Tổ chức Ngày Đan Mạch tại Việt Nam lần thứ ba
Ngày Đan Mạch 2017 là một cơ hội cho các doanh nghiệp Đan Mạch hiện đang hoạt động tại Việt Nam chia sẻ và quảng bá các giá trị chung như lối sống lành mạnh, sức khỏe và an toàn lao động, và sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống.
Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động phong phú cho cả người lớn và trẻ em, cụ thể là hoạt động “Run with Maersk” - chạy bộ quanh công viên nhằm nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe và môi trường; Khu vui chơi với Lego; Khu vẽ tranh và các trò chơi khác dành cho các em nhỏ. Người tham dự cũng được hiểu thêm về văn hoá Đan Mạch qua khu ẩm thực Đan Mạch.
Hoạt động “Run with Maersk” |
Đây là lần thứ ba Ngày Đan Mạch được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện năm ngoái thu hút khoảng gần 1.000 người tham dự.
Theo thống kê, hiện có hơn 130 doanh nghiệp Đan Mạch hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam và doanh nghiệp Đan Mạch ngày càng gia tăng sự quan tâm đến cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Năm 2016, Đan Mạch là quốc gia trong EU có giá trị xuất khẩu bình quân đầu người sang Việt Nam nhiều nhất. Cũng trong năm này, tổng giá trị xuất khẩu từ Đan Mạch sang Việt Nam là 3.886 triệu DKK. Trong năm 2017 con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 4.000 triệu DKK. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu từ Đan Mạch sang Việt Nam là cá, ốc sò, động vật thân mềm.
Một số hoạt động trong "Ngày Đan Mạch 2017" |
Có thể nói, “Ngày Đan Mạch” hằng năm được tổ chức tại Việt Nam đã giúp người Việt Nam hiểu thêm về cách người Đan Mạch có thể cân bằng giữa công việc công sở và công việc tại gia đình.
Vào tháng 10/2017, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã công bố chỉ số OECD’s Better Life Index (chỉ số cân bằng giữa công việc và gia đình trong nhóm các nước OECD) và kết quả cho thấy, Đan Mạch chính là quốc gia có chỉ số OECD’s Better Life Index cao nhất.
Ở Đan Mạch, dân công sở không phải làm việc trong quá nhiều giờ đồng hồ. Chính phủ Đan Mạch đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ - đối tượng thường gặp vấn đề nhất với cân bằng cuộc sống, công việc - để giúp họ đạt được sự cân bằng, giúp hiệu quả công việc được nâng cao.
Nhiều cặp vợ chồng được phép xin nghỉ nhiều ngày để giải quyết chuyện gia đình, sau đó, họ hoàn toàn có thể trở lại công sở làm việc mà không chịu bất kỳ hình thức khiển trách hay kỷ luật nào. Ngoài ra, tại Đan Mạch, chế độ nghỉ thai sản 12 tháng cho cả hai vợ chồng là một trong những yếu tố giúp gắn kết mối quan hệ vợ chồng, con cái.
Ở Đan Mạch, trung bình một người làm việc 37 tiếng/tuần. Họ có thời gian nghỉ lễ 5 tuần/năm. Điều đó có nghĩa là thời gian nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình chiếm phần lớn. Tại đây, mặc dù mức thuế mà người dân phải đóng rất cao (khoảng 60% thu nhập), nhưng 80% số người được hỏi sẽ luôn sẵn sàng được đóng thuế. Người Đan Mạch hoàn toàn tin tưởng vào lợi ích mà họ có được khi đóng thuế cao, bởi tiền thuế chủ yếu để Chính phủ đầu tư vào các dịch vụ công như giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh cho người dân. Theo thống kê, Đan Mạch còn là một trong những quốc gia có thu nhập cao nhất và tỉ lệ nghèo đói thấp nhất so với các nước ở phương Tây.
Chính điều này đã khiến dân công sở Đan Mạch có khả năng dung hòa giữa cả công việc cơ quan và công việc gia đình. Và cũng nhờ sự cân bằng giữa gia đình, công việc mà Đan Mạch được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2016.
Tại Việt Nam, Đan Mạch đã có nhiều hoạt động hỗ trợ văn hóa. Chỉ tính riêng trong năm 2017, trong khuôn khổ Chương trình phát triển văn hóa của Đan Mạch tại Việt Nam, 5 không gian/sáng kiến nghệ thuật độc lập đã được nhận hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch để thực hiện các chương trình nghệ thuật sáng tạo trong năm 2017 và 2018. 5 không gian/sáng kiến nghệ thuật nói trên bao gồm: Không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội), Heritage Space (Hà Nội), Then café (Huế), Chaosdowntown Cháo (TP Hồ Chí Minh) và Sáng kiến của DNY productions (Đà Nẵng). Tổng số tiền tài trợ cho các dự án là 803 triệu đồng và qua đó, các hoạt động như triển lãm, workshop, xuất bản, buổi biểu diễn và các buổi trò chuyện theo chủ đề sẽ được tổ chức trong năm 2017 và năm 2018. Chương trình phát triển văn hóa của Đan Mạch tại Việt Nam được khởi động từ năm 2006. Kể từ đó, hằng trăm dự án nghệ thuật đương đại và nghệ sĩ đã nhận được hỗ trợ từ chương trình này với số tiền trên 3 triệu USD. |
P.V
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư