Trung Quốc hứng chỉ trích vì "món quà 55 triệu USD" cho Sierra Leone
Bãi biển Tokeh tại Sierra Leone gần khu vực xây dựng một "cảng cá" theo thỏa thuận giữa Sierra Leone và Trung Quốc (Ảnh: Tripadvisor). |
Hãng tin CNN dẫn các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã bí mật tài trợ cho quốc gia Tây Phi Sierra Leone 55 triệu USD để xây dựng một "cảng cá" trên một bãi biển và khu rừng nhiệt đới lân cận vốn vẫn còn hoang sơ. Vấn đề gây tranh cãi là khu rừng nhiệt đới này là nơi cư trú của các loài rùa và tê tê có nguy cơ tuyệt chủng.
Thông tin này bị lộ sau khi các quan chức ở khu vực Vịnh Cá Voi, nơi dự kiến xây dựng bến cảng, trao đổi với người dân địa phương về việc giải tỏa đền bù đất đai.
Nhiều tin đồn rộ lên, trong đó có tin cho rằng, đây là dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột cá. Bởi trên thực tế, Trung Quốc đã tài trợ xây dựng nhiều nhà máy sản xuất bột cá mọc dọc theo bờ biển Tây Phi trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp này đang hứng chỉ trích vì tàn phá môi trường địa phương, "nuốt chửng" lượng lớn cá và thải ra chất thải độc hại, gây mùi hôi thối.
Hiện cả Bắc Kinh và Freetown phủ nhận tin đồn về việc xây dựng một nhà máy bột cá nhưng thừa nhận việc đã ký một thỏa thuận, dù không công bố thêm thông tin chi tiết. Hôm 18/5, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio tuyên bố, dự án này là một phần của sáng kiến Vành đai, con đường của Bắc Kinh và nhằm hỗ trợ ngành đánh bắt cá địa phương.
"Chúng tôi sẽ thực hiện thẩm định mọi vấn đề về môi trường", nhà lãnh đạo trên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những người làm công tác bảo vệ môi trường, chủ sở hữu đất, và các nhóm vận động chỉ trích thỏa thuận này là "thảm họa sinh thái và nhân loại khủng khiếp". Theo tiến sĩ Sama Banya, chủ tịch danh dự Hội Bảo tồn Sierra Leone, dự án trên sẽ có tác động "thảm họa" đối với nền du lịch và ngành ngư nghiệp. Theo các chuyên gia môi trường, những động thái như vậy không phù hợp với lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là xây dựng một "nền văn minh sinh thái" cũng như quyết tâm trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về chống biến đổi khí hậu của Bắc Kinh.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đây sẽ là dự án "cảng cá cho tàu đánh bắt hiện đại" theo đúng "mong ước ấp ủ lâu nay" của người dân Sierra Leone. Nhưng bộ này từ chối cho biết rõ thông tin chi tiết về tập đoàn hay ngân hàng nào của Trung Quốc tham gia dự án cũng như các điều khoản tài trợ, mà chỉ đơn giản thông báo: "Sierra Leone nắm toàn quyền sở hữu đất và cảng".
Sierra Leone nỗ lực mở rộng ngành đánh bắt cá nhằm đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Điều này thật sự có lợi cho đất nước nếu được thực hiện theo cách trách nhiệm, uy tín. Tuy nhiên, những nghi ngại về dòng tiền tài trợ của Trung Quốc bùng lên những chỉ trích và tranh cãi gay gắt. Theo một nghiên cứu về các hợp đồng cho vay của Trung Quốc vào đầu năm nay, các thỏa thuận của Bắc Kinh thường bao gồm các điều khoản bí mật liên quan đến sáng kiến Vành đai, con đường.
"Kết quả là bất kỳ thỏa thuận nào của Trung Quốc cũng đều bị nghi ngờ", Cobus van Staden, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc - châu Phi tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi, nói. Theo ông, thực tế là, nhiều quốc gia ở lục địa đen đang lún sâu hơn vào "bẫy nợ", thế chấp quyền tự chủ về chính sách đối ngoại, bán các vị trí chiến lược quan trọng cho Trung Quốc.
Theo Dân trí
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị