TP HCM: 9 tháng đầu năm thu hút FDI tăng 50% so với cùng kỳ
Báo cáo tình hình thu hút vốn FDI 9 tháng qua của UBND TP HCM cho thấy, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TP HCM thu hút được 5,47 tỷ USD (tăng 50% so với cùng kỳ).
Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 711 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 640,57 triệu USD (tăng 22,8% số dự án cấp mới và bằng 70% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Trong đó, phân theo ngành nghề, lĩnh vực thì bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn đầu tư nhiều nhất (chiếm 27,7%); tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 22,8%); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 20,2%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (chiếm 13,4%); thông tin và truyền thông (chiếm 5,7%). Hàn Quốc có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 28,1%; tiếp theo là Singapore, chiếm 25,7%; Na Uy chiếm 11%; Nhật Bản chiếm 10%; Trung Quốc (Hồng Kông) chiếm 5,7%.
9 tháng đầu năm thu hút FDI của TP HCM tăng 50% so với cùng kỳ (ảnh minh họa) |
Đồng thời, 9 tháng qua có 194 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 555,21 triệu USD (tăng 23,6% số dự án điều chỉnh và bằng 80% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Thành phố cũng chấp thuận cho 2.155 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,28 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 36,5% về số trường hợp và tăng gấp 2,1 lần về vốn đầu tư). Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (chiếm 47,3%); tiếp theo là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (chiếm 18,4%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 9,3%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 8,2%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 4,1%).
Còn theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trên cả nước thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2018, bao gồm tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD (bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017).
Hiện có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ USD, chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI nhất, TP HCM đứng thứ hai, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba trong tổng vốn đầu tư.
Thiên Thanh
-
Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
-
Rystad Energy: OPEC+ sẽ không khôi phục sản lượng dầu trong năm nay
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/11: Xung đột Israel - Iran tiếp tục tác động đến giá dầu
-
IMF thúc giục Trung Quốc cải tổ nền kinh tế
-
Giá vàng hôm nay (1/11): Thị trường thế giới quay đầu giảm