"Tổng" và "kết"
Tổng kết để nhìn lại chặng đường đã qua là một việc làm cần thiết. Ðể thấy rõ những việc đã làm được, những ưu điểm, khuyết điểm, những bài học kinh nghiệm. Ðể đề ra những phương hướng, mục tiêu, giải pháp. Ðể xét tặng đủ loại danh hiệu thi đua, mà gần đây theo quan sát của nhiều người, việc khen thưởng đang có chiều hướng... tràn lan.
Như thế rõ ràng chưa có cách gì hay hơn thay thế việc tổng kết. Bạn có sáng kiến gì đi! Hoặc giả thử bỏ tổng kết một năm xem sao. Không được. Nó "đụng" tới nhiều thứ lắm. Cơ sở không tổng kết thì cấp trên căn cứ vào đâu xem xét, đánh giá. Năm nay không tổng kết thì sang năm, sang năm sau nữa căn cứ ra sao, tính liên tục ở chỗ nào? Vậy nên, dứt khoát phải tổng kết.
Có nhiều mặt tích cực. Nhưng cuối năm, cách thiết thực nhất là nên nói về mặt chưa tích cực (không hẳn là tiêu cực). Có vị chuyên gia làm ở ngành thi đua khen thưởng tóm tắt mấy cái "nhược" như sau: Trước hết là tốn - tốn thời gian, tốn tiền bạc. Ta thường nói là "tốn công, tốn của". Sau hết là nhàm, bởi nó làm cho bệnh hình thức ngày càng thêm nặng. "Tổng" mãi mà chẳng "kết" được gì, chẳng có một kết luận nào có giá trị vận dụng vào công việc của năm tới.
Ðể việc tổng kết đem lại hiệu quả một cách thiết thực phải chuẩn bị rất nhiều nội dung. Nhưng quan trọng nhất là xây dựng được một bản báo cáo có nội dung tốt, ngắn gọn, khái quát đúng thực chất tình hình, có tính chiến đấu cao, có sao nói vậy, không sa vào căn bệnh "làm láo báo cáo hay". Chuyện là thế mà trong thực tế lại không phải thế. Thời tin học phát triển, các văn bản báo cáo đều được đánh vi tính sạch sẽ, và hình như ngày càng dài hơn. Các phần A lớn, B lớn, một nhỏ, hai nhỏ... cũng hết sức mạch lạc. Tiếc rằng đấy chỉ là cái vỏ. Cái ruột bên trong, cố công mà đọc, nhiều khi càng đọc càng rối như canh hẹ, vì chỉ là một mớ chữ chung chung. Tôi đã đọc bản báo cáo tổng kết ba năm liên tục ở một đơn vị. Nội dung gần như năm sau sao chép năm trước, chỉ thay ngày, tháng, năm, chỉ thay vài con số, chỉ thay tên người ký báo cáo. Và rồi bản "phô-tô-cóp-pi" ấy cũng được ban lãnh đạo góp ý, nhất trí cao, biểu quyết. Và rồi cấp trên cũng "hoan nghênh", thậm chí còn khen là "nghiêm túc", "nhìn thẳng vào sự thật"...
Một anh chánh văn phòng cấp tỉnh "mách nhỏ": Thưa bác, cuối năm việc như lông lươn, trăm thứ việc đè lên vai. Không chế biến nhanh mười mấy loại báo cáo cùng lúc thì chúng em chết à (?!). Chao ôi, văn phòng xưa được gọi là cơ quan KVC (chuyên lo khuân, vác, chạy), vất vả lắm cái nghề "đổng lý". Nhưng nay thời Ú sao vẫn còn cả núi việc đè vai như thế? Không, cái lý do đó là không thể chấp nhận. Ngắn gọn hơn, thiết thực, cụ thể hơn, sẽ bớt đi gánh nặng tổng kết rất nhiều.
Muốn vậy phải nghĩ lại, làm lại rất nhiều khâu, từ việc chuẩn bị viết báo cáo, đi cơ sở nắm tình hình, nghiên cứu kỹ nội dung trước khi họp tổng kết, thảo luận, góp ý kiến vào báo cáo... Nghĩ lại, làm lại để không sa vào lối cũ, để khơi dậy sáng tạo, để tổng kết năm, rút ra được những cái "kết" thành công - đó chính là đổi mới. Ðổi mới không phải những gì to tát, mà bắt đầu từ mỗi việc làm.
Theo Nhân Dân
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)