TS. Nguyễn Quốc Thập: Sửa đổi Luật Điện lực cần tạo một hành lang pháp lý đầy đủ cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp
TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. |
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi Luật Điện lực trong thời gian vừa qua, cũng như sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Theo tôi, sau gần 20 năm được ban hành và thực thi, Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có vai trò rất lớn trong phát triển hoạt động điện lực của nước ta như: Góp phần phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia; Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực và sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái; Xây dựng và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối, bán buôn, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực; Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; Đảm bảo hiệu quả trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực điện lực, đồng thời thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về điện lực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung/hoạt động quy định trong Luật Điện lực đến thời điểm hiện tại chưa điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh kịp thời, các quan hệ pháp lý phát sinh trong hoạt động thực tiễn như: Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ; Việc phát triển nguồn điện trong những năm gần đây chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải; Hệ thống truyền tải điện chưa đồng bộ và đáp ứng yêu cầu; Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nhập khẩu; Huy động vốn cho các dự án điện ngày càng khó khăn; Vấn đề về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện... dẫn đến nguy cơ thiếu điện ngày càng lớn, do một số nguyên nhân, trong đó có vướng mắc hoặc thiếu hướng dẫn trong quá trình thực thi hoạt động điện lực.
Ngoài ra, do sự biến động của thị trường năng lượng trong thời gian qua và trong thời gian tới - đó là xu thế chuyển dịch năng lượng xanh trên toàn cầu. Do đó, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới thực sự là cần thiết nhằm tạo ra một hành lang pháp lý đủ để giải quyết một cách một cách tổng thể các phát sinh, vướng mắc nêu trên.
PV: Như ông vừa nói, chuyển dịch năng lượng xanh là xu thế toàn cầu trong thời gian tới, vậy theo ông, hiện nay việc chuyển dịch năng lượng này có những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Tôi cho rằng, việc đầu tư khai thác điện gió, điện khí và các dạng năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã ngày được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và các khách hàng sử dụng điện quan tâm, đó cũng là xu thế chung và tất yếu của thị trường năng lượng trong thời gian tới - xu thế phát triển, sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường đầu tư, tiêu thụ điện khí, điện gió và điện phát từ các dạng năng lượng tái tạo khác vẫn còn tăng trưởng chậm trong thời gian qua so với mục tiêu trong Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt do một số nguyên nhân, cũng như khó khăn, thách thức như:
Đối với lĩnh vực điện khí: Thiếu khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận về pháp lý - kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí LNG; Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG hiện tại còn thiếu; Cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG chưa có hướng dẫn cụ thể để các nhà đầu tư tham gia; Chưa có cơ chế bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí - LNG; Hiện chưa có quy định bên mua điện thực hiện bao tiêu sản lượng điện đối với điện khí LNG và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện khí LNG; Luật Giá hiện hành chưa quy định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa LNG thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nên cước phí này sẽ được các bên liên quan đàm phán và thống nhất, dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán khí LNG và điện tương ứng...
Trong lĩnh vực điện gió: Về chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió còn có nhiều vướng mắc và chưa thống nhất, rõ ràng giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như tại Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư, Luật Đất đai; Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tại các văn bản quy phạm pháp luật; Chưa có khung chính sách giá, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi; Điều kiện đầu tư dự án điện gió đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng, cụ thể...
PV: Vậy theo ông, Luật Điện lực cần phải sửa đổi như thế nào để “tháo gỡ” những khó khăn, thách thức đó, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án năng lượng xanh?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Theo tôi, việc ban hành và sửa đổi Luật Điện lực lần này cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về những khó khăn, vướng mắc do các doanh nghiệp/nhà đầu tư, khách hàng tiêu thụ điện nêu trên để có hướng dẫn, quy định bổ sung, cụ thể trong khuôn khổ của luật chuyên ngành và các luật có liên quan, cũng như tại các văn bản hướng dẫn dưới luật sau này nhằm tạo điều kiện để “tháo gỡ” những khó khăn đó; đồng thời cũng thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án năng lượng tái tạo như điện gió/điện gió ngoài khơi và điện khí như: Cần nghiên cứu cơ chế xây dựng Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có nhu cầu sử dụng điện đủ lớn; Cơ chế/chính sách về thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG và điện gió ngoài khơi; Đa dạng hóa việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là truyền tải cho các nhà máy điện khí LNG và điện gió ngoài khơi...
PV: Hiện nay, khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí được Bộ Công Thương ban hành theo hàng năm, điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc đầu tư của doanh nghiệp và thị trường điện, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Việc khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí được Bộ Công Thương ban hành theo hàng năm, cũng là việc thực hiện các quy định tại Luật Điện lực nhằm tạo cơ sở cho các chủ đầu tư và khách hàng sử dụng điện trong quá trình đàm phán mua bán điện. Tuy nhiên, việc ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hàng năm, tôi cho rằng đối với các chủ đầu tư các nhà máy điện khí, cũng như khách hàng sử dụng điện sẽ gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của mình do không tính toán được hiệu quả đầu tư, cũng như trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch trung, dài hạn, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp, cũng như đối với khách hàng tiêu thụ điện.
