Tin tức kinh tế ngày 8/10: Thủ tướng Chính phủ chốt nghỉ Tết 7 ngày
Thủ tướng chốt phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2020
Nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý từ thứ Năm ngày 23/1/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/1/2020 |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề nghị lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Bộ LĐ-TB & XH. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ bảy ngày, từ thứ Năm ngày 23/1/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/1/2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý).
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp.
Điện mặt trời hút đầu tư
Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa |
Với nhiều chính sách ưu đãi và tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư của Chính phủ, Việt Nam đang được xem là thị trường trọng tâm thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng mặt trời trên khắp thế giới đầu tư.
Việt Nam hiện đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia và điện mặt trời chiếm khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, hiện cũng có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2019.
Điển hình, Tập đoàn BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW sau hơn 9 tháng chính thức thi công. Đây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.
Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những đơn vị phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước, đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35 MW) và Krong Pa (49 MW).
Trong tháng 6/2019, Công ty Cổ phần TTP Phú Yên cũng đã tổ chức lễ khánh thành, chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên với tổng vốn lên đến 4.985 tỷ đồng.
Rất nhiều địa phương trong cả nước đặc biệt là khu vực miền Nam và miền Trung, như Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây nguyên, Tây Ninh đang có nhiều chính sách về quỹ đất, tài chính để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong nước. Điển hình nhất là tỉnh Long An có tới 16 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai trên địa bản tỉnh với tổng công suất 1.072 MW.
Mới đây, Nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG - CME Long An 1 được xây dựng tại xã Thạnh An, huyện Thanh Hóa (Long An) cũng đã chính thức đi vào hoạt động và hòa mạng lưới điện quốc gia. Đây là một trong những nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên của tỉnh Long An được xây dựng trên diện tích hơn 50 ha, có công suất 40,6 MWp, với 123.000 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất và nhà thầu tham gia mạnh mẽ vào thị trường. Với việc Nhà nước đang nghiên cứu mức giá điện mặt trời mang tính kinh doanh sẽ là động lực mạnh mẽ để thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thị trường công nghiệp điện mặt trời trong thời gian sắp tới.
Có thể nói Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo số liệu mới nhất, tính đến nay đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.
Có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt lợn trước Tết Nguyên đán 2020
Giá thịt lợn tăng tác động đến chỉ số CPI tháng 9 và 3 tháng cuối năm |
Giá thịt lợn hơi đang tăng phi mã. Dự báo có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt lợn hơi trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục.
Sau một tuần điều chỉnh tăng thêm từ 1.000-2.000 đồng/kg, sáng 7/10 giá lợn hơi của tập đoàn Dabaco chính thức được niêm yết ở mức 59.000-60.000 đồng/kg tuỳ khu vực. Tập đoàn C.P điều chỉnh tăng giá lợn hơi, niêm yết ở mức 57.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn ngày hôm nay 7/10, giá lợn sỉ liên tục lập mốc giá mới. Theo đó, lợn mảnh loại 1 đã tăng hơn 64.000 đồng/kg, lợn mảnh loại 2 giá trên 57.000 đồng/kg. Giá này đã tăng 10.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đó.
Các mặt hàng thịt lợn bán lẻ tại chợ cũng tăng nhẹ, nạc đùi 60.000 đồng/kg, sườn non 120.000 đồng/kg, cốt-lết 60.000 đồng/kg, nạc dăm 70.000 đồng/kg, giò trước 62.000 đồng/kg…
Hôm nay, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội cũng tăng thêm khoảng 150.000 đồng/kg đối với thịt loại 1; từ 80.000-100.000 đồng/kg với thịt ngon; thịt vụn tăng từ 55.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg…
Dự đoán trong thời gian tới, thịt lợn hơi sẽ tiếp tục tăng cao vì hiện nay lợn trong dân đã hết, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn lại không tăng số lượng xuất ra. Đặc biệt, hiện đang chuẩn bị bước vào thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao thì giá lợn hơi còn có thể tăng lên đến 65.000-67.000 đồng/kg.
Thực tế hiện nay, số lượng lợn thịt đến thời kỳ xuất chuồng không nhiều, trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành trên cả nước khiến các trại chăn nuôi nhỏ lẻ chưa dám tái đàn. Tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai, dịch tả heo châu Phi đã làm thiệt hại của bà con gần 49% tổng đàn heo, hiện chỉ còn khoảng 1,5 triệu con. Đa số người chăn nuôi, chủ trang trại và ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng phải giảm đàn để giảm thiểu thiệt hại.
Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting ước tính quy mô đàn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, dự báo có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục.
Mặc dù Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm, sữa, thủy sản... đủ sức đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, do thói quen lâu đời, người tiêu dùng gần như không thể dùng thịt gia súc, gia cầm để thay thế thịt lợn. Chưa kể, một số món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu... chỉ có thể làm từ thịt lợn mới đúng vị.
Việt Nam gây ấn tượng tại Hội chợ Công nghiệp thực phẩm hàng đầu thế giới
Một góc giới thiệu sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam |
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tại Hội chợ quốc tế Công nghiệp thực phẩm Anuga năm 2019 đang diễn ra tại thành phố Cologne, Đức.
Hội chợ quốc tế Công nghiệp thực phẩm Anuga là hội chợ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thực phẩm, quy tụ hơn 7.500 doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới và thu hút hơn 165.000 lượt khách quốc tế mỗi kỳ đến tham quan, nghiên cứu sản phẩm. Anuga 2019 diễn ra từ ngày 5-9/10 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm thành phố Cologne, bang Nord-rhein Westfalen, Đức.
Tham dự Anuga 2019 là một trong những hoạt động trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương tổ chức. Đây là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm đến các nhà phân phối thực phẩm, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn trên toàn thế giới và quảng bá cho ngành thực phẩm của Việt Nam nói chung.
Với những doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành dừa, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, gạo và các sản phẩm từ gạo, đoàn doanh nghiệp Việt Nam năm nay tiếp tục gây ấn tượng bằng sự đa dạng, sáng tạo và chất lượng trong các loại sản phẩm được giới thiệu tại hội chợ. Đặc biệt, các nhà trưng bày Việt Nam cũng tạo điểm nhấn với khách tham quan nhờ sự cải tiến đáng kể về hình thức, mẫu mã, ngày càng bắt kịp với xu hướng thị trường, thị hiếu của khách hàng châu Âu.
Ông Paul Rath, một nhà nhập khẩu kỳ cựu tới từ Australia với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với các đối tác và tham dự các sự kiện lớn trên toàn cầu cho rằng, cách bố trí, sắp xếp và tổ chức của gian hàng Việt Nam tại Anuga 2019 rất hiện đại và hiệu quả.
Trong mắt các thương nhân quốc tế, Việt Nam luôn là một bạn hàng đáng tin cậy. Sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại Anuga vì vậy không chỉ để giới thiệu sản phẩm mà còn nhằm mục đích quan trọng hơn là kết nối với các nhà phân phối thực phẩm và đồ uống ở châu Âu, cũng như khẳng định uy tín trong lĩnh vực này.
Bên cạnh việc nắm bắt tốt xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ của khách hàng châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam còn nỗ lực chào hàng các sản phẩm mới phát triển với hàm lượng giá trị gia tăng cao, nhằm chinh phục người tiêu dùng tại thị trường này. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam mang đến hội chợ Anuga 2019 nhiều sản phẩm hữu cơ (organic) như quế, sữa dừa..., đồng thời giới thiệu nhiều sản phẩm lần đầu ra mắt như tương ớt lên men, dưa chuột ngâm rượu vang...
Tùng Dương
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
[PetroTimesTV] Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển
-
Quý III/2024: GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
-
Đồng thuận phương án nghỉ 9 ngày dịp Tết Nguyên đán 2025
-
Niềm vui của hai dự án bauxite Tây Nguyên
-
Tin tức kinh tế ngày 4/11: Doanh nghiệp cảng biển lãi lớn trong quý III
-
Dự đoán hoạt động lọc dầu của Trung Quốc trong phần còn lại của năm 2024
-
Tin Thị trường: Một loạt những yếu tố có thể tác động tới giá dầu thế giới
-
OPEC+ nhất trí hoãn tăng sản lượng dầu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 4/11: Các công ty năng lượng Mỹ kêu gọi tính nhất quán trước thềm bầu cử