Tin tức kinh tế ngày 14/7: Bộ Công Thương siết chặt quản lý cán bộ, Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần
Xu thế dòng tiền: Thị trường vẫn tăng trong nghi ngờ?
Dòng tiền đổ vào chứng khoán Việt vẫn đang tăng trưởng đều đặn. |
Trái với sự bùng nổ của thị trường thế giới, tuần qua thị trường Việt Nam tăng không đáng kể và giảm khá mạnh ngày cuối tuần...
Các chuyên gia cho rằng tình trạng trồi sụt tuần qua là do sự giằng co lưỡng lự của cả bên mua lẫn bên bán về xu hướng của thị trường. Trong quá trình đi lên thị trường vẫn có các phiên điều chỉnh để kiểm tra lực cầu, đón dòng tiền mới.
Giai đoạn ngờ vực hiện tại chịu ảnh hưởng từ chiến thuật "đánh nhanh rút gọn", đồng thời các cổ phiếu lớn thay nhau tăng giá dẫn tới biến động của chỉ số không nhiều. Tuy vậy, trong phiên giảm cuối tuần qua, thanh khoản đã tăng thể hiện chiến thuật mua khi giá giảm.
Các chuyên gia cho rằng các phiên giảm là cần thiết và thị trường vẫn đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý 2. Nhóm cổ phiếu blue-chips như ngân hàng, dầu khí vẫn có sức mạnh dẫn dắt. Tuy nhiên khi các kết quả kinh doanh xuất hiện nhiều, thị trường sẽ bước vào giai đoạn phân hóa.
Mặc dù các thông tin như FED phát tín hiệu giảm lãi suất không giúp thị trường bùng nổ nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư canh mua vào cổ phiếu để đón trước thông tin kết quả kinh doanh. Xu hướng tăng vẫn đang diễn ra.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần
Một số tân binh trên sàn chứng khoán gây bất ngờ trong tuần qua. |
Thị trường ghi nhận một tuần giao dịch khá tích cực, không hẳn ở mặt điểm số, mà bởi thanh khoản gia tăng đáng kể cho thấy tâm lý giới đầu tư đã được cải thiện, cộng thêm khối ngoại mua ròng khoảng 1.000 tỷ đồng cũng đã hỗ trợ tích cực cho xu hướng thị trường.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 0,06 điểm lên 975,4 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 1,1% lên 17.821 tỷ đồng, khối lượng tăng 5,4% lên 801 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 1,483 điểm (+1,4%), lên 105,86 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 17,7% lên 1.907 tỷ đồng, khối lượng tăng 2,8% lên 124 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, nhóm dịch vụ tiêu dùng tăng 1,8% với DGW (+2,9%), MWG (+2,8%), VJC (+0,5%)...
Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 0,8% với VCB (+1,5%), BID (+1,8%), CTG (+1,4%), VPB (+0,5%), TCB (+4,9%), ACB (+3,1%)...
Ở chiều ngược lại, nhóm nguyên vật liệu giảm mạnh nhất, khi mất 1,5% bởi HPG (-1,8%), HSG (-3,4%), PHR (-1,5%), DCM (-0,2%), DPR (-0,7%)...
Cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý nhất trên HOSE là DAH, khi kết tuần này ghi nhận tổng cộng 6 phiên liên tiếp tăng kịch trần leo lên 12.650 đồng/cổ phiếu, mức giá cao lịch sử của cổ phiếu này kể từ khi chào sàn ngày 10/10/2016.
Tân binh GAB gây ấn tượng mạnh, khi chào sàn ngày 11/7 với giá tham chiếu 12.000 đồng đã kịp có 2 phiên tăng kịch trần với thanh khoản khá cao, hơn 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh/mỗi phiên.
Người tiêu dùng hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực
Xe sang từ châu Âu sẽ liên tục được giảm giá thuế nhập khẩu. |
Nhiều mặt hàng “made in EU” nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm giá theo lộ trình cam kết khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về EVFTA, cho biết: Theo cam kết về ô tô trong EVFTA, những xe trên 2.500 phân khối mức thuế sẽ giảm dần đều trong 9 năm về 0%. Loại xe dưới 2.500 phân khối thì trong 10 năm thuế về 0%. Riêng phụ tùng ô tô là 7 năm. Cam kết này chắc chắn sẽ tạo sức cạnh tranh cho ô tô của EU tại thị trường Việt Nam và phân khúc xe sang của EU sẽ giảm giá bán.
“Lưu ý, phụ tùng ô tô sẽ giảm giá nhanh hơn nên các chủ phương tiện hiện sở hữu xe châu Âu như Audi, Mercedes, BMW... thời gian tới sẽ mất chi phí bảo hảnh, bảo dưỡng ít đi”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.
Mặt khác, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, Việt Nam chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng của EU, tức là xe châu Âu nhập vào Việt Nam sẽ không cần công đoạn chứng nhận chất lượng (tất nhiên có đi kèm điều kiện), cũng tạo điều kiện hơn nữa cho xe của EU nhập vào Việt Nam.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp, cụ thể là các loại thịt được đoàn đàm phán EVFTA quan tâm. Quá trình giảm thuế với các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà của châu Âu có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Tuy nhiên nhìn ở góc độ tích cực, nó cũng giúp ngành chăn nuôi trong nước vươn lên để tăng sức cạnh tranh, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi kép từ 2 phía.
Tổng cục Thuế thanh, kiểm tra 150 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết
Tổng cục Thuế thanh tra 150 doanh nghiệp có dấu hiệu giao dịch liên kết. |
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, toàn hệ thống thuế đã thực hiện hơn 35.300 cuộc thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, trong đó đã thanh tra, kiểm tra đối với 150 doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Tính đến hết tháng 6/2019, toàn hệ thống thuế đã thực hiện được hơn 35.300 cuộc thanh tra, kiểm tra, bằng 101,69% so với cùng kỳ năm 2018; kiểm tra được 185.842 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế.
Tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra kiểm tra đạt hơn 20.545 tỷ đồng, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là hơn 3.299 tỷ đồng, đạt gần 58% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 109,49% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 150 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt hơn 693 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 2.488 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 9 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.661 tỷ đồng.
Bộ Công Thương siết chặt kỷ cương hành chính và quản lý cán bộ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thực thi công vụ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Mặt khác, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số số 04/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong quản lý cán bộ, công chức viên chức.
Cùng đó, phát huy trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, nói phải đi đôi với làm; có biện pháp nhằm chấn chỉnh ngay tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý.
Thành Công