Tổ chức tín dụng... đỏ mắt đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp để cho vay
Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TS Nguyễn Thị Hiền phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra gần 60% việc làm, 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 29,3% cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ đã liên tục chú trọng để đưa các giải pháp hỗ trợ DNNVV tiếp cận được nguồn vốn. Trong đó, vốn tín dụng ngân hàng vẫn được xem là nguồn vốn chủ đạo. Những định hướng đúng đắn và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như chính sách lãi suất; chính sách hỗ trợ kết nối doanh nghiệp – ngân hàng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức tín dụng; nâng cao chất lượng hạ tầng thông tin tín dụng.
Trên thực tế, theo TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, những chính sách đó cũng đã phát huy tác dụng. Tính đến cuối tháng 5/2018, tổng dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.402.813 tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2017”. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có khoản vay ngân hàng cao hơn so với trung bình thế giới, khu vực trung bình châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời doanh nghiệp bị từ chối cho vay của Việt Nam cũng ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hiền, “hiện nay DNNVV vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn, vẫn còn những doanh nghiệp thiếu vốn, vẫn còn những tổ chức tín dụng đỏ mắt đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp để cho vay”. Điều đó đặt ra câu hỏi là tắc nghẽn ở đâu và chúng ta phải giải quyết như thế nào để ngày càng có nhiều DNNVV tiếp cận được với tín dụng ngân hàng nói chung, nguồn vốn nói riêng.
Theo TS Nguyễn Thị Hiền, trách nhiệm thuộc về cả ba nhà trong vấn đề này, là nhà nước, nhà băng và nhà doanh nghiệp. Đặc biệt TS Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh tới hai vấn đề tồn tại của doanh nghiệp khiến việc tiếp cận nguồn vốn gặp khó khăn.
Cụ thể, thứ nhất là tính hiêụ quả trong hoạt động của DNVVN chưa cao, xét về quy mô tỷ lệ thua lỗ của DNVVN và siêu nhỏ lớn hơn doanh nghiệp lớn; thứ hai, mức độ quản trị thông tin hạn chế, không xây dựng được hệ thống báo cáo, việc thiếu minh bạch thông tin khiến các ngân hàng đánh gía rủi ro cao hơn, thời gian xét duyệt vay vốn dài hơn.
Về phía các ngân hàng, TS Nguyễn Thị Hiền cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng các sản phẩm tín dụng chưa tương xứng. Cùng với đó, nhiều tổ chức còn có áp dụng quy trình cấp tín dụng và chấm điểm tín dụng như nhau. Do đó, kiến nghị cần thay đổi quan điểm của các tổ chức tín dụng về mức độ rủi ro của DNNVV.
Đặc biệt, với cơ cấu tài chính tín dụng khá đa dạng hiện nay, các tổ chức tín dụng Việt Nam có thể cung cấp tín dụng cho các đối tượng mục tiêu lớn hơn, không bó hẹp như hiện tại. Nhờ đó, tỷ lệ DNNVV được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng sẽ lớn hơn.
Toàn cảnh diễn đàn |
Theo Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TS Nguyễn Thị Hiền, các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV đòi hỏi cả nhà nước, ngân hàng và nhà doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn.
Cụ thể, với ngân hàng, phát triển hệ thống tài chính tín dụng an toàn, lành mạnh và đa dạng. Trong đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các định chế tài chính phi ngân hàng như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính…để cung cấp đến DNNVV đa dạng hơn các sản phẩm tín dụng; nâng cao năng lực quản trị rủi ro, cải thiện phương thức chấm điểm tín dụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm tạo nên những đột phá trong hoạt động quản trị cũng như cung ứng dịch vụ.
Về phía các doanh nghiệp TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, cần xoá bỏ suy nghĩ trông chờ vào các cơ quan chức năng; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực quản trị của DNNVV; cần minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, xây dựng và nâng cấp các hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về doanh nghiệp đó là những vấn đề rất quan trọng cần được đặt ra để có thể thúc đẩy việc tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV.
Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, để có thể thúc đẩy, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, trước hết cần có sự chủ động và phát triển từ chính các chủ thể trong cuộc là doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, tỷ giá là điều kiện quan trọng để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát cải thiện thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động tín dụng, đồng thời nâng cao năng lực thực thi pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong quá trình đi vay và cho vay.
Nguyễn Hoan