Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Toàn cảnh vụ bê bối tham nhũng ở FIFA

09:41 | 28/05/2015

Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự việc một loạt quan chức cấp cao của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) bị cảnh sát Thụy Sỹ bắt giữ tại Zurich hôm 27/5/2015, do dính vào cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ, rửa tiền, liên quan đến các vụ gian lận phiếu bầu… từ phía tư pháp Mỹ đang làm rúng động dư luận. Xung quanh vụ việc này đã có thêm nhiều tình tiết và câu hỏi được đặt ra.

>> Vì sao 6 quan chức cao cấp của FIFA bất ngờ bị bắt?

“Bản cáo trạng chưa phải là chương cuối”

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/5/2015 về cuộc điều tra tham nhũng mà Mỹ đang tiến hành tại Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho biết, tình trạng tham nhũng, hối lộ đã diễn ra tràn lan, ăn sâu và có hệ thống tại FIFA trong suốt hơn 2 thập niên qua, từ năm này qua năm khác, từ giải đấu này đến giải đấu khác, không chỉ ở nước ngoài mà còn ở ngay trên đất Mỹ. 

Ít nhất hai thế hệ quan chức bóng đá của FIFA và một số nước thành viên đã lạm dụng chức vụ và uy tín của mình để bỏ túi hàng triệu USD tiền hối lộ và lại quả, “phản bội người hâm mộ đá bóng” và làm mất đi tinh thần trung thực, cởi mở của môn thể thao được yêu thích nhất thế giới này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Loretta Lynch trong buổi họp báo về cuộc điều tra tham nhũng mà Mỹ đang tiến hành tại Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA)

Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, từ năm 1991 đến nay, các nghi phạm nêu trên cùng một số đồng phạm khác đã gợi ý và nhận tới 150 triệu USD tiền hối lộ để đổi lại các hợp đồng bản quyền phát sóng, quảng cáo tại các trận đấu và giải bóng đá lớn cho một số công ty truyền thông, tiếp thị thể thao nhất định.

Phần lớn hoạt động phi pháp này liên quan đến các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại Cúp Bóng đá Thế giới (World Cup) tại khu vực Bắc-Trung Mỹ và Carribean (CONCACAF), Cúp vàng CONCACAF (CONCACAF Gold Cup), Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ (Copa America), Giải vô địch các câu lạc bộ Nam Mỹ (Copa Libertadores)… Ngoài ra, các nghi phạm liên quan đã sử dụng dịch vụ ngân hàng của Mỹ để chuyển và nhận tiền hối lộ.

Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết tình trạng hối lộ và tham nhũng còn xảy ra trong cuộc đua đăng cai giải Vô địch bóng đá thế giới năm 2010 - World Cup đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, cũng như trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch FIFA vào năm 2011…

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố bản cáo trạng với 47 tội danh, trong đó có hối lộ và rửa tiền đối với 14 người, gồm 9 quan chức của FIFA và các nước thành viên, trong đó có 2 Phó Chủ tịch FIFA Jeffrey Webb và Eugenio Figuedero – những người đã bị bắt tại Thụy Sỹ hôm 27/5, cùng 5 nhà quản lý doanh nghiệp. Bốn người trong số này hiện đã nhận tội.

Dù cáo trạng lần này chỉ buộc tội 14 cá nhân nhưng có khả năng nhiều nhân vật nữa sẽ được đưa ra ánh sáng khi Quyền Công tố Liên bang Mỹ Kelly Currie khẳng định “bản cáo trạng chưa phải là chương cuối” trong cuộc điều tra hiện nay của Bộ Tư pháp Mỹ. Mỹ đã đề nghị các nước liên quan dẫn độ toàn bộ 9 quan chức bóng đá bị truy tố về Mỹ để xét xử. Nếu bị kết tội, các nghi phạm có thể sẽ phải đối mặt với mức án tới 20 năm tù.

Nghi vấn Nga, Qatar “mua” quyền đăng cai World Cup

Một vài giờ sau khi tiến hành vụ bắt giữ các quan chức FIFA theo yêu cầu từ Bộ Tư pháp Mỹ, Văn phòng Bộ Tư pháp Thụy Sỹ đã mở cuộc điều tra hình sự của riêng mình về việc FIFA “quản lý yếu kém và bị tình nghi hoạt động rửa tiền liên quan đến việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 và World Cup 2022”.

Quyền đăng cai tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này đã được trao cho Nga (World Cup 2018) và Qatar (World Cup 2022) sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban điều hành FIFA trong năm 2010. Tuy nhiên, quá trình này bị nghi ngờ có gian lận và nhiều quan chức bóng đá từ các quốc gia thành viên được cho là đã gợi ý hàng triệu USD để đổi lấy phiếu bầu của họ.

Các nhà chức trách Thụy Sỹ hiện đang thẩm vấn 10 thành viên trong Ban chấp hành FIFA, những người đã tham gia vào quá trình bỏ phiếu trong năm 2010 và thu giữ một số hồ sơ ngân hàng, cùng các tài liệu khác. Việc điều tra vẫn tiến hành trong thời gian các quan chức FIFA có mặt tại Zurich để tham dự Đại hội thường niên và cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA diễn ra tại Zurich ngày 29-5.

