Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 4)
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 3) | |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 2) | |
Trần Lệ Xuân: Thăng trầm quyền - tình (Kỳ 1) |
Diệm gặp Bảo Đại, vợ chồng Nhu thúc đẩy Diệm hạ bệ Bảo Đại
Ngày 8.5.1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến công vũ bão. Trong khi đó, tại Genève đang diễn ra hội đàm về Đông Dương. Còn ở miền Nam, người ta đang xôn xao về nguồn tin Ngô Đình Diệm sắp về nước lập chính phủ thay hoàng thân Bửu Lộc.
Bấy giờ vợ chồng Ngô Đình Nhu đang ở nhà Ngô Đình Luyện trên đường Armand Rousseau (gần Ngã Sáu Sài Gòn). Hàng ngày, tại ngôi nhà nhỏ này có những khuôn mặt quen thuộc lui tới tấp nập: Hoàng Bá Vinh, Cao Xuân Cẩm, Cao Xuân Vỹ, Đỗ La Lam, Hà Đức Minh, Trần Kin Tuyến, Phạm Văn Nhu… Họ chuẩn bị kế hoạch đón tiếp Ngô Đình Diệm trở về nay mai để chấp chính.
Trong khi đó, Lệ Xuân đi vận động vợ con mấy tay chính khách chờ thời và giới trí thức để những bà này lập thành lực lượng ủng hộ Diệm. Lệ Xuân cũng đi vay tiền bạc làm chi phí cho cuộc đón tiếp này được trọng thể.
Bấy giờ, Đỗ La Lam và Trần Kim Tuyến tung ra những bài viết trên báo chí để quảng cáo tên tuổi Diệm, đồng thời tổ chức công tác an ninh để Diệm không bị các phe phái như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo… làm hại. Công tác an ninh này do Trần Kim Tuyến đảm nhiệm, Hoàng Văn Phúc (em vợ của Tuyến) đã kể cho tôi nghe:
“Đa số những cận vệ này được tuyển từ các sĩ quan đi lính cho Pháp người Bắc gốc Phát Diệm, Thanh Hóa, Bùi Chu, Nghệ An và một số người Bắc gốc Nùng do trung tá Vòng A Sáng cung cấp”.
Ngô Đình Diệm |
Hà Đức Minh móc nối với những cán bộ cựu kháng chiến nay muốn rời hàng ngũ kháng chiến để ở lại miền Nam. Số này cũng khá đông, được Hà Đức Minh đặt cho một cái tên là “Liên đoàn cựu kháng chiến”, thực ra “Liên đoàn cựu kháng chiến” là do Ngô Đình Nhu đã khai sinh từ mấy năm trước làm hậu thuẫn cho Diệm.
Lúc bấy giờ, tạp chí Phổ Thông do Nguyễn Vỹ chủ trương ở Đà Lạt cũng được Hà Đức Minh móc nối, chi tiền viết bài ca tụng “vị lãnh tụ Ngô Đình Diệm anh minh” sắp về nước. Sau khi tờ Phổ Thông chết, Nguyễn Vỹ về chạy cờ cho tờ Bông Lúa. Năm đó, Nguyễn Vỹ đã cho in chân dung Ngô Đình Nhu với màu sắc thật đẹp, chiếm nguyên cả tờ bìa 1 khổ lớn với hàng chữ chú thích ở dưới là “Tổng bí thư Đảng Cần Lao Việt Nam: Ngô Đình Nhu”.
Ngày 25.6.1954, Ngô Đình Diệm về tới Sài Gòn, được một số tay chân thân cận và các cán bộ của Ngô Đình Nhu ra đón.
Trên đường về dinh Gia Long từ phi trường Tân Sơn Nhất qua đường De Gaulle (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lệ Xuân đã điều động vợ con thân nhân các binh lính, sĩ quan hay viên chức trong chính phủ cộng với một số học sinh các trường sắp hàng hai bên đường hoan hô Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Về đến dinh Gia Long, Diệm được nhiều người thân cận và các đảng viên của Nhu đón tiếp, ra mắt. Tối hôm đó, tại đây có cuộc họp mặt gia đình họ Ngô: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Luyện, vợ chồng Ngô Đình Nhu. Diệm đã cảm ơn người anh cả mà Diệm coi như “quyền huynh thế phụ” đã vận động giới Công giáo ủng hộ và đón tiếp Diệm. Diệm cũng không quên cảm ơn vợ chồng Nhu đã sắp đặt chương trình ngày về của Diệm được tốt đẹp, Diệm cũng cảm ơn riêng Ngô Đình Luyện đã sang Paris vận động với Bảo Đại…
II. “Đệ Nhất Phu nhân” tề gia trị quốc
Bà cố ra Huế lo Tết
Vào những năm 1959 - 1960 là khoảng thời gian thịnh trị nhất của nhà Ngô tại miền Nam. Cứ mỗi năm Tết đến là Ngô Đình Diệm và vợ chồng Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện đều ra Huế vào ngày mùng một Tết để chúc Tết thân mẫu còn đang ở Huế với người em út là Ngô Đình Cẩn. Ngày Tết cũng là ngày giỗ thân phụ của Ngô Đình Diệm.
