Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Trẻ hư tại người lớn

07:00 | 01/06/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nick Vujicic đến Việt Nam đã trở thành đề tài thời sự, tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ. Tấm gương sáng mang tầm cỡ thế giới ấy đã lay động con tim của hàng tỉ con người. Nhưng ai sẽ học tập và noi gương Nick?

Bùi Đức (NLM số 226)

Nhìn vào thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, các bậc phụ huynh cảm thấy buồn lòng vì tỷ lệ thanh, thiếu niên hư hỏng, phạm tội quá lớn. Xu hướng “trẻ hóa” của đối tượng này đã biểu hiện ở cả lứa tuối thiếu nhi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan…”. “Ăn ngủ” để lớn lên về thể chất, “học hành” là để lớn lên về trí tuệ. Đó là sự lớn khôn mà gia đình và xã hội đều mong muốn. Đại đa số trẻ em đều trưởng thành bình thường như vậy và trở thành những công dân có ích, cho dù các em ở vị trí nào trong xã hội. Những năm đất nước còn khổ cực, thiếu thốn do chiến tranh và thời kỳ bao cấp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Chúng ta chưa xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nhưng những gì thuộc về chủ nghĩa xã hội thì chúng ta dành cho các cháu”. Từ khi đất nước đổi mới, điều kiện kinh tế khá giả, thanh thiếu niên, nhi đồng đã có điều kiện hưởng thụ đầy đủ mọi nhu cầu của cuộc sống, được hòa nhập toàn cầu thì lại phát sinh những tiêu cực đáng tiếc nói trên. Các cụ xưa có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng ở thời buổi hiện nay thì ngược lại, phú quý sinh bất lễ nghĩa!

Nhiều bậc phụ huynh mải lo làm giàu, mải ganh đua giành giật địa vị và hưởng thụ nên đã lãng quên chăm lo, quản lý và giáo dục con cái. Họ đã phó mặc chúng cho nhà trường và xã hội, con cái thích gì được nấy, chiều chuộng quá mức đến khi chúng đã hư hỏng rồi vẫn chưa hề biết.

Công nghệ thông tin là con dao hai lưỡi, là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sa lầy vào hư hỏng. “Chúng ta không thể ngăn được trẻ em tiếp cận những thông tin xấu, những trang web đen trên mạng Internet. Thường những em “ngập” sâu và bị chi phối hoàn toàn vào thế giới ảo đều không thiết đến chuyện học hành, không có mục tiêu ở cuộc sống thực; nhưng các em lại muốn mình được công nhận trên thế giới ảo. Ở đó, các em được sống khác người, tìm thấy cứu cánh cho hoàn cảnh bị bỏ rơi giữa gia đình của mình” - TS tâm lý học Nguyễn Kim Quý ở Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em (Hội Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam) phân tích.

Nhiều đứa trẻ đã dành 2/3 thời gian cho những trò chơi điện tử, xem video đen và tán gẫu với bạn bè trên mạng. TS Nguyễn Kim Quý nói rõ thêm: “Nhiều phụ huynh không biết gì về công nghệ thông tin để trao đổi với con, kiểm soát, phát hiện những dấu hiệu không bình thường của con em mình khi tham gia thế giới ảo. Vai trò quan trọng đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ phải là gia đình. Trên thực tế, nhiều gia đình giàu có, chiều con vô điều kiện, đáp ứng mọi nhu cầu của đứa trẻ, chỉ khiến trẻ biến thành một người ích kỷ, không biết chia sẻ, vô cảm với xung quanh”.

Nguyên nhân tâm sinh lý cũng là điều ít bậc phu huynh chú ý đến. Một số trẻ em bị chấn thương về tình cảm, sớm phải chứng kiến những cảnh thương tâm của người ruột thịt như tai nạn, chết chóc, bố mẹ chia lìa hoặc mồ côi, tuổi thơ thiếu tình thương yêu... khiến các em có những hành vi lệch chuẩn về đạo đức như vô lễ, lập dị trong sinh hoạt, xa lánh mọi người và lệch chuẩn cả về luật pháp... Các em thường thích nổi bật, ăn mặc đầu tóc quái dị, nói năng bừa bãi, có những hành vi ngông nghênh mà những người nghiêm túc khó lòng chấp nhận. Có một bộ phận trẻ em ngoan nhưng do quản lý lỏng lẻo nên bị bạn xấu lôi kéo vào chơi bời lêu lổng sinh ra trộm cắp.