FIFA bắt đầu trở thành “cỗ máy in tiền” từ khi nào?

Các cáo buộc đối với FIFA phần lớn đều bắt đầu trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm của ông Sepp Blatter, cựu Chủ tịch João Havelange.

Ông Havelange đắc cử chức chủ tịch FIFA vào năm 1974 sau chiến thắng trước ứng cử viên người Anh Stanley Rous. Trong 24 năm tại vị, Havelange có công lớn trong việc phát triển thương mại khi gắn bóng đá với truyền hình và quảng cáo. Đồng thời, cựu chủ tịch sinh năm 1916 được biết đến như là người tiến hành mở rộng World Cup từ 16 đội lên thành 32 đội như ngày nay. Bên cạnh đó, Havelange chủ trương hạn chế các đội tuyển quốc gia đến từ châu Âu và Nam Mỹ, tăng số đội tuyển ở các khu vực khác trong các kỳ World Cup để biến giải đấu này thành sân chơi của bóng đá toàn cầu.

Cựu Chủ tịch FIFA João Havelange

Các quyết định đổi mới của ông Havelange đã làm tăng đáng kể thu nhập của FIFA, nhưng suốt trong thời gian đó, ông cũng đã kiếm được hàng triệu USD tiền hối lộ để đổi lại các hợp đồng quyền phát sóng và quảng cáo trong các kỳ World Cup từ một công ty có tên “International Sport and Leisure”. Chủ tịch FIFA đương nhiệm Sepp Blatter bị nghi ngờ là đã biết về những khoản hối lộ này nhưng lại cố gắng che đậy, “ỉm” chúng đi khi nhậm chức.

Gần đây hơn, các quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar cũng bị cáo buộc gian lận phiếu bầu. Hai thành viên của Ủy ban điều hành FIFA đã bị đình chỉ công tác trước bỏ phiếu do cáo buộc này và sau đó, lãnh đạo của một nhà thầu Anh đã tiết lộ rằng ông bị “gợi ý” hàng triệu USD và tiền hối lộ khác để đổi lấy phiếu bầu.

FIFA đã mở cuộc điều tra riêng về quá trình bỏ phiếu đó trong năm 2012, nhưng cơ quan đầu não của bóng đá thế giới này lại chưa bao giờ công bố kết quả đầy đủ. Vì việc này, luật sư người Mỹ Michael Garcia - thành viên Hội đồng các vấn đề đạo đức FIFA, người phụ trách điều tra về nghi án tham nhũng này, đã từ chức sau khi tỏ rõ sự thất vọng về cách FIFA xử lý những thông tin ông báo cáo lại, đồng thời trả lời báo chí rằng tổ chức này đang "thiếu sự điều hành chuẩn mực" ngay từ gốc rễ.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Mặc dù không có tên trong số những người bị cảnh sát Thụy Sỹ bắt giữ vừa qua nhưng Chủ tịch FIFA đương nhiệm Sepp Blater lại dính vào rất nhiều nghi vấn, từ việc mua phiếu để trở thành Chủ tịch FIFA vào năm 1998, đến chuyện độc đoán, sử dụng “tiền phát triển” - khoản tiền mà FIFA hỗ trợ phát triển bóng đá ở các quốc gia nghèo, như một công cụ để đảm bảo nhận được sự ủng hộ cho “cái ghế” của mình ở những lần tái bầu cử… Bên cạnh đó, ông Sepp Blater còn bị các cựu danh thủ Diego Maradona và Luis Figo cáo buộc là “nhà độc tài”.

Chủ tịch FIFA Sepp Blater liệu sẽ được an toàn?

Mặc dù lãnh đạo LĐBĐ châu Âu (UEFA) hôm 27/5 đã kêu gọi FIFA hoãn cuộc bầu cử chủ tịch trong vòng 6 tháng, nhưng nếu tổ chức này vẫn tiếp tục Đại hội và bầu cử như kế hoạch và ông Blater vẫn tái tranh cử thì khả năng rất cao là ông Blater sẽ có nhiệm kỳ Chủ tịch thứ 5 bởi hầu như không có đối thủ. Người có khả năng thách thức vị trí của ông Blater - cựu danh thủ người Bồ Đào Nha Luis Figo vừa chính thức tuyên bố rút khỏi cuộc tranh cử chủ tịch FIFA khi tận mắt chứng kiến những bê bối trong nội bộ tổ chức này kèm lời kêu gọi nhanh chóng cải tổ FIFA.

Ngoài ra, bất chấp những đồn đoán quanh việc tham nhũng, Người phát ngôn FIFA Walter De Gregorio đã lên tiếng khẳng định “World Cup 2018 và 2022 vẫn sẽ được diễn ra tại Nga và Qata”, các kết quả bình chọn vẫn sẽ được giữ nguyên và điều đó có nghĩa không có chuyện tái bầu cử cho hai giải đấu này.

Linh Phương (tổng hợp)