Tìm lại nét Trung thu xưa...
Đèn kéo quân hay còn được gọi là đèn cù là một loại đồ chơi quen thuộc của trẻ em mỗi dịp Trung thu về bên cạnh những đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ... Đối với trẻ em hồi xưa, có thể nói đèn kéo quân là một loại đồ chơi "xa xỉ" đáng mơ ước vì độ cầu kì để làm ra nó so với các loại đèn Trung thu khác.
Gọi là "kéo quân" do hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước. Sau này, hình ảnh trên đèn được mở rộng với những hình ảnh quê hương quen thuộc với trẻ em như mục đồng chăn trâu, đi cấy hay những con vật, cây cối quen thuộc với tuổi thơ.
Bây giờ, thị trường đồ chơi Trung thu của trẻ em trở nên vô cùng đa dạng với nhiều loại đồ chơi hiện đại, lấn át hết những đồ chơi truyền thống. Tuy vậy, gia đình nghệ nhân Vũ Văn Sinh (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) vẫn cố gắng duy trì nếp làm đèn kéo quân cho trẻ em chơi những dịp Trung thu như một cách gìn giữ những giá trị dân tộc.
Gia đình nghệ nhân Vũ Văn Sinh đã có truyền thống làm đèn kéo quân lâu đời. Ông Sinh từng được ghi nhận kỉ lục làm chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam năm 2006. Trong ảnh, ông Sinh đang làm khung chiếc đèn cao 2m theo đơn đặt của khách hàng.
Trong nhà ông Sinh bày la liệt những chiếc đèn ông sao đủ loại kích cỡ cùng những chiếc khung đèn kéo quân đang chờ hoàn thiện.
Khác với mọi năm chỉ làm cho các cháu trong nhà, trong xóm chơi, năm nay gia đình ông Sinh đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng làm đèn kéo quân ở nhiều nơi.
Bà Hạnh, vợ ông Sinh, đang dán họa tiết trang trí lên khung đèn. Chất liệu chủ yếu làm đèn đều từ tre, giấy, những thứ vật dụng quen thuộc dễ kiếm.
Việc khó nhất, cầu kì nhất trong làm đèn kéo quân là làm trục và tán quay cho đèn. Trục đèn làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ.
Chị Thủy, con dâu ông Sinh, đang tỉ mẩn làm tán quay cho đèn. "Tán quay bằng giấy trông thì đơn giản nhưng mà để quay được thì không phải ai cũng làm được. Nhiều trẻ em không chơi được đèn cũng do làm tán quay không đúng cách."
Kiểm tra tán quay sau khi dán, chỉ cần thổi nhẹ là cũng có thể quay nhanh và đều là đạt yêu cầu.
Những hình cắt dán những con vật ngộ nghĩnh để dán vào đèn. Tùy sở thích của mỗi người chơi đèn mà có thể dán những hình ảnh khác nhau.
Hình ảnh đấu vật, cày cấy quen thuộc trong dòng tranh dân gian Đông Hồ trong một đèn kéo quân đã hoàn thành. Ngoài cách chơi đèn truyền thống là dùng nến thắp để hơi nóng khiến trục chuyển động, ông Sinh còn tạo ra đèn sử dụng động cơ chạy pin hoặc chạy cồn thay thế để dễ chơi hơn.
Trải qua thời gian, đồ chơi dân gian này vẫn giữ được nét truyền thống và thu hút các em nhỏ mỗi dịp Tết Trung thu.
Hiền Anh
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo