“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”
Như Thổ (NLM số 250)
Chưa bàn đến chuyện văn bản này đã bị hiểu sai như thế nào và tại sao dư luận lại có vẻ khó chịu như vậy, nhưng cứ qua cách bàn luận thì rõ ràng chúng ta đang dân chủ quá trớn. Và đặc biệt là một số nhà báo đang tự cho mình cái quyền quá lớn, đó là thích quay phim, chụp hình ai thì cứ làm, không phải xin phép, không phải đề nghị, không phải đặt vấn đề. Mà đâu chỉ có nhà báo. Cứ theo những ý kiến đó thì bất kỳ người dân nào cũng có quyền giám sát nhân viên công quyền đang làm nhiệm vụ.
Vậy phải hiểu sự giám sát ở đây là như thế nào?
Chúng ta hãy thử tưởng tượng cảnh một tốp cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ mà cứ có vài người le ve bên cạnh giơ máy quay phim, điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm rình chộp lại nhất cử nhất động của họ thì sẽ ra sao? Nếu cảnh sát phản ứng thì lại nói là “công dân có quyền giám sát à?”.
Nếu như nhà báo muốn chụp những hình ảnh tiêu cực của lực lượng công an thì không thiếu gì cách để làm, trong đó cũng có những cách tế nhị, nhất là trong thời buổi công nghệ hiện đại như bây giờ. Các loại máy nghe trộm, các loại camera cực nhỏ gắn trên kính, trên bút, trên đồng hồ bán đầy rẫy thì việc cảnh sát giao thông bị ghi hình trộm, ghi âm trộm là chuyện không lấy gì làm lạ.
Vẫn có người tham gia giao thông sẵn sàng to tiếng, lăng mạ cảnh sát giao thông
Cách làm này tuy có cái hay là buộc các anh cảnh sát quen “ăn bẩn” phải dè chừng. Nhưng nếu cứ để tự do nêu khẩu hiệu: “Mọi công dân có quyền giám sát” thì không khéo là “loạn giám sát” và sẽ gây ức chế cho những người đang thi hành công vụ.
Người viết bài này cũng đã thấy có những gã nhà báo đi đâu cũng kè kè máy ghi âm trong túi, trong bất cứ cuộc đối thoại, trò chuyện tào lao với ai thì cũng ghi âm lại. Và thế là đến khi có chuyện, hắn trưng ra rằng: “Tôi có bằng chứng, vì nó nói như thế đấy”. Bất luận là cuộc nói chuyện đó được thực hiện trong bối cảnh như thế nào.
Mọi người đều biết vài năm trước có một giáo viên cũng đã từng được vinh danh là điển hình chống tiêu cực, nhưng lại có lối rất lạ là đi đâu cũng kè kè máy ảnh và máy ghi âm để chụp hình, ghi âm lại. Ông ta chỉ rình người khác có tiêu cực là đưa lên mạng. Những người như thế không ai dám gần nữa.
Một điều phải thấy rất rõ là, các biểu hiện về lạm quyền, lộng quyền vi phạm các quy ước đạo đức nghề nghiệp của phóng viên ngày càng phổ biến, đặc biệt là phóng viên trẻ. Lối ăn nói cộc lốc, không biết thưa gửi, không biết xin phép xuất hiện ngày càng nhiều ở các phóng viên. Ở nhà trường, tất cả sinh viên báo chí đều được học bài học vỡ lòng về lao động nghề báo là khi tác nghiệp, phỏng vấn, trao đổi với người khác mà muốn ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thì phải xin phép. Điều đó trước hết thể hiện sự tôn trọng với người đối thoại.
Nhưng phóng viên bây giờ đi phỏng vấn, viết bài không thèm ghi chép, còn đặt uỵch máy ghi âm lên mặt bàn và không thèm nói nửa lời là cảnh thường thấy. Trong lúc người đối thoại, vì nể hoặc vì bất cứ lý do nào đó buộc phải trả lời thì phóng viên có khi lại nhắn tin nhoay nhoáy trên điện thoại di động. Vả lại bây giờ thì cũng đang loạn “phóng viên”. Các tờ báo danh chính ngôn thuận có phóng viên đã đành. Nhiều trang tin tổng hợp không có chức năng xuất bản báo chí vẫn ngang nhiên cử người đi lấy tin bài, xuất bản và đứng núp dưới tên của một tờ báo khác. Bộ Thông tin & Truyền thông có vẻ cũng đang “bất lực”.