Do vậy, cơ chế về giá điện khí cần phải mang tính dài hạn và cần phải tuân theo cơ chế thị trường (do chi phí nhập khẩu LNG chiếm phần lớn trong giá thành sản xuất điện); cũng như có hướng dẫn cụ thể về các cam kết dài hạn (về mua và bán khí LNG; về hợp đồng mua bán điện với khách hàng tiêu thu điện;...).
PV: Có một số ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải xây dựng một bộ luật riêng cho năng lượng tái tạo ngoài khơi. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Hiện các nội dung trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chưa đủ bao trùm cả chuỗi các sản phẩm cuối cùng của năng lượng tái tạo, bao gồm không chỉ là điện năng mà còn là các sản phẩm trong chuỗi sạch, xanh và tuần hoàn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và chuỗi sản phẩm của điện gió ngoài khơi. Vì vậy, tôi cũng cho rằng rất cần thiết phải xây dựng riêng một bộ luật về năng lượng tái tạo và chuỗi sản phẩm của năng lượng tái tạo ngoài khơi. Công việc này cần nhiều thời gian, công sức và các bài học rút ra từ các dự án thử nghiệm ngoài khơi của Việt Nam và kinh nghiệm của các nước đã và đang triển khai rất thành công trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Cần thiết phải xây dựng một bộ luật riêng cho năng lượng tái tạo ngoài khơi/Ảnh minh họa |
PV: Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị có định hướng phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trở thành một tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, gắn với phát triển các lĩnh vực truyền thống của ngành Dầu khí, nhưng đồng thời cũng xác định vai trò chủ lực tiên phong của Tập đoàn trong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Vậy theo quan điểm của ông, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), những quy định nào cần phải tập trung sửa đổi để Petrovietnam hoàn thành mục tiêu đó?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Đây là định hướng mang tính chiến lược dài hạn cho sự phát triển một cách bền vững của ngành Dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng đã được Bộ Chính trị thông qua. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển và mở rộng các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam ngoài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng truyền thống. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội như nêu trên thì những khó khăn, thách thức luôn nảy sinh và xuất hiện trong quá trình hoạt động và phát triển trong giai đoạn mới của Petrovietnam như: Vấn đề về thị trường năng lượng và dầu khí, về xây dựng hạ tầng ngành Dầu khí, hạ tầng năng lượng, trong đó có lĩnh vực công nghiệp điện là một trong năm lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn; Về thu hút vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; Về phát triển khoa học - công nghệ;...
Để Petrovietnam hoàn thành được các mục tiêu đã được Đảng và Nhà nước giao thì việc giải quyết được các khó khăn, thách thức trong giai đoạn phát triển mới là hết sức quan trọng, bên cạnh việc phát huy nội lực từ Tập đoàn, thì việc chính sách pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung và lĩnh vực điện nói riêng ngày càng được hoàn thiện và đáp ứng được với yêu cầu phát triển của tình hình mới là hết sức cần thiết, trong đó việc ban hành và hoàn thiện, sửa đổi mới Luật Điện lực sẽ tạo cơ chế, hành lang pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp với thực tiễn hơn trong tình hình mới, nhằm giải quyết được các vướng mắc tồn tại trên thực tế như cơ chế về đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy/công trình phát điện (do còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nhập khẩu); Cơ chế về huy động vốn cho các dự án điện; Giải quyết các vấn đề vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện;... Từ đó sẽ giúp và tạo điều kiện cho Petrovietnam hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã giao.
PV: Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm việc trong lĩnh vực Dầu khí tại Việt Nam, góp ý vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Hội Dầu khí Việt Nam có đề xuất gì để hiện thực hóa mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng Quốc gia, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Thập: Như câu trả lời trước đó, tôi đã đưa ra ý kiến nguyên nhân và sự cần thiết ban hành sửa đổi Luật Điện lực lần này, cũng như các luật có liên quan điều tiết đến hoạt động điện lực như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Thuế... nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn nữa, cũng như từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Theo tôi, để hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng Quốc gia và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong khi chờ đợi việc hoàn thiện sửa đổi tất cả các bộ luật liên quan, thì rất cần thiết phải tạo lập các cơ sở và khung pháp lý cho các cơ quan thực thi từ Chính phủ, các Bộ, ngành tới các doanh nghiệp/chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các dự án điện nói riêng và các các dự án năng lượng nói chung. Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất giải pháp có tính bao trùm, đó là kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội bao gồm các điều kiện cần thiết cho phép triển khai song song với quá trình hoàn thiện các bộ luật theo tinh thần của Nghị quyết chuyên đề đó.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mạnh Tưởng (thực hiện)
- Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi
- Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
- Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
- Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
- Tháo gỡ cơ chế cho điện LNG từ bài học Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4
-
Giá dầu hôm nay (25/10): Dầu thô tăng trong phiên
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/10: Nhiều nhà máy lọc dầu ở California cân nhắc đóng cửa
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/10: Giá dầu thế giới lấy lại đà tăng
-
Giá dầu hôm nay (24/10): Dầu thô tăng trong phiên