Tin nóng thế giới hôm nay - 22/12
Tin nóng thế giới hôm nay - 21/12 |
Thế giới đêm qua - 20/12 |
Tin nóng thế giới hôm nay - 20/12 |
Tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ tại cảng Kerch, Crimea, Nga ngày 26/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
1. Mỹ tuyên bố hỗ trợ 10 triệu USD cho hải quân Ukraine
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/12 tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp thêm một khoản 10 triệu USD tài trợ quân sự cho Ukraine nhằm hỗ trợ hải quân nước này sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Ukraine hồi tháng trước, trong một động thái "leo thang nguy hiểm". Quyết định trên được đưa ra sau khi Litva và Anh tăng cường trợ giúp an ninh cho Ukraine sau vụ bắt giữ hôm 25/11 gần Eo biển Kerch.
Bộ này nêu rõ: "Mỹ kêu gọi Nga lập tức trao trả các tàu và thủy thủ Ukraine bị bắt giữ, duy trì Eo biển Kerch và Biển Azov mở cửa với các tàu đến và đi từ cảng Ukraine cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Hôm 25/11, Nga đã nổ súng và bắt giữ các tàu cùng thủy thủ đoàn của Ukraine gần Bán đảo Crimea được Nga sáp nhập hồi tháng 3/2014. Eo biển Kerch là tuyến đường duy nhất tới Biển Azov và kiểm soát sự ra vào 2 cảng lớn của Ukraine.
2. Biểu tình hạ nhiệt tại Pháp, tăng nhiệt tại Anh, Bồ Đào Nha
Phong trào "Áo vàng" của Pháp đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình lần thứ 6 trên toàn quốc vào ngày 22/12. Tuy nhiên, số người tham gia xuống đường có xu hướng giảm mạnh vào thời điểm lễ Giáng sinh đang đến gần.
Mặc dù đang dần hạ nhiệt tại Pháp, nhưng sức nóng của phong trào "Áo vàng" vẫn tiếp tục lan sang nhiều quốc gia châu Âu khác. Ngày 21/12 tại Anh, các vệ binh canh gác Tháp London và nhân viên làm việc ở các Cung điện Hoàng gia lịch sử như Hampton Court Palace và Kensington đã đình công do quy định chi trả lương hưu bị thay đổi, yêu cầu người lao động phải tăng các khoản đóng góp.
Còn tại Bồ Đào Nha, hàng trăm người biểu tình ở thủ đô Lisbon và 3 thành phố Porto, Braga, Coimbra, yêu cầu chính phủ giảm thuế, giá nhiên liệu, đồng thời tăng lương tối thiểu lên 700 euro, cũng như tăng trợ cấp thất nghiệp. Đoàn người biểu tình đã phong tỏa quảng trường trung tâm Marques de Pombal ở Lisbon sáng 21/12, song không gây cản trở giao thông và không xảy ra tình trạng bạo loạn.
3. Nhiều bộ trong Chính phủ Mỹ gián đoạn hoạt động vô thời hạn
Rạng sáng 22/12 (giờ địa phương), một phần Chính phủ Mỹ chính thức ngừng hoạt động vì Quốc hội nước này không thể thông qua một dự luật chi tiêu cho chính phủ trước hạn chót 21/12. Nguyên nhân xuất phát từ việc Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời cho chính phủ liên bang tới tháng 2/2019 nhưng không bao gồm khoản 5 tỷ USD chi cho dự án bức tường biên giới Mỹ-Mexico mà Tổng thống Donald Trump đặc biệt yêu cầu. Tổng thống Trump sau đó tuyên bố sẽ không phê chuẩn dự luật này.
Ngoại trừ 3/4 chương trình hoạt động của chính phủ liên bang vốn đã được duyệt chi phí cho tới ngày 30/9 năm sau thì 1/4 chương trình hoạt động còn lại bị gián đoạn từ 0h sáng 22/12 vì không có ngân quỹ. Hoạt động của các bộ và cơ quan trong chính phủ trong đó có Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chịu tác động.
4. Iran khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu và thử tên lửa
Kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 21/12 dẫn lời tướng Ali Fadavi - Phó Tư lệnh điều phối Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết IRGC sẽ tiếp tục các cuộc thử nghiệm tên lửa và tích cực tiến hành các hoạt động nghiên cứu liên quan, bất chấp sức ép và lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đề cập tới sức ép và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này, tướng Fadavicho hay các biện pháp trừng phạt luôn là cơ hội đối với Iran khi tạo điều kiện cho quốc gia này dựa vào chính năng lực của mình. Ông Ali Fadavi khẳng định: "Các biện pháp trừng phạt càng gay gắt, năng lực phòng thủ của Iran càng mạnh mẽ".
5. Thượng nghị sỹ Mỹ kêu gọi điều trần về việc Mỹ rút quân khỏi Syria
Ngày 21/12, Thượng nghĩ sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã kêu gọi tổ chức một cuộc điều trần về quyết định rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump - vấn đề khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quyết định từ chức. Buổi điều trần của Thượng viện cũng có thể bao gồm cả kế hoạch rút 5.000 binh sỹ Mỹ trong tổng số khoảng 14.000 binh sỹ đang đồn trú tại Afghanistan.
Ông Graham trước đây luôn ủng hộ các chính sách của Tổng thống Trump, song đã bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, cho rằng việc này sẽ khiến số lượng binh sỹ Mỹ còn lại quá ít để có thể hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh ở Afghanistan cũng như bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công.
Trước đó, ngày 20/12, chính quyền Washington thông báo sẽ rút hoàn toàn binh lính Mỹ khỏi Syria. Quyết định trên của Tổng thống Trump được đưa ra mà không qua tham vấn với nhóm an ninh quốc gia cũng như các đồng minh, dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ của hầu hết các bên liên quan trong cuộc chiến chống IS.
Lâm Anh (t/h)
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"