văn Vươn

Cực chẳng đã, kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn mới phải phản kháng và liều mình như chẳng có. Và kết cục, mặc dù gây được tiếng vang, dù nói hộ được lời nói cho hàng triệu người dân khắp cả nước nhưng sự thật vẫn là sự thật: “Ông vương” vẫn đang phải đối mặt với 2 tội danh “Giết người” và “chống người thi hành công vụ”.

Mặc dù Thủ tướng đã kiến nghị các cơ quan tố tụng xem xét hành vi giảm nhẹ cho các bị cáo nhưng ai cũng hiểu: Mức án dành cho 2 tội danh này không nhẹ một chút nào – luật pháp vẫn là luật pháp. Đành rằng hành vi manh động của Đoàn Văn Vươn là đáng bị lên án nhưng ai cũng hiểu nó xuất phát từ sự bất bình và cùng quẫn đến đường cùng, xuất phát từ các quyết định sai lầm của chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ông Vươn được sử dụng đất nhưng với cơ sở vật chất đã bị hủy hoại, vợ con ông sẽ phải làm lại từ đầu. Bản thân ông Vươn và em, cháu trai của ông thì chỉ có thể bắt đầu sau khi đã trả xong án phạt tù.

Trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn khiến chúng ta liên tưởng đến trường hợp của cầu thủ rất nổi tiếng là Bosman, người đã hi sinh cả sự nghiệp trong nhiều năm để đi khắp châu Âu đòi quyền lợi cho cầu thủ bóng đá. Khi “Phán quyết Bosman” ra đời mang lại quyền lợi cho hàng ngàn cầu thủ bóng đá cũng là lúc cha đẻ của nó bắt đầu thất nghiệp, trải qua cuộc sống khó khăn cho đến khi lìa đời trong nghèo khổ.

Trường hợp của Đoàn Văn Vươn cũng tương tự. Chúng ta đã có thể khẳng định “phán quyết Đoàn Văn Vươn” gần như một sự thức tỉnh nhưng người tạo ra phán quyết đó, tương lai không biết đi về đâu.

Hoàng Thắng