Nhiều doanh nghiệp đã phải khốn khổ vì báo chí. Có những ông giám đốc không còn khóc nổi nữa khi có những phóng viên tuổi chỉ bằng con cháu mình, ở những tờ báo, bản tin không ai biết gọi điện đến hoạnh họe: “Có quảng cáo không thì bảo?”. Còn chuyện phóng viên vớ được vài ba tài liệu nội bộ, rồi mang đến đe dọa và đòi phải có quảng cáo thì mới chịu im bây giờ cũng đã thành chuyện phổ biến…
Báo chí chúng ta chỉ mạnh mẽ lên án những tiêu cực của xã hội, nhưng lại ít soi lại mình. Các cụ ngày xưa đã có câu: “Chân mình thì lấm bề bề/ Lại còn đốt đuốc đi rê chân người”.
Trở lại chuyện cảnh sát giao thông, tôi không tin rằng, cảnh sát giao thông lại ngăn cản báo chí tác nghiệp nếu như phóng viên có mục đích, động cơ trong sáng. Nếu như nhà báo và công dân lạm dụng quyền - gọi là “giám sát” - thì đó lại là việc không thể chấp nhận được.
Cảnh sát giao thông tuy hành xử về việc công, nhưng cũng còn quyền riêng tư của họ. Vậy ai tôn trọng quyền riêng tư của họ đây? Chẳng lẽ cứ xông vào, vác máy ảnh gí vào mặt người ta, vặn vẹo điều này điều khác, rồi tự cho là mình có quyền ư? Có một thực tế rằng, nếu như cảnh sát giao thông tiêu cực thì có cấm người dân, cấm nhà báo quay phim chụp ảnh cũng không thể cấm được. Những vụ tiêu cực của cảnh sát giao thông bị phát hiện đều do quay lén, ghi lén. Nhưng không thể đưa điều này ra như một quy định và coi đó là quyền “giám sát” của công dân đối với cảnh sát giao thông.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, hiện nay có một bộ phận cảnh sát giao thông đang có biểu hiện tiêu cực. Đó là nhận tiền mãi lộ, tác phong cư xử không đúng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Chuyện ấy là có. Nhưng tiêu cực đó xuất phát từ đâu? Nó xuất phát từ chính người vi phạm giao thông. Bản thân người vi phạm rất ít khi tự giác nộp phạt và cũng không nhiều người nhận thấy lỗi do mình gây ra và xin chịu phạt. Đầu tiên họ năn nỉ xin xỏ, mong thông cảm, rồi tiếp theo là lợi dụng quen biết ông nọ, bà kia để hù dọa. Nếu không được thì đến cấp độ thứ ba là dùng tiền. Đến khi dùng tiền cũng không được thì bắt đầu chửi…?
Thật khổ cho cảnh sát giao thông, nhận tiền rồi tha cho người vi phạm đi cũng bị chửi, mà không nhận tiền, xử lý theo đúng quy định thì cũng bị chửi. Thực tế này đã có mấy ai hiểu cho cảnh sát giao thông?
Cũng có một nỗi khổ nữa, cảnh sát giao thông hiện nay bị mắc bệnh nghề nghiệp cao nhất, như bệnh đường hô hấp, bệnh xương khớp. Nhưng chế độ đãi ngộ cho cảnh sát giao thông thì chẳng đáng gì cả.
Người dân hay phàn nàn về những anh cảnh sát quát tháo, có lối nói năng thiếu tôn trọng, lễ phép. Đúng là cũng có những anh cảnh sát như vậy, nhưng số đó không nhiều. Người cảnh sát giao thông đang phải chịu áp lực cực lớn. Đó là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông ngày một tệ hại, phương tiện giao thông phát triển quá nhanh, số vụ vi phạm giao thông giảm không đáng kể, số vụ người vi phạm chống lại cảnh sát giao thông ngày một tăng…
Bên cạnh đó là sự soi mói của công luận và đặc biệt là sự thiếu công bằng khi viết và nghĩ về người cảnh sát giao thông. Người dân đòi hỏi người cảnh sát phải “kính trọng, lễ phép” với mình. Đòi hỏi này là đúng. Nhưng đã có mấy khi người dân và nhà báo có sự “kính trọng, lễ phép” với người cảnh sát và chấp hành một cách nghiêm chỉnh, tự giác các quy định của luật pháp.
Cho nên, trước khi trách cảnh sát giao thông, mong mỗi người dân hãy nhớ lại lời cổ nhân “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
N.T
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"