Tin tức kinh tế ngày 04/10: Công khai giá thành điện
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương công khai giá bán điện
Rà soát chặt chẽ giá điện cho người thuê trọ tại Thủ đô. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Công Thương rà soát chi phí đầu vào, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018, công bố công khai chậm nhất vào tháng 11/2019.
Yêu cầu nói trên được nhấn mạnh trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây.
Trong 9 tháng năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, tạo thêm dư địa cho công tác điều hành giá kiểm soát lạm phát cả năm 2019 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, tạo điều kiện thuận lợi để xem xét điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá...
Đối với giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện rà soát phương án giá bán lẻ điện bình quân Quý III năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo đúng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát chi phí đầu vào, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 và công bố công khai chậm nhất vào tháng 11/2019.
Về giá xăng dầu, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nắm bắt các diễn biến của giá thế giới để điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đúng quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Hai Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chú trọng bảo đảm an ninh năng lượng và nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Đối với phí BOT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm báo cáo Chính phủ tổng thể về phương án giá dịch vụ BOT, tác động của việc điều chỉnh nếu có đến tình hình lạm phát, đời sống người dân và xã hội; cần hoàn thành triển khai việc thu phí không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, gian lận trong quản lý, hạch toán doanh thu của các dự án BOT.
Cũng theo kết luận của Phó Thủ tướng, đối với mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán có thể bị sụt giảm, bên cạnh đó, nhu cầu thịt lợn xuất sang các nước láng giềng gia tăng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh, đánh giá sát từng tháng tình hình cung - cầu và phối hợp với Bộ Công Thương để có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất nhóm hàng này.
9 tháng 2019, PVN hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu cả năm
PVN hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2019. |
Tập đoàn dầu khi Việt Nam (PVN) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, với việc hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra ở nhiều chỉ tiêu.
Theo đó, tổng doanh thu của toàn PVN tháng 9 năm 2019 ước đạt 61,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,5% so với kế hoạch tháng 9. Lũy kế 9 tháng, PVN ước đạt 560,6 nghìn tỷ đồng doanh thu, vượt 12% kế hoạch 9 tháng và bằng 92% kế hoạch năm.
Tình hình sản xuất xăng dầu trong 9 tháng đầu năm đạt 8,99 triệu tấn, vượt 5,6% kế hoạch và bằng 79,2% kế hoạch năm. Hoạt động sản xuất đạm đạt 1,1 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch và bằng 76,6% kế hoạch năm. Sản xuất điện 9 tháng đầu năm 2019 đạt 16,42 tỷ kWh, vượt 4,3% kế hoạch và bằng 76% kế hoạch năm.
Tương tự, các chỉ tiêu tài chính khác của PVN cũng hoàn thành tốt theo kế hoạch đã đề ra. Trong 9 tháng đầu năm 2019, PVN đã nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 78,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm.
Hệ số bảo toàn vốn đến thời điểm 30/9/2019 đạt 1,01 lần, đảm bảo an toàn và phát triển vốn. Lợi nhuận/cổ tức được chia từ các đơn vị thành viên đến ngày 24/9/2019 đã đạt 92% kế hoạch cả năm.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 9/2019, PVN có 4 đơn vị là Rusvietpetro, PTSC, PVGAS, PVTrans đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm các chỉ tiêu về tài chính.
Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á
Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam á về tăng trưởng kinh tế số. |
Thông tin này vừa được công bố trong Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do ba đơn vị Google, Temasek và Bain and Company thực hiện.
Nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Ước tính, giá trị nền kinh tế số Việt Nam đến hết năm nay sẽ đạt 12 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với cách đây 4 năm. Dự kiến,giá trị nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt quy mô lên đến 43 tỷ USD đến năm 2025.
Trong đó, hai mảng đóng góp doanh thu lớn nhất lần lượt là thương mại điện tử với hơn 40% và du lịch trực tuyến với hơn 30%. Xét về khía cạnh thu hút đầu tư vào kinh tế số, Việt Nam cũng đứng thứ ba trong khu vực. Báo cáo nhận xét giá trị các thương vụ đầu tư của Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Còn tại khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế số được dự kiến sẽ vượt mốc 100 tỷ USD trong năm nay và tăng gấp 3 vào năm 2025. Indonesia được coi là nước có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế số ở Đông Nam Á, trong đó thương mại điện tử vẫn là điểm sáng.
Hoạt động kinh doanh này được thúc đẩy bằng hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại hay khả năng giao hàng nhanh hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, các công ty Internet ở Đông Nam Á có thể đã huy động được 7,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.
Dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 từ 3,3 – 3,5%
Kiểm soát lạm phát năm 2019 khá ổn định. |
Qua kết quả thực hiện công tác điều hành giá tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 – 3,5%.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27/9/2019.
Thông báo nêu rõ, trong quý III năm 2019, các Bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc các kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 04/7/2019 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và các Bộ chuyên ngành trong công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát, làm tốt công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin về giá.
Qua đó góp phần kiểm soát tốc độ tăng CPI các tháng so với tháng trước thấp hơn dự báo. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho công tác điều hành giá kiểm soát lạm phát cả năm 2019 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xem xét điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường.
Đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ liền trong năm
Đề xuất bổ sung 3 ngày nghỉ lễ trong năm được nhiều người lao động đồng tình. |
Sáng 04/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ Luật Lao động, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào các nội dung lớn như: Mở rộng khung làm thêm giờ tối đa, giờ làm việc theo quy định, quy định về tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) và một số các quyền, lợi ích của người lao động…
Cụ thể, xung quanh điều chỉnh quy định về giờ làm thêm, vẫn có những quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên quy định về số giờ làm việc bình thường, giờ làm thêm tối đa không được vượt quá 300 giờ. Đại diện Hội Luật gia TP Hà Nội Trương Văn Dũng góp ý, nên giữ nguyên quy định luật hiện hành, không tăng giờ làm thêm, bởi hiện nay đất nước đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, mà phát triển con người phải ưu tiên hàng đầu. Phải làm sao để tăng năng suất lao động, đi kèm lương giảm giờ làm, cải thiện đời sống của NLĐ.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Ngô Văn Tuyến bổ sung, số giờ làm việc bình thường của Việt Nam đang thuộc tốp cao nhất thế giới và số ngày nghỉ liền dài lại thuộc tốp ít nhất thế giới, hơn nữa, việc giảm giờ làm đang là xu hướng chung. Chính vì vậy, Dự thảo Bộ Luật lần này cần quy định giảm giờ làm cho NLĐ, đồng thời tăng thêm 3 ngày nghỉ liên tục trong năm. Ông Tuyến đưa là 2 phương án cụ thể: Kéo dài ngày nghỉ trong dịp Quốc khánh từ 2 – 5/9 để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi, về quê và đưa con tới trường khai giảng. Hoặc nghỉ thêm 1 ngày vào ngày gia đình việt nam 28/6 và tăng nghỉ Tết dương lịch lên thành 2 ngày.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty May 10, Công ty xích líp Đông Anh, Công ty khoá Việt Tiệp đều cho rằng: Việc giảm giờ làm việc hiện nay là không phù hợp, do doanh nghiệp đã chịu quá nhiều các chi phí, nếu giảm giờ làm đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí và giảm năng xuất của doanh nghiệp. Cụ thể, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt khẳng định, hiện nay Bộ Luật Lao động đã khá tối ưu, không cần thay đổi quá nhiều. Đứng trên góc độ doanh nghiệp, những thay đổi sẽ rất áp lực với doanh nghiệp. Trong Bộ Luật không nên quy định giờ làm việc tối đa không quá 300 giờ mà chỉ nên quy định không quá 12 giờ/ngày. Do đặc thù của nhiều ngành sản xuất khi vào mùa vụ, nếu được, nên có quy định riêng đối với ngành đặc thù không quá 400 giờ dựa trên thỏa thuận với NLĐ.
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Bùi Huyền Mai khẳng định, Đoàn tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của đại biểu và sẽ tổng hợp ghi nhận báo cáo UBTV Quốc hội. Ngoài ra, tới đây, Đoàn cũng sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm để lắng nghe ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, DN và NLĐ.
Quốc hội sẽ xem xử lý tiền thuế nợ ngay tại kỳ họp thứ 8
Nợ thuế không có khả năng thu hồi chiếm gần 50% tổng tiền thuế nợ. |
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội vừa công bố Nghị quyết số 774/2019/UBTVQH14 của UBTVQH về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Theo đó, căn cứ Hiến pháp, pháp luật, xét đề nghị của cơ quan chức năng, UBTVQH đã quyết định Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, cụ thể là bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 một dự án luật, một dự thảo nghị quyết.
Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp).
Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước cũng được bổ sung vào chương trình để Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Tùng Dương
-
Giá vàng hôm nay (25/11): Thị trường thế giới tăng trở lại
-
Giá dầu hôm nay (25/11): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Phân tích và dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu
-
Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng sớm hơn kế hoạch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/11: Giá dầu thế giới duy trì sắc xanh