Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 9)
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 4) |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 3) |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2) |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1) |
Trùm mật vụ chế độ nhà Ngô khử vợ chồng Nhu
Bấy giờ, Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ chế độ Ngô Đình Diệm đội lốt giám đốc cái gọi là Sở nghiên cứu chính trị xã hội, đã kéo được Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vào làm cố vấn cho Hội Văn bút (Pen Club), còn các đồng chí của Nhất Linh như Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt), Như Phong (Lê Văn Tiến) thì điều hành hội này. Hội Văn bút từ trụ sở đến tài chính đều do Sở Nghiên cứu chính trị xã hội đài thọ cộng với sự yểm trợ của Cơ quan Viện trợ Văn hóa Mỹ USAID.
Vì vậy, khi trong tờ truyền đơn chống chế độ Ngô Đình Diệm được tung ra trong cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 có tên Nhất Linh thì Ngô Đình Diệm - Nhu và Lệ Xuân lấy làm ngạc nhiên. Ngô Đình Diệm đã hỏi Tuyến: “Chắc ông Tuyến biết rõ vụ đảo chánh trên vì ông nắm bọn này mà?”. Trần Kim Tuyến đành phải trả lời: “Tôi thấy từ khi cụ Nhất Linh vào Nam không có hoạt động chính trị nữa, hay có thì chỉ trên danh nghĩa đảng viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc dân đảng thôi. Chính tờ báo Văn hóa Ngày nay khi Nhất Linh xin xuất bản tôi đã trình Tổng thống và văn phòng ông Cố vấn rồi. Tôi còn trợ cấp bông giấy cho họ in, vì vậy hàng tháng tôi hay đi ăn cơm với Nhất Linh và mấy đồng chí của Nhất Linh.
Ngay cả tờ nhật báo Tự Do cũng do Như Phong và Hiếu Chân đứng chủ biên nòng cốt, nhưng sau bị Mỹ mua chuộc nên họ lén đi với Mỹ để chống chính phủ. Vì vậy, khi đảo chánh bùng nổ, tới phút chót trên truyền đơn họ mới đề tên Nhất Linh vào cho có uy tín thôi. Bây giờ ta phải tìm cách giải quyết cho êm đẹp, khỏi bị dư luận trí thức trong và ngoài nước bàn tán”. Ngô Đình Diệm suy nghĩ và nói: “Để ông Cố vấn xem có cách nào giải quyết vụ Nhất Linh không”. Nhu nhăn trán suy nghĩ và hỏi: “Bây giờ Nhất Linh ở đâu?”.
Trần Kim Tuyến trả lời: “Ngay sau khi đảo chánh thất bại, bọn Thi - Đông đã chuồn sang Cao Miên, còn rớt lại mấy ông chính khách già đã bị công an giữ rồi, duy có cụ Nhất Linh ngày 13.11 đã chạy vào Tòa đại sứ Đài Loan xin tỵ nạn chính trị, vì ở đó có ông Viên Tử Kiện, Đại sứ Đài Loan là bạn của Nhất Linh, và Phó Tổng thống Đài Loan là Trần Thành cũng là bạn của Nhất Linh vì họ đều là Quốc dân đảng cả.
Sài Gòn những năm 1960 |
Bây giờ công an đặc vụ của Dương Văn Hiếu đã bao vây Tòa đại sứ Đài Loan. Đến ngày 14.11, công an, cảnh sát dã chiến bao vây Tòa đại sứ Đài Loan được lệnh rút đi, và Nhất Linh được viên tham vụ Tòa đại sứ lái xe đưa về Tổng nha Cảnh sát để lấy lời khai rồi cho về”. Đấy là do sự can thiệt của Đại sứ Đài Loan, của Linh mục R. de Jaegher, cố vấn của Tưởng Giới Thạch, rồi lời can thiệp của Tuyến nên Nhất Linh không bị giữ lại.
Vợ chồng Nhu bàn: Thôi, để khi đem xử bọn đảo chánh ta sẽ tha cụ Nhất Linh.
Thế nhưng, sau đó Nhu và Lệ Xuân đều theo dõi Tuyến, thấy từ vụ đảo chánh ngày 11.11 đến vụ ném bom ngày 27.2 Tuyến đều giao du với 2 nhóm trên, cho nên Nhu và Lệ Xuân quyết định phải loại Tuyến ra khỏi dinh Độc Lập cho xong. Còn Ngô Đình Cẩn thì thẳng thừng trình Ngô Đình Diệm: Phải bãi chức giám đốc và giải tán cái Sở mật vụ của Tuyến thì Cẩn mới để Nhu phát triển Thanh niên Cộng hòa bà Phong trào Phụ nữ Liên đới, Phụ nữ bán quân sự của vợ chồng Nhu tại miền Trung, và ngược lại Đoàn đặc vụ miền Trung của Cẩn do Dương Văn Hiếu đảm trách sẽ lo an ninh trong miền Nam thay thế sở mật vụ của Tuyến. Nhu - Lệ Xuân thấy cũng có lý vì anh em trong nhà chả lẽ lại còn phản nhau. Điều kiện trên được chấp thuận. Tin này lọt đến tai Tuyến, vì vậy Tuyến phải ra tay trước.
Lúc đó là trước tháng 4.1963, Tuyến chưa chính thức rời khỏi chức vụ nên vần còn nắm trong tay nhiều nhân viên trung thành để Tuyến sai khiến. Tuyến nghĩ hạ sát được vợ chồng Nhu rồi, còn lại Ngô Đình Diệm trong dinh thì dễ thôi, lúc đó muốn cải tổ chính phủ cũng chẳng khó khăn mấy. Tuyến đã chỉ thị mật cho Lê Văn Thái (tức Thái trắng), trưởng phòng báo chí sở mật vụ, móc nối với một số tờ báo, để khi có biến động thì ủng hộ phe của Tuyến. Còn trưởng phòng 5 là Nguyễn Duy Bách thì lo móc nối với nhóm trí thức, đảng phái, đoàn thể. Nguyễn Duy Bách và Đặng Đức Khôi (phụ tá tổng giám đốc thông tin) là hai người được giao nhiệm vụ tổ chức hạ sát Nhu - Lệ Xuân gấp.
Đúng lúc đó, tại Thủ Đức có khóa huấn luyện cán bộ ấp chiến lược do Nhu mới cho thành lập. Ngày 9.5.1963 là ngày khai mạc khóa này, có đủ mặt các tỉnh trưởng, quận trưởng toàn miền Nam về tham dự. Nhu sẽ tới khai mạc và thuyết trình về đường lối ấp chiến lược.
Nguyễn Duy Bách, Đặng Đức Khôi đã tổ chức được một nhóm người thân tín, võ trang súng ống và ăn mặc quần áo bà ba đen, khăn rằn như du kích quân, rồi phục kích trên đường ở suối Lồ Ồ, chờ cho đoàn xe Nhu đến là giật mìn, ào ra tấn công, sau đó rút lui vào khu rừng gần đó thay quân phục lính Cộng hòa. Khi Nhu chết rồi thì có người của Tuyến đóng quanh đó ra đón đám quân phục kích, đưa vào trại lãnh thưởng. Còn ở nhà, trong dinh, Tuyến sẽ mật báo cho các đoàn thể, đảng phái đưa kiến nghị yêu cầu Ngô Đình Diệm thay đổi nhân sự toàn bộ.
Nhưng trớ trêu thay, Nhu đã thay đổi lộ trình đi đến suối Lồ Ồ và trễ cả giờ giấc, nên việc mưu sát không thành. Sau khi thất bại, Tuyến bị Nhu yêu cầu rời khỏi Sài Gòn ngay, cấp tốc sang Ai Cập làm đại sứ.
Tháng 9.1963, Tuyến lên đường cùng lúc với chuyến đi gọi là “giải độc” của Lệ Xuân trước thế giới về vụ Phật giáo. Song, khi đến Le Caire, thủ đô Ai Cập, thì chính phủ nước này không nhận vì đã công nhận đại sứ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi, không nhận thêm đại sứ của Ngô Đình Diệm, nếu muốn thì chỉ chấp thuận hàng lãnh sự mà thôi. Thế là Tuyến phải lộn về Hồng Kông nằm chờ, đồng thời cũng để nghe ngóng vụ đảo chánh sắp xảy ra.
Khi Tuyến rời Sài Gòn, Lệ Xuân ngầm chỉ thị cho em trai là luật sư Trần Văn Khiêm phải tìm cách cô lập vợ con Tuyến, và nếu cần thì quăng lựu đạn vào nhà rồi đổ thừa cho Việt cộng hoặc Phật giáo, còn những ai là tay chân của Tuyến đều bị bắt nhốt.
Thời gian trên, nhóm đặc vụ miền Trung của Ngô Đình Cẩn đã nắm toàn ngành mật vụ. Trung tá Phạm Thư Đường trước năm 1963 là đại úy bí thư của Cẩn, được đưa vào Sài Gòn thăng lên cấp trung tá làm chánh văn phòng cho Nhu kiêm giám đốc sở mật vụ thay Tuyến. Còn Dương Văn Hiếu, Nguyễn Tư Thái, Nguyễn Thiện Dzai… là những tên chỉ huy khát máu bắt đầu ra tay trừng trị những ai là người của Tuyến.
Trong những vụ đảo chánh hụt, vụ oanh kích dinh Độc Lập, vụ ám sát hụt vợ chồng Nhu - Lệ Xuân từ năm 1959 đến 1962 đều có bàn tay của các đảng phái đối lập thực hiện, không có sự tham dự của một nhân vật nào bên Phật giáo. Vì vậy, Ngô Đình Diệm - Nhu - Lệ Xuân tìm các thầy bên Phật giáo là “phe ta”, nhất là tại miền Trung. Nhu và Lệ Xuân thường nói với nhau: “Phật giáo miền Trung từ các thầy đến Phật tử đều do chú Cẩn nắm trọn, họ không bao giờ chống đối ta đâu”.
Tới năm 1960, nhân có Hội nghị Phật giáo Thế giới, Tổng hội Phật giáo Việt Nam Cộng hòa có cử một phái đoàn đi dự hội nghị. Và, theo như lời đề nghị của Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, thì nên chọn mấy Thượng tọa tại Sài Gòn đi dự hội nghị cho tiện, nhất là cư sĩ Mai Thọ Truyền - người đứng đầu Hội Phật giáo miền Nam - đã chọn xong một danh sách các Thượng tọa đi dự hội nghị và đã đệ trình Văn phòng Phủ Tổng thống để làm thủ tục xuất cảnh và nhận tiền trợ cấp.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Ngô Đình Diệm |
Nhưng tới phút chót, Ngô Đình Cẩn cho người cầm thơ mang vào trình Nhu để xin Tổng thống dành cho mấy Thượng tọa ở Huế đi vì Huế là nơi đặt trụ sở Tổng hội Phật giáo và Hòa thượng Thích Tịnh Khiết là hội chủ đang trụ trì tại chùa Từ Đàm. Nhận thư Cẩn, Nhu khó xử vì đã lỡ giải quyết cho các Thượng tọa ở Sài Gòn rồi. Lệ Xuân bèn góp ý: “Thôi, ai cũng được! Mấy ông thầy nào đi cũng vậy. Chú Cẩn đã nắm được các thầy ngoài Huế, còn trong này Tuyến đã nắm được mấy thầy Bắc Việt di cư. Thôi, anh để ưu tiên cho chú Cẩn”. Nhu đồng ý và cho đem thư của Cẩn vào trình Diệm để Ngô Đình Diệm quyết định.
Ngô Đình Diệm thấy vậy nói: “Ai đi cũng vậy. Tôi nghe nói mấy Thượng tọa này tốt lắm. Chắc là cậu ở ngoài nớ đã biết họ rõ”. Và, theo lời kể lại của đại úy Bằng, sĩ quan hầu cận của Diệm, nói: “Không hiểu vì một lý do gì mà ông Cẩn lại quá ưu đãi và trọng vọng mấy ông Thượng tọa ở chùa Từ Đàm!”. Bằng còn cho biết thêm: “Cũng vào khoảng năm 1960, khi tháp tùng Tổng thống Ngô Đình Diệm về Phú Cam (Huế), ông Cẩn đã gọi tôi đến dặn dò rất kỹ: Mi về Sài Gòn gặp ngay anh Tuyến hỏi xem tuần trước thầy có mang thư giới thiệu của tao đến gặp anh ấy không? Mi bảo anh Tuyến lo ngay cái vụ hồ sơ xin xuất ngoại của thầy Thích Trí Quang”.
Khi về tới Sài Gòn, đại úy Bằng có trình lại vụ này cho vợ chồng Nhu thì Lệ Xuân nói: “Mấy thầy có xôi lại đòi ăn oản. Lâu lâu cũng cho mấy thầy đi xuất ngoại cho biết”. Sau đó, đại úy Bằng sang trình Tuyến để làm hồ sơ. Tuyến nói: “Hồ sơ đã làm xong và đưa sang ông Võ Văn Hải. Có coi tư của ông Cẩn, ai mà dám chậm trễ”.
Giữa Phật giáo và nhà họ Ngô cho tới lúc ấy còn có sự giao hảo và có thể nói là được ưu đãi nữa. Lễ Phật Đản được tổ chức rất lớn, năm 1961 làm tại công trường Mê Linh bến Bạch Đằng, năm 1962 tại chùa Xá Lợi, tới tháng 3.1963 khánh thành Phật Đài tại Bãi Dâu, Vùng Tàu, cờ Phật giáo treo la liệt từ ngoài đường vào chùa không ai nói gì, chính phủ còn trợ cấp thêm tài chính để tổ chức cho trọng thể. Nhưng, giữa tháng 6.1963 thì có công điện ở Phủ Tổng thống gởi ra Huế, cấm treo cờ tôn giáo ở ngoài khuôn viên chùa và nhà thờ.
Khi bức công điện trên tới Huế, Ngô Đình Cẩn lấy làm lạ và hỏi chánh văn phòng là đại úy Minh: “Sao lại có chuyện lạ như rứa?”. Cẩn sửng sốt hỏi như vậy vì ngày 8.5 là ngày lễ Phật Đản, mà nay có lệnh cấm treo cờ Phật giáo thì khó xử quá! Phật tử đang phẫn nộ vì công an, cảnh sát đi đến từng nhà ra lệnh phải cất cờ Phật giáo đi, nếu ai không tuân lệnh họ giật cờ xuống.
Vì bị xúc phạm đến tôn giáo nên cả thành phố Huế sôi động hẳn lên. Song, tới ngày lễ Phật Đản, Phật tử vẫn cầm cờ Phật giáo đi rước và không có ai ngăn cản. Nhưng tới tối ngày 8.5, Phật tử kéo tới đài phát thanh Huế, đòi để Thượng tọa Trí Quang lên đài phát biểu về lễ Phật Đản. Vì áp lực của đồng bào nên chính quyền cũng chấp thuận. Thượng tọa Trí Quang lên tiếng phản đối chính phủ đã kỳ thị tôn giáo và đòi phải được bình đẳng tôn giáo.
(Còn tiếp...)
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 8) | |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 7) | |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 6) | |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 5) |
Lý Nhân