Điều kiện vật chất và tinh thần đầy đủ, tiếp cận sớm với thông tin hiện đại nên trẻ em ngày nay phát dục sớm từ tuổi 11, 12. Do đó, quan hệ tình dục dẫn đến mang thai ở lứa tuổi này đã trở thành phổ biến. Và tệ nạn mại dâm phát triển tràn lan cũng là lẽ thường tình. Khi ở lứa tuổi vị thành niên đã mắc vào những tệ nạn xã hội, sớm mang vết nhơ cho cuộc đời thì chúng khó trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội. Vì thế, vấn đề bây giờ không phải chỉ đưa các trẻ em hư trở về với cuộc sống bình thường của cộng đồng mà còn phải có biện pháp ngăn chặn, khống chế đến mức thấp nhất sự lây lan như một căn bệnh dịch đối với lớp trẻ. Quan trọng nhất là phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm. Khó khăn sẽ được khắc phục khi trẻ em trở về với đời thường được mọi người nhìn nhận bình đẳng, không định kiến.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra vốn bản chất thiện, những thói xấu là do bị tiêm nhiễm trong cuộc sống. Vì vậy, trẻ em hư có thể giáo dục lại  nhưng cần có phương pháp tốt, môi trường tốt, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tăng cường sức cảm hóa, khơi gợi nhân tính, lương tri ở các em. Như y học, muốn trị bệnh trước hết phải biết đúng bệnh, do vậy, việc làm đầu tiên của chúng ta là phải phân loại trẻ em hư, biết được nguyên nhân nào đã dẫn tới hậu quả đó.

Đa phần trẻ em hư thường ngang ngạnh hơn khi thấy bị bỏ rơi, bị tẩy chay, bị ghẻ lạnh, các em cũng luôn khao khát tình thương, sự bao dung độ lượng. Các em cần được uốn nắn kiên trì, cần được hướng vào các hoạt động tập thể lành mạnh, có thể được giao một số việc cụ thể ở trường, lớp để khôi phục niềm tin ở trẻ, hướng sự hứng thú của trẻ vào các hoạt động giàu tính nhân văn. Cha mẹ, ông bà, thầy cô, bà con xóm giềng phải là những công dân tốt, mẫu mực để trẻ noi theo. Phải động viên tin tưởng ở sự tiến bộ của trẻ, yêu thương và tôn trọng các em, có niềm tin vào đối tượng giáo dục. Rất đáng trách là nhiều vị phụ huynh đã làm những việc tiêu cực, hành xử thiếu gương mẫu ngay trước mắt trẻ thơ, khiến các em vô tư bắt chước và thậm chí còn làm theo ở mức độ thậm tệ hơn. Vì thế, câu nói: “Con hư tại mẹ, trẻ hư tại người lớn” không sai.

Trở lại với nhân vật Nick Vujicic. Ở nước ta từ thế kỷ XX đến nay cũng không hiếm những tấm gương vượt khó vươn lên của những người dị tật bẩm sinh. Đó là nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký ở Hải Hậu, Nam Định; cố hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng ở Nghi Lộc, Nghệ An; ca sĩ Thủy Tiên ở TP Hồ Chí Minh; Cháu Nguyễn Linh Chi, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Yên Bái). Đó còn là những thương binh tàn nhưng không phế. Nick của nước Australia và nhiều Nick của Việt Nam là như thế nhưng ai sẽ học tập và làm theo Nick? Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi cần phải học nhưng đặc biệt là với những người còn trẻ, chuyên chơi bời, ăn bám. Nick lại càng có giá trị trong việc giáo dục, thuyết phục những thanh, thiếu niên hư hỏng trở lại với cộng đồng. Gương sáng của các “Nick Việt Nam” gần gũi hơn, dễ thuyết phục tuổi trẻ Việt Nam hơn, tại sao chúng ta không thường xuyên cổ vũ, tuyên truyền cho thanh, thiếu niên học tập?

Việt Nam đang hội nhập quốc tế, chúng ta rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Có làm tốt việc giáo dục trẻ em thì mới đáp ứng một phần nhu cầu đó và câu khẩu hiệu: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai mới trở thành hiện thực.

Đ.B