Ngô Đình Cẩn là Cố vấn chỉ đạo miền Trung, sống trong một ngôi nhà cổ giữa khu vườn rộng có nhiều cây trái, ao cá. Mẹ của Ngô Đình Diệm cũng ở đó để Cẩn chăm sóc hàng này. Ngô Đình Diệm thường nói: “Mấy anh em tôi ai cũng bận công việc. Đức cha Thục thì ở Vĩnh Long, còn tôi và vợ chồng chú Nhu ở Sài Gòn bận lo việc chính phủ, chú Luyện ở bên Âu châu, chỉ có chú Cẩn quen lối sống gia đình nhà quê nên mới chịu khó hầu hạ bà cụ được”.
Ngô Đình Cẩn được dân đặt cho chức danh là “cậu Út trầu” vì Cẩn là con út lại nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, chữ nghĩa tuy học hành không đến nơi đến chốn, nhưng được cái chịu khó hầu hạ mẹ già, từ thay quần áo đến lo cơm nước cũng một tay Cẩn làm cả, khi mẹ ốm đau thì cả ngày đêm Cẩn ngồi bên mẹ săn sóc, hỏi han, an ủi. Vì vậy Ngô Đình Diệm rất nể Cẩn, và từ chỗ đó Cẩn đã lộng quyền làm mưa làm gió tại miền Trung mà không ai dám thưa trình hay khiếu nại với Ngô Đình Diệm.
Thời kỳ 1959 - 1960, Cẩn lập Đoàn công tác đặc biệt miền Trung (thực chất là cơ quan mật vụ) để đàn áp, bắt bớ các phe phái đối lập chống đối nhà Ngô, sau đó được đà, Cẩn đã cho Đoàn công tác đặc biệt miền Trung vô tận Sài Gòn sách nhiễu nhiều người. Việc này đến tai vợ chồng Nhu. Lệ Xuân nổi nóng, vì miền Nam là đất thuộc quyền cai quản của mật vụ do Nhu coi, không ai được quyền xía vô, Lệ Xuân đã có lần nói: “Chú Cẩn định thay vợ chồng mình luôn hay sao mà cho mật vụ vô tận trong Nam bắt bớ những tay chân của mình”. Vụ này đến tai Cẩn nên Cẩn tức giận và giận lẫy nói với Ngô Đình Diệm: “Các anh về Huế lo chăm sóc bà cụ đi, tôi xin nhường cho, đã khổ nhọc ngày đêm trông nom bà cụ mà trong Nam chị Nhu còn chửi bới, tôi chịu sao được”.
Trần Lệ Xuân trong thời kỳ thịnh trị nhất của gia đình họ Ngô |
Sự thật Trần Lệ Xuân ghen tức với Ngô Đình Cẩn vì Cẩn đã dám xưng là cố vấn, mà lúc đó chỉ có một cố vấn là Ngô Đình Nhu mà thôi, sao lại có hai ông cố vấn được! Lệ Xuân cứ thúc Nhu phải trình với Ngô Đình Diệm giải tán cái cơ quan chỉ đạo miền Trung và cái Tổ chức mật vụ miền Trung đi, vì đã có Tòa Đại biểu Chính phủ tại đây lo phần hành chánh, an ninh và đoàn thể rồi. Mãi tới năm 1961 - 1962, Ngô Đình Diệm đành phải bãi bỏ văn phòng Cố vấn miền Trung và giải tán cả Đoàn công tác đặc biệt miền Trung.
Ngô Đình Cẩn lúc đó nghe phong thanh mất chức cố vấn nên tức giận vô cùng. Tết năm 1960, Cẩn đã đánh điện vào trước một tháng là năm nay ai làm giỗ và Tết thân mẫu thì làm, cậu Út bị đau lưng nên không kham nổi nữa. Cẩn còn đề nghị thẳng là trong nhà có chị Nhu (tức Lệ Xuân) là người đảm đam mọi việc trong nhà ngoài phố, nên để chị Nhu ra Huế lo tất cả.
Như thường lệ, cứ mỗi dịp Tết, vợ chồng Nhu ra Huế ăn Tết, cúng kỵ, mừng tuổi thân mẫu, rồi sau đó ở lại vài ngày đi thăm nơi này nơi kia. Nhưng mấy năm sau, vì có sự xích mích giữa Lệ Xuân và Cẩn nên vợ chồng Nhu chỉ ở Huế một ngày, rồi cáo từ thân mẫu trở về Sài Gòn với lý do trong Sài Gòn cần giải quyết nhiều việc quốc sự.
Trở lại vụ Tết Canh Tý (1960), vì sự sanh nạnh của Cẩn nên Lệ Xuân phải lo chuẩn bị công việc gia đình nhà chồng trong ba ngày Tết.
Trước Tết một tháng, Lệ Xuân bảo gia nhân và giám đốc nghi lễ Phủ Tổng thống lo đồ ăn, thức uống cùng bồi bếp chuẩn bị ngày 29 Tết bay ra Huế. Và, đúng như sự sắp đặt, Trần Lệ Xuân điều 3 chiếc máy bay Dakota chở đồ Tết ra Huế. Ba chiếc máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài. Đoàn xe hơi chở phái đoàn qua cầu Lò Rèn bắc ngang con sông An Cựu là tới nhà thờ Phú Cam, nhà thân mẫu Ngô Đình Diệm tọa lạc ở con dốc bên phía trái nhà thờ.
Ngày mồng một Tết, văn phòng báo chí Phủ Tổng thống có cho mời một số nhà báo đi tháp tùng ra Huế cùng với Tổng thống , nhân dịp này tôi cũng đại diện cho một tờ tạp chí cùng đi ra xem “bà Cố” lo Tết ra sao.
7 giờ sáng, phái đoàn chính phủ, quốc hội đã tới dinh Độc Lập để chúc Tết Ngô Đình Diệm, sau đó Ngô Đình Diệm và Nhu bay ra Huế cùng với đoàn tùy tùng. Một máy bay chuyên cơ chở Ngô Đình Diệm, Nhu, chủ tịch quốc hội, tổng bộ trưởng, còn hai máy bay nữa chở tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, giám đốc, dân biểu và phái đoàn báo chí.
Khi ra tới Huế, chúng tôi thấy đủ mặt các ông tai to mặt lớn quần áo chỉnh tề, người nào cũng mặc quốc phục (áo dài đen, quần trắng, đầu đội khăn đóng), còn các tướng lãnh thì quân phục trắng, đeo huy chương đầy ngực trông rất xôm tụ.
Bà cụ thân sinh Ngô Đình Diệm lúc đó đã 80 tuổi, được đặt ngồi trên một cái gụ có chạm rồng. Người chúc Tết bà cụ đầu tiên là Ngô Đình Thục, đứng trước mẹ chắp tay vái ba vái, rồi tới Ngô Đình Diệm, vợ chồng Nhu, Luyện, Cẩn, bà cả Lễ, bà Hiệp và con là linh mục Nguyễn Văn Thuận… người nào cũng vái ba vái, nom như cảnh tế sống bà cụ. Sau đó đến hàng cháu, chắt: nào con Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy, Ngô Đình Trác, Ngô Đình Quỳnh, Ngô Đình Lệ Quyên cũng như con của những người khác trong họ Ngô Đình.
Sau đó tới Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch quốc hội, rồi các tổng bộ trưởng, các tướng lãnh cao cấp như Lê Văn Tỵ, Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu… Người nào cũng dùng những câu hoa mỹ nịnh hót chúc bà Từ Khang (danh xưng do đám gia nô đặt cho mẹ Diệm, bắt chước bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức).
Chúc thọ xong, mỗi người tìm một chỗ đứng nói chuyện với nhau. Trong ngày hôm đó, Lệ Xuân đội khăn vàng, mặc áo gấm vàng cổ xẻ ngang để hở đôi vai. Các con của Lệ Xuân tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cũng khăn đóng áo dài như cha mẹ. Lệ Xuân vì không ưa mấy ông tổng bộ trưởng, lại khinh mấy tay tướng lãnh xuất thân từ lính khố xanh, khổ đỏ thời thuộc Pháp nên bà ta không thèm đứng nói chuyện, mà kéo tay chồng ra một góc nói chuyện riêng. Còn Ngô Đình Cẩn thì giận bà chị dâu, sau khi chúc thọ mẹ xong, lui vào nhà ngồi trên sập gụ, nhai trầu bỏm bẻm, rung đùi nói với bọn bầy tôi: “Bữa nay có lo mới biết khổ, sướng hoài mô được”. Ai cũng biết Cẩn muốn ám chỉ Lệ Xuân.
(Còn tiếp)
Lý Nhân