Tinh vi thẻ tín dụng giả
Bằng nhiều thủ đoạn, bọn tội phạm đã biến thẻ tín dụng giả thành chiếc thẻ hoàn chỉnh rồi thâm nhập vào TP HCM nhằm lừa rút tiền tại hệ thống ATM của ngân hàng trong nước và thực hiện các giao dịch quốc tế.
Mới đây, ngày 17/2, lại thêm một băng nhóm gồm 6 đối tượng người Malaysia đã bị Công an quận 1 (TP HCM) phối hợp Cơ quan An ninh điều tra Công an TP bắt giữ vì tình nghi dùng thẻ tín dụng giả để giao dịch. Được biết 2 trong số 6 tên này là Navanithan (22 tuổi) và Shamugam (29 tuổi) đến cửa hàng máy tính trên đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) để mua một máy tính bảng trị giá hơn 18 triệu đồng. Khi thanh toán, Navanithan dùng liên tiếp 2 thẻ Visa để thanh toán nhưng đều báo lỗi, không thanh toán được. Thấy vậy nên Shamugam đưa ra thẻ Visa thứ ba để thanh toán thì chiếc thẻ này được chấp nhận.
Thấy thái độ khả nghi của hai người này nên nhân viên cửa hàng đã báo cho phía ngân hàng bí mật kiểm tra thông tin chủ thẻ. Nhân viên ngân hàng đã kiểm tra, phát hiện thông tin trên chiếc thẻ này không đúng với thông tin của chủ thẻ trong hệ thống dữ liệu, ngân hàng phát hành thẻ cũng không đúng nên báo nhân viên cửa hàng giữ cả hai vị khách lại chờ công an tới. Khi lực lượng công an có mặt, kiểm tra phát hiện trong người 2 đối tượng này có 13 thẻ tín dụng khác đều là giả. Qua điều tra mở rộng, công an đã bắt khẩn cấp thêm 4 tên đồng bọn đang lưu trú tại khách sạn ở quận 1 và quận 5, thu giữ thêm hơn 20 thẻ tín dụng nữa được xác định là giả.
Đây chỉ là một trường hợp mới nhất trong số hàng chục vụ đối tượng người nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để giao dịch tại TP HCM trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, theo cảnh báo từ các ngân hàng và cơ quan chức năng cho thấy, TP HCM đang là điểm đến của bọn tội phạm nước ngoài (như từ Malaysia, Mỹ, Nigieria, Philippines, Trung Quốc… và Việt kiều về nước) sử dụng thẻ tín dụng giả như Mastercard, Visacard để chiếm đoạt tài sản.
Loại tội phạm này thâm nhập vào TP HCM thông qua đường du lịch rồi sử dụng hộ chiếu giả, thẻ tín dụng giả, thẻ của người khác hoặc thông đồng với các đại lý, điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại các khách sạn của các ngân hàng để thanh toán các dịch vụ khách sạn, mua hàng, đặt tour du lịch, mua đồ trang sức, đặt vé máy bay, hàng điện tử và những nơi bán hàng gọn nhẹ có giá trị cao. Khi thực hiện hành vi, loại tội phạm này thường phân công 1–2 đối tượng mang nhiều thẻ vào mua hàng, một số đối tượng khác ở bên ngoài cảnh giới. Khi đối tượng dùng thẻ giả quẹt thanh toán đủ tiền mua hàng rồi mang hàng hóa ra ngoài để đồng bọn chờ sẵn mang hàng tẩu thoát.
Các chuyên gia phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, thẻ tín dụng giả hiện nay được làm với nhiều chiêu thức, công nghệ khá tinh vi. Chiêu thức trước tiên của tội phạm thẻ tín dụng là sử dụng máy tính, mạng Internet đột nhập vào cơ sở dữ liệu của các ISP, server có các website nhạy cảm như các ngân hàng trong nước, nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, các ngân hàng thanh toán qua mạng, cơ sở dữ liệu của các công ty, nhất là các cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng và các thông tin nhạy cảm khác… nhằm đánh cắp dữ liệu, nhất là những nơi nào có chế độ bảo mật lỏng lẻo.
Trên thực tế, thẻ tín dụng giả không có đặc điểm khác biệt với thẻ tín dụng thật nếu nhìn bằng mắt thường. Để “phù phép” thẻ tín dụng giả, bọn tội phạm sẽ tìm mua các loại máy làm thẻ giả vốn được bán khá phổ biến ở nước ngoài. Sau đó bọn chúng chỉ cần mua những thẻ phôi trắng (thẻ màu trắng chưa in ấn) rồi lấy những dữ liệu, tài khoản ngân hàng đã được đánh cắp trên mạng Internet để bắn lên thẻ phôi qua băng từ màu đen khi đưa qua máy.
Từ đó chúng cho ra đời những chiếc thẻ hoàn chỉnh để có thể dễ dàng rút tiền từ hệ thống ngân hàng. Thậm chí tinh vi hơn, bọn tội phạm nước ngoài còn móc nối với với các đường dây rút tiền tại nước ngoài và cung cấp thông tin thẻ tín dụng cho những đối tượng sống ở đây rồi thực hiện rút tiền tại các hệ thống ATM tại nước ngoài. Số tiền ăn chia thông thường là 50/50. Tiền ăn chia đó sẽ chuyển về Việt Nam. Đối tượng trong nước chỉ việc mang chứng minh nhân dân đến và nhận tiền.
Một vấn đề khó khăn trong việc phát hiện loại tội phạm thẻ là các đối tượng thường có hành vi che giấu tên tuổi, nơi ở (thuê nhà không đăng ký tạm trú, thuê phòng không đưa hộ chiếu, sử dụng hộ chiếu giả, hộ chiếu của người khác tạm trú, thường xuyên di biến động, liên lạc chỉ qua điện thoại di động… nên khó xác định).
Trước những chiêu thức tinh vi của tội phạm thẻ, các cơ quan chức năng tại TP HCM cần tăng cường công tác cảnh báo về các thủ đoạn của loại tội phạm này và tăng cường về an ninh, an toàn mạng, về sử dụng Internet. Đồng thời cần đẩy mạnh việc khuyến cáo đến người dân và những đơn vị, ngân hàng, điểm tiếp nhận thanh toán bằng loại hình thẻ tín dụng nên nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh bị mắc bẫy bọn tội phạm thẻ. Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nên lập tức thông báo cho các cơ quan chức năng gần nhất để nhận được các sự giúp đỡ kịp thời.
Lực lượng công an địa phương cũng cần có biện pháp nắm tình hình, thông báo cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ trên địa bàn biết để chủ động cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. Mặt khác, các ngân hàng cũng cần trang bị hệ thống tiếp nhận thẻ với đầu đọc thẻ có chức năng an ninh cao để ngăn ngừa gian lận.
Thế Vinh
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam