Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Bài 1)
Bài 1: “Anh cả đỏ” và giấc mơ dang dở
Nắm giữ khối tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng và những vị thế vô đối trong những ngành, lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước không còn là những anh cả đỏ một thời oai hùng.
Từng được kỳ vọng là cánh chim đầu đàn của ngành vận tải biển Việt Nam, Vinalines đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầy khó khăn |
Tâm tư lịch sử
Những tiếng vỗ tay, những lời gửi gắm, hứa hẹn về sự phát triển mạnh mẽ hơn của 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngành nông nghiệp sau khi về mái nhà chung là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) dường như ẩn chứa nhiều tâm tư.
So với các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực khác, tổng vốn điều lệ của nhóm doanh nghiệp này chỉ 50.000 tỷ đồng, nhưng sở hữu tới 500.000 ha đất nông, lâm nghiệp và quan trọng là vị thế lịch sử là nòng cốt thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nhưng, điều ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ khi bàn giao vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước từ bộ này sang Ủy ban không chỉ là sứ mệnh lịch sử các doanh nghiệp đã hoàn thành, mà còn cả tình thế hiện tại. Các doanh nghiệp này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bước đầu có lãi, bảo tồn được vốn nhà nước, đóng góp lớn phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa...
Nhìn vào 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chuyển giao cho Ủy ban, tình thế này không của riêng ngành nông nghiệp. 6 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương chuyển về Ủy ban đang gánh 9/12 dự án thua lỗ phải xử lý dứt điểm trước năm 2020.
Bộ Thông tin và Truyền thông có 2 tổng công ty bàn giao về Ủy ban là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone, nhưng MobiFone đang vướng mắc tại vụ mua và trả lại Kênh truyền hình An Viên... Trong 5 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu đầy thách thức...
Những giấc mơ dang dở
Lãnh đạo một tập đoàn kinh tế trầm ngâm khá lâu, rồi từ chối trả lời khi nhận được câu hỏi: đã bao giờ ông nghĩ tới mục tiêu tập đoàn sẽ có vị trí nào đó trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp toàn cầu Fortune (Fortune Global 500) không?
Cũng thật khó để nói gì, khi ông vừa bước ra khỏi cuộc làm việc tìm cách gỡ cho 12 dự án thua lỗ, chậm trễ của ngành công thương; vừa phải nói thật về những cảm xúc tiêu cực, khó khăn mà ông và đồng nghiệp đang đối mặt khi những sai phạm trong các đại dự án được bóc tách, công bố, thay vì tương lai xán lạn mà các doanh nghiệp vẽ ra trước đó. Tuy vậy, ông không quên vai trò làm trụ cột quan trọng của nền kinh tế, luôn đề nghị sự hỗ trợ từ Nhà nước trong các đề xuất sửa sai...
Dù không còn ở thời đỉnh cao tuyệt đối, nhưng những gì mà khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có, nhất là nguồn lực đầu vào và vị thế thị trường, vẫn là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp khác.
Xét về quy mô tổng nguồn vốn, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 79% lĩnh vực khai khoáng; 91% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 65% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải; 80% trong lĩnh vực thông tin, truyền thông... Xét về doanh thu, khu vực này chiếm tới 86% trong lĩnh vực khai khoáng; 96,8% trong sản xuất, phân phối điện; 72,94% trong cung cấp nước, xử lý nước thải...
Thậm chí, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) còn nhắc tới nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế mà các doanh nghiệp nhà nước đang có quyền sở hữu, như hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, mạng truyền tải điện, mạng viễn thông, hệ thống cung cấp xăng dầu, mạng lưới các cơ sở cung cấp tài chính, tín dụng…
Nếu xét riêng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và trên 60 tổng công ty. Riêng 7 tập đoàn đã nắm giữ 66% tài sản; 66,7% vốn chủ sở hữu; tạo ra 61,7% doanhh thu và 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% nộp ngân sách. Trong số này, bộ ba Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm phần lớn...
Vậy nhưng, những gì mà khu vực này đem lại cho nền kinh tế lại không hề tương xứng. Nghiên cứu của CIEM cho thấy, để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân trong nước. So với doanh nghiệp khác năm 2017, doanh nghiệp nhà nước chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh, nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần.
Hơn thế, các doanh nghiệp tạo ra phần lớn lợi nhuận và giá trị gia tăng nêu trên cơ bản hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, chi phối thị trường (viễn thông, năng lượng)...
“Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế, như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…, thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước rất thấp. Nhiều thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước trong ngành xây dựng, cơ khí... một thời đình đám giờ vắng bóng”, ông Trung phân tích.
Bóng dáng gánh nặng
Phát biểu khi chuyển giao VNPT và MobiFone cho Ủy ban, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc tới sứ mệnh lớn lao, vẻ vang, nhưng cũng đầy thách thức của Ủy ban.
Theo kế hoạch, ngày 21/11/2018, Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Thách thức đến từ chính nội tại của Ủy ban, cơ quan vừa đi vào hoạt động vào tháng 9/2018, vừa nhận chuyển giao vai trò đại diện chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong tuần trước, đang hoàn thiện bộ máy nhân sự và các công việc khác để trở thành một ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ, chứ không phải cơ quan quan liêu, bảo thủ, làm gánh nặng cho đất nước.
Trong lễ ra mắt Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Nếu đây là một cơ quan bảo thủ, hành chính, quan liêu làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước thì chúng ta không bao giờ lập Ủy ban.
Nhưng thách thức không chỉ có vậy. Bước chậm trễ trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang đè thêm gánh nặng cho Ủy ban. Báo cáo sơ kết kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ vừa trình Quốc hội đã ghi rất rõ, các mục tiêu về chất lượng của quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tiến triển chậm.
Ngay yêu cầu thường được nhắc đến với doanh nghiệp nhà nước là làm tốt việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho xã hội, phục vụ quốc phòng, an ninh, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế cũng chưa đạt. Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa còn mờ nhạt.
Một số doanh nghiệp nhà nước đã tích cực tham gia hội nhập và cạnh tranh quốc tế, nhưng năng lực cạnh tranh, thị phần khu vực và thế giới của khu vực doanh nghiệp này còn rất nhỏ. Thậm chí, phần lớn doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn lực và lợi thế cho cạnh tranh trong nước, cạnh tranh giữa chính các doanh nhiệp nhà nước với nhau trong cùng một ngành, một lĩnh vực...
Không thể phủ nhận nguyên nhân từ bất lợi thị trường, nhất là vào giai đoạn 2008 - 2013, đã để lại những hệ quả xấu, làm nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi được. Song theo ông Trung, nhìn vào 12 dự án ngành công thương, thì thấy cả yếu kém về năng lực dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, trình độ quản lý và triển khai dự án của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những hạn chế, bất cập của thể chế, cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước, tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của doanh nghiệp là nguyên nhân lớn.
“Có trường hợp thực hiện đầu tư bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả bởi mua sắm càng lớn thì cơ hội tư lợi càng cao, điển hình là những sai phạm trong các vụ đại án đã được công bố”, ông Trung nói.
Trách nhiệm tìm giải pháp xử lý thách thức trên nằm ở Ủy ban, cơ quan được giao nhiệm vụ tạo sự khác biệt lớn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, để những “anh cả đỏ” một thời tìm lại sức mạnh.
(Còn tiếp)
Theo Báo Đầu tư
Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước |
Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm |
"Sếp DNNN lương hàng tỷ đồng không quan trọng bằng làm ra bao nhiêu tiền" |
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
-
Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thu về 339 tỷ đồng
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh