Từ thiếu bỗng thừa, lãng phí nhưng giá điện lại không giảm
Từ thiếu điện bỗng "dư điện", giảm giá vẫn hết sức khó khăn
Khi bàn về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh đến việc "tập trung xác định nút thắt của nền kinh tế, của ngành, địa phương mình; từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho phát triển mạnh và bền vững".
Lý giải về đề nghị này, đại biểu Hậu cho biết, nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì cũng như việc xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được điểm nghẽn.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhiều trăn trở những nút thắt của ngành điện. |
Nhấn mạnh việc "cơ cấu lại nền kinh tế" phải bắt đầu từ "xác định nút thắt" của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế, ông Hậu lấy dẫn chứng ngay về một số vấn đề ở ngành điện.
Theo đại biểu, điện được coi là "máu" của nền kinh tế, của sinh hoạt và đời sống của người dân nhưng vừa qua vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn lớn. Cụ thể theo đại biểu Hậu, vừa qua chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước từ chỗ luôn lo lắng vì thiếu điện bỗng "dư điện". Và điều đáng lưu ý đó là điện sạch từ gió, từ mặt trời, đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới lại và phần lớn đầu tư từ nguồn lực ngoài nhà nước.
"Nhưng rồi phải tạm ngừng phát triển, những nơi đã phát điện thì cắt giảm công suất. Lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực xã hội", đại biểu Hậu băn khoăn.
Cũng theo vị đại biểu, điện dư nhưng việc giảm giá hết sức khó khăn. Thêm nữa, khung giờ 9 đến 11h là khung giờ "vàng" cho sản xuất; cũng là khung giờ "vàng" cho phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm, doanh nghiệp phải trả với mức giá cao nhất. "Những mâu thuẫn ấy là do đâu? Nút thắt nào khiến cho những mâu thuẫn ấy bao nhiêu năm nay nói mãi mà không sửa được?", đại biểu trăn trở.
Ông Hậu nhớ lại, năm 2004, ông cùng thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ Môi trường Quốc hội khóa 11 tham gia thẩm tra Luật Điện Lực.
"Khi ấy, chúng tôi đã rất hào hứng, bàn luận và kỳ vọng vào điều 18 và 19 về hình thành và phát triển thị trường điện lực. Lúc ấy chúng tôi đều cho rằng, việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là tách bạch rõ ràng các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện quốc gia. Trong đó, Nhà nước chỉ nắm chặt khâu then chốt, huyết mạch là truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia… Còn lại, để cho doanh nghiệp cạnh tranh thực thụ… Điều này sẽ tạo sức bật cho ngành điện phát triển", ông Hậu kể.
Sau gần 20 năm, ngành điện vẫn gây trăn trở
Thời điểm ấy, ông Hậu cho rằng đây là việc khó nhưng nút thắt khó gỡ nhất nằm trong tư duy và quyết tâm, chịu làm hay không, dám làm hay không của chính ngành điện và ngành chủ quản.
"Chúng tôi cho rằng, chắc phải 10 năm mới xong. Rồi, chúng tôi lại nói vui rằng đặt mốc năm 2020 cho... chắc ăn. Tiếc rằng, bây giờ đã cuối năm 2021 nhưng chuyện có một thị trường điện thực sự có vẻ vẫn còn rất xa vời", đại biểu Hậu trăn trở.
Kể lại câu chuyện cũ, điều mà đại biểu Hậu muốn nhấn mạnh đó là nếu trong 5 năm tới, ngành điện xác định được những nút thắt của mình; Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cơ cấu lại theo hướng tách bạch rõ ràng các chủ thể của các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện, điều độ hệ thống điện quốc gia.... thì ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn; người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện với giá rẻ hơn, hợp quy luật hơn…
Cũng góp ý về câu chuyện phát triển ngành điện, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đồng tình với quan điểm của đại biểu Hậu.
Theo đại biểu Tuấn, tái cơ cấu cần phải xây dựng chính sách cơ chế đột phá thu hút nguồn lực bên ngoài, phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn. Những cơ chế chính sách đó phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng lợi thế để tạo sự phát triển toàn diện ở địa phương, các ngành, vùng miền… Đặc biệt, tài nguyên nắng, tài nguyên gió, để sản xuất năng lượng tái tạo.
"Đó là những tài nguyên vô hạn, có giá trị vô cùng to lớn. Nếu có cơ chế đột phá để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các loại tài nguyên này sẽ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước", ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cũng nhấn mạnh khi thực hiện tái cơ cấu, Chính phủ cần cẩn trọng sắp xếp ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách trước để thực hiện.
Góp ý về kế hoạch tái cơ cấu, ông Minh đưa ra ba vấn đề lớn, trong đó có lưu ý ngành điện lực cần đổi mới để phát triển bền vững. Theo đó đại biểu đề nghị tách phần truyền tải điện, phân phối…. Nhà nước quản lý sao để xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, giảm chi phí cho người dân, cho nền kinh tế.
Theo Dân trí
-
Thúc đẩy phát triển các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi
-
Cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành điện
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng
-
Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn