Tin tức kinh tế ngày 6/6: GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng do chiến tranh thương mại
Giá dầu thế giới 6/6 giảm mạnh trước thông tin dự trữ dầu Mỹ tăng |
Hôm nay (6/6): Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) |
Giá vàng hôm nay 6/6: Đồng USD rớt đáy, giá vàng tăng thần tốc |
GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng do chiến tranh thương mại
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh VGP) |
Sáng 6/6, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019.
Trả lời chất vấn của đại biểu về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Phó Thủ tướng cho biết: "Đối với Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở rất lớn thì bất cứ một tác động nào của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam... Cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đồng thời có thể ảnh hưởng nguồn cung của các sản phẩm xuất khẩu. Về ngắn hạn có thể tăng lên nhưng về dài hạn sẽ có những tác động".
"Có những đánh giá của chúng ta hiện nay cho thấy trong 5 năm tới, tác động của chiến tranh thương mại có thể khiến GDP Việt Nam giảm 6.000 tỷ đồng", Phó Thủ tướng nhận định.
Về giải pháp ứng phó với chiến tranh thương mại, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ xây dựng nhiều kịch bản, đề án để đảm bảo nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục phát triển thông qua ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo linh hoạt tỷ giá bởi chiến tranh thương mại sẽ tác động đến tỷ giá. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư để đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc giảm mạnh
4 tháng đầu năm, tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 94,6 triệu USD. (Ảnh minh họa) |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 94,6 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu giảm là do sự sụt giảm mạnh của thị trường chính và tác động của giá tôm thế giới.
Mặc dù Việt Nam có nhiều ưu đãi, việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chưa đạt kết quả cao. Cụ thể, Việt Nam được miễn thuế tôm nhập vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn một năm, đến 2020 là 15.000 tấn một năm, nhưng hiện tại mới tận dụng được 2.500 tấn một năm.
Để tận dụng ưu đãi mà hiệp định trên mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về hiệp định để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Song song đó, doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm chất lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Hiện, Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 50,5% trong khi các đối thủ khác (Thái Lan 9,6%, Ecuador 13,5%, Trung Quốc 5,2%). Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador.
Trái cây tăng giá mạnh trước Tết Đoan Ngọ
Mận hậu được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. (Ảnh: VNE) |
Vào ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), các gia đình thường chọn món ăn đầu tiên trong ngày là hoa quả, bánh trái có vị chung là chua, cay, nóng,... để giết được sâu bọ, giun sán trong người. Chính vì thế, vào những ngày này, nhu cầu mua các loại hoa quả như mận, vải thiều, xoài, na ... thường tăng đột biến.
Ghi nhận ngày 6/6 tại TP HCM, giá nhiều loại trái cây tăng mạnh, thậm chí có những sản phẩm tăng giá gấp đôi so với tuần trước. Cụ thể, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), mận hậu, vải, chôm chôm, nhãn, na tăng mạnh nhất; đặc biệt mận hậu là trái cuối vụ nên giá đắt gấp đôi. Giá mận hậu trước đó chỉ 40.000-80.000 đồng/kg, nay tăng lên 70.000-160.000 đồng/kg; vải tăng thêm 20.000 đồng, giá 80.000 đồng/kg; na, nhãn tăng 10.000 đồng lên 70.000-90.000 đồng một kg (tùy kích cỡ).
Cũng cho biết trái cây tăng giá mạnh, tiểu thương chợ Xóm Mới (quận Gò Vấp) giải thích, năm nay do vải mất mùa, mận lại vào cuối vụ nên giá mới tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày. Không chỉ các chợ lẻ tăng giá mà tại chợ đầu mối, giá bán sỉ cũng tăng mạnh. Riêng với vải, đang có hai loại nhưng cả hai đều tăng giá hai ngày nay quanh mức 10.000-20.000 đồng/kg.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, giá trái cây về chợ có tăng so với ngày thường nhưng không đáng kể. Nhưng nhu cầu cho Tết Đoan Ngọ tăng cao nên giá một số loại đã tăng khoảng 5.000-10.000 đồng một kg. Hiện, vải, mận, chuối, nho, nhãn là những sản phẩm bán đắt khách tại chợ.
Áp dụng tối đa quy định hiện hành để thu thuế xe hợp đồng điện tử
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, có khoảng 50.000 xe hợp đồng điện tử đang hoạt động ở Việt Nam. Bộ GTVT đã chỉ đạo các địa phương liên quan kết nối số liệu với Bộ GTVT và Bộ Công an để thống kê và quản lý chặt chẽ tất cả các biến động, hoạt động của các doanh nghiệp và xe đăng ký, tránh thất thu thuế và đảm bảo an toàn, an ninh vận tải.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thêm, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, 9 doanh nghiệp vận tải lớn trong đó có Grab, Fastgo Việt Nam... kê khai phải nộp 437 tỷ đồng tiền thuế và các doanh nghiệp này đã nộp 415 tỷ đồng. Với Uber Việt Nam, năm 2017, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo Cục Thuế TPHCM kiểm tra thuế tại Uber giai đoạn 2015-2016, và truy thu gần 66,7 tỷ đồng. Tới 31/8/2018, doanh nghiệp này đã nộp đầy đủ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết đã nghiên cứu, áp dụng tối đa quy định luật thuế hiện hành để thu thuế xe hợp đồng điện tử. “Hiện pháp luật về thuế đã áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp về thuế suất, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn giảm... Theo đó, doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập doanh nghiệp như Grab, Mai Linh, Vinasun... sẽ được áp dụng phương pháp kê khai thuế.
Còn nhà đầu tư nước ngoài xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí... cơ quan thuế phải sử dụng phương pháp tỷ lệ ấn định trên doanh thu hoặc tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu... Các phương pháp này, đều đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Việt Nam không có ý định thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng, Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các bộ ngành đã phối hợp, trao đổi với Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề liên quan tới kinh tế vĩ mô và ngoại hối.
Nhấn mạnh thêm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay, quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đã có những tiến triển rất tích cực. “Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vừa là trọng tâm, vừa là động lực cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”- bà Hằng khẳng định.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
Tin tức kinh tế ngày 31/10: Thị trường chứng khoán hồi phục bất ngờ
-
Tin tức kinh tế ngày 30/10: Phấn đấu CPI năm 2024 không vượt quá 4%
-
Tin tức kinh tế ngày 29/10: Giá vé máy bay Tết 2025 tăng 8 - 10%
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 1/11: Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt
-
VLF 2024: Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
-
Ả Rập Xê Út có thể cắt giảm giá dầu tháng 12 cho châu Á
-
Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
-
Rystad Energy: OPEC+ sẽ không khôi phục sản lượng dầu trong năm nay