Trung Quốc có đối mặt với “thời khắc Lehman Brothers”?
Giới đầu tư lo lắng
Theo SCMP đưa tin, ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc xuống 4,6%, thấp hơn mức mục tiêu khiêm tốn của Chính phủ nước này là 5%. Đồng thời cảnh báo về một “phản ứng dây chuyền” nguy hiểm bắt nguồn từ việc Chính phủ không ngăn chặn được khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Công nhân đi ngang qua công trường xây dựng các tòa nhà dân cư của nhà phát triển bất động sản Country Garden tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
“Doanh số bán nhà sụt giảm có thể dẫn đến số vụ vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản tăng lên, doanh thu giảm mạnh, nhu cầu về vật liệu xây dựng giảm, lương của nhân viên trong lĩnh vực bất động sản và Chính phủ giảm, tiêu dùng yếu hơn và các tổ chức tài chính chao đảo”, Nomura đánh giá.
Trước đó một tháng, những dự đoán tương tự như vậy sẽ bị các nhà đầu tư toàn cầu coi là quá bi quan hoặc là một rủi ro chưa đáng để quan tâm quá nhiều. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, các nhà đầu tư đã trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều với các lỗ hổng khi một nỗi sợ hãi khác về Trung Quốc bắt đầu xuất hiện.
Lần đầu tiên kể từ khi China Evergrande Group vỡ nợ bằng đô la Mỹ vào năm 2021, nỗi lo sợ về sự lây lan tài chính lan rộng đã gia tăng. Khủng hoảng tiền mặt tại Country Garden Holdings mới đây cũng đang trở nên trầm trọng hơn, do các khoản lỗ ngày càng gia tăng giữa các nhà phát triển thuộc sở hữu Nhà nước vốn đã ổn định trước đây, khiến khả năng họ tiếp nhận những dự án còn dang dở bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đáng lo ngại không kém, nhiều rắc rối liên quan đến tài sản của Zhongrong International Trust làm dấy lên lo ngại về ngành ngân hàng “ngầm” rộng lớn của Trung Quốc.
Tuần trước, có những dấu hiệu cho thấy các lỗ hổng ở Trung Quốc đang định hình tâm lý toàn cầu. Chỉ số FTSE All-World - thước đo chứng khoán toàn cầu có tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ vào tháng 3/2023. Dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc được cho là khớp với chuỗi bán ròng dài nhất, kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2016.
Đặc biệt, đã có một sự thay đổi đáng chú ý trong quan điểm bình luận thị trường về Trung Quốc. JPMorgan cho biết, việc Country Garden vỡ nợ sẽ là “cú đấm” cuối cùng đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Còn theo Bank of America, rủi ro của một sự kiện tín dụng ở Trung Quốc đang khiến thị trường toàn cầu hoảng sợ. Trong khi đó, Gavekal Research có quan điểm tiêu cực rằng: “Điều đáng lo ngại là thời điểm Lehman đang vẫy gọi”.
Lệch pha với tài chính toàn cầu
Nicholas Spiro, chuyên gia tại Lauressa Advisory cho biết, mặc dù không nên xem nhẹ những rủi ro nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng của chúng đối với thị trường toàn cầu và ảnh hưởng của thị trường đối với phản ứng của Bắc Kinh dễ bị hiểu sai và phóng đại quá mức.
Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với “thời điểm Lehman Brothers” và nước này cũng không có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro hệ thống tài chính do Nhà nước sở hữu |
Thứ nhất, không nên phóng đại tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đối với Phố Wall. Việc bán tháo cổ phiếu toàn cầu vào tuần trước có liên quan nhiều hơn đến sự gia tăng mạnh của lợi suất trái phiếu trên toàn thế giới, do các nhà đầu tư nhận ra lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự đoán.
Những phát hiện trong cuộc khảo sát quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của Bank of America cho thấy, Trung Quốc thậm chí không nằm trong số rủi ro lớn nhất trên thị trường. Nói cách khác, những người được hỏi coi bất động sản thương mại của Hoa Kỳ là nguồn có khả năng xảy ra “sự kiện tín dụng có hệ thống” hơn là bất động sản Trung Quốc. Điều này chủ yếu là do các mối liên kết của thị trường bất động sản Trung Quốc với hệ thống tài chính toàn cầu không ở cùng quy mô với một ngân hàng đầu tư lớn ở Phố Wall.
Thứ hai, người ta nghi ngờ liệu áp lực mạnh mẽ hơn từ thị trường có buộc Bắc Kinh phải ra tay hay không. Hiện các nhà đầu tư nên hiểu rõ sự ổn định là ưu tiên hàng đầu trong chính sách nhà ở. Điều đó không ngăn cản các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn, nếu điều kiện thị trường xấu đi một cách nghiêm trọng. Thực tế nó đã không xảy ra do thiệt hại phát sinh đã nói lên rất nhiều điều.
Thứ ba, ngay cả khi áp lực từ thị trường gia tăng, vẫn chưa rõ liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có biết cách phản ứng hay không, do sự khác biệt chính sách lâu dài trong Chính phủ và các yếu tố liên quan đến độ nhạy cảm và luồng dữ liệu tại thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với “thời điểm Lehman Brothers” và nước này cũng không có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro hệ thống tài chính do Nhà nước sở hữu. Điều này giúp giải thích tại sao các nhà đầu tư toàn cầu không cần thiết phải quá lo lắng. Cuộc khủng hoảng là một cuộc khủng hoảng kinh tế cấu trúc, mà không áp lực thị trường nào có thể giải quyết được